Bảo đảm quốc phòng, an ninh - cơ sở vững chắc cho phát triển
Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, các báo cáo từ Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, cho thấy công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh và ổn định chính trị, xã hội đã tạo cơ sở vững chắc cho phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương. Ảnh: Nhật Bắc |
Năm 2013, các cấp, ngành tiếp tục ưu tiên bảo đảm các nhu cầu của Quân đội nhân dân Việt Nam về các mặt đời sống và vũ khí trang bị, ưu tiên đầu tư cho các vùng trọng điểm, biên giới, hải đảo.
Đẩy mạnh xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chất lượng công tác tuyên truyền về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc có bước phát triển mới với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc của cả hệ thống chính trị và của mỗi người dân, khơi dậy sức mạnh, tiềm lực to lớn của nhân dân trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự.
Luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn các tư tưởng, nhận thức sai lệch.
Tiềm lực quốc phòng, an ninh ngày càng được nâng cao, bảo đảm giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, chủ động ngăn chặn mọi âm mưu hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội gắn liền với bảo đảm quốc phòng an ninh.
Đại tướng Trần Đại Quang cho biết năm 2013, công tác bảo đảm an ninh trật tự đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng với sự phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, sự ủng hộ của nhân dân, lực lượng Công an cùng Quân đội phát huy tốt vai trò nòng cốt, góp phần giữ vững ổn định chính trị xã hội, phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội và đối ngoại của đất nước.
Năm 2013, lực lượng Công an đã khám phá 44.033/59.111 vụ phạm pháp hình sự, xử lý 88.259 đối tượng, triệt phá 2.643 băng nhóm tội phạm, đạt 74,49% (cao hơn 1,49% so với năm 2012); kêu gọi đầu thú 1.606 đối tượng truy nã tăng 3,1%, trong đó 2.328 đối tượng nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm (tăng 4,11%).
Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, cho rằng UBND các địa phương cần tập trung phối hợp với các cơ quan chức năng, giải quyết các vụ việc khiếu kiện, không để phức tạp kéo dài. Ảnh: Nhật Bắc |
Trong lĩnh vực kinh tế, các lực lượng đã phát hiện 12.138 vụ vi phạm về trật tự quản lý kinh tế, nhiều hơn 518 vụ, phát hiện 435 vụ tham nhũng, nhiều hơn 104 vụ so với 2012. Tội phạm ma tuý, phát hiện 18.384 vụ, 28.534 đối tượng phạm tội, tăng 561 vụ và 2.399 đối tượng, thu giữ 631,29kg heroin và 225,030 kg ma tuý tổng hợp .
So với năm 2012, các vụ việc khiếu kiện gây mất trật tự an ninh, chính trị đã giảm 89,5% số vụ và 30,58% số người tham gia. Các bộ, cơ quan và địa phương chú trọng tập trung giải quyết công tác tiếp dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài gây bức xúc trong dư luận nhân dân để có biện pháp giải quyết phù hợp, bảo đảm đúng pháp luật và tạo được sự đồng thuận trong nhân dân....
Một số vấn đề còn tồn tại trên mặt trận đảm bảo ANTT được nêu lên như: Tội phạm hoạt động có tổ chức có xu hướng phức tạp, nhiều vụ án có mức độ nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận; tội phạm chống người thi hành công vụ giảm nhưng xuất hiện nhiều hành vi manh động, liều lĩnh; tính chất liên kết, đan xen giữa tội phạm kinh tế, tham nhũng, hình sự, ma túy ngày càng thể hiện rõ và có xu hướng trẻ hoá.
Về các giải pháp trong thời gian tới, Đại tướng Trần Đại Quang cho rằng UBND các địa phương cần tập trung phối hợp với các cơ quan chức năng, giải quyết ổn định tại chỗ, không để phức tạp kéo dài, hạn chế tối đa khiếu kiện đông người, vượt cấp lên Trung ương.
Các cơ quan chức năng cần trả lời thẳng thắn ngay đúng hay sai trong thẩm quyền của mình, tránh tình trạng trả lời chung chung, chuyển đơn lòng vòng đi nhiều nơi, gây phức tạp và tâm lý trông chờ hy vọng, gây khó khăn cho việc giải quyết dứt điểm. Tập trung rà soát, thống kê kiểm tra quá trình giải quyết, xác định rõ nguyên nhân khiếu kiện để thống nhất biện pháp chỉ đạo giải quyết dứt điểm.
Đồng thời tăng cường đấu tranh phòng chống tội phạm, phát huy sức mạng tổng hợp, nâng cao vai trò chủ động của các tổ chức xã hội, toàn dân trong đấu tội phạm, phòng chống tệ nạn xã hội; đảm bảo trật tự an toàn giao thông, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật nhằm giảm tai nạn và ùn tắc giao thông; chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo an ninh an toàn thông tin…
(Theo chinhphu.vn)