Người Việt ở Đức thảo luận về chủ quyền biển đảo
Cộng đồng người Việt tại Berlin vừa có buổi tọa đàm với học giả, Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã về những chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Học giả, Tiến sĩ Nguyễn Nhã giới thiệu về hành trình nghiên cứu chủ quyền biển đảo Việt Nam tại buổi tọa đàm. Ảnh: QC |
Buổi tọa đàm "Những tư liệu lịch sử minh chứng chủ quyền của Việt Nam bất khả tranh nghị trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa" diễn ra tại Đồng Xuân Quán, thuộc Trung tâm thương mại Đồng Xuân, Berlin. Đại diện nhiều hội đoàn, các tổ chức của người Việt tại Berlin cùng đông đảo các doanh nhân và bà con tại thành phố Berlin đã tới dự.
Từ Việt Nam sang Đức, Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã mang theo những tấm bản đồ cổ ghi rõ Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, đĩa CD và hàng chục cuốn sách có tựa đề "Những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa".
Học giả Nguyễn Nhã cho biết, cuốn sách bao gồm luận văn tiến sĩ về lịch sử, các trang viết ông thu thập tài liệu trên 40 năm qua về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và những hình ảnh cùng các tư liệu tổng hợp từ hàng thế kỷ trở lại đây.
Tiến sĩ Nguyễn Nhã cầm bức tranh bằng gạo có bản đồ Việt Nam bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ảnh: QC |
Tại buổi tọa đàm, ông đã trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam và nhiều vấn đề cấp bách cũng như chiến lược lâu dài của nước ta để bảo vệ chủ quyền của đất nước.
Một trong những người tham gia tọa đàm, anh Phạm Quang Thảo, doanh nhân thành đạt từng có mặt trên 9 hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa, kể lại chuyến đi và những cảm nhận về những người lính ngày đêm canh giữ biển trời của Tổ quốc.
Anh Đỗ Quyết Thắng, hiện sinh sống ở Berlin, đã tặng 4 bản đồ về biển đảo của Việt Nam cho học giả Nguyễn Nhã. Những tài liệu này được in và phát hành tại Đức vào những năm 1900, được anh Thắng sưu tầm, mua lại trong những năm gần đây.
Học giả Nguyễn Nhã đã dành phần lớn cuộc đời cho việc nghiên cứu về những bằng chứng chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Ông mong muốn tất cả những tài liệu trên cần được dịch sang nhiều thứ tiếng và phát hành rộng rãi trên thế giới.
Tiến sĩ 75 tuổi mong muốn những người Việt Nam dù ở trong nước hay đang sinh sống ở nước ngoài, cũng như những người yêu Việt Nam và những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới, cùng ủng hộ ông.
Sau buổi tọa đàm, bà con người Việt tại Berlin đã quyên góp được 495 Euro (655 USD) cho quỹ dịch thuật và công bố những tài liệu liên quan tới chủ quyền biển đảo Việt Nam của Tiến sĩ Nguyễn Nhã ra tiếng Anh.
(Theo vov.vn)