Thứ Hai, 13/01/2014, 14:35 (GMT+7)
.

Quyết liệt hơn trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương vào ngày 24-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Năm 2014 sẽ quyết liệt hơn trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; hoàn thiện thể chế, công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách để hạn chế tham nhũng; làm rõ trách nhiệm người đứng đầu và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Sai phạm tại Vinalines, vụ án tham nhũng gây bức xúc trong dư luận. Ảnh: ụ nổi 83.
Sai phạm tại Vinalines, vụ án tham nhũng gây bức xúc trong dư luận. Ảnh: ụ nổi 83.

Công tác thanh tra có trọng tâm, trọng điểm

Theo báo cáo Thanh tra Chính phủ, toàn ngành đã triển khai 6.317 cuộc thanh tra hành chính và thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại 369.372 tổ chức, cá nhân. Qua thanh tra phát hiện vi phạm 15.926 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước 7.199,7 tỷ đồng, 1.374 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và xử lý khác 7.520 tỷ đồng; ban hành 154.977 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân với số tiền 6.906 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 601 tập thể, 1.074 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 50 vụ việc với 52 người.

Theo Thanh tra Chính phủ, một số cuộc thanh tra còn chậm triển khai, kết luận; số vụ việc chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự còn ít.

Nguyên nhân cơ bản là do một số quy định của pháp luật về thanh tra còn bất cập; trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức thanh tra còn hạn chế, trách nhiệm chưa cao; sự phối hợp trong công tác thanh tra có lúc chưa chặt chẽ.

Về tình hình tham nhũng tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là ở một số ngành, lĩnh vực như: đất đai, tài nguyên khoáng sản, đầu tư xây dựng, tài chính, ngân hàng... và xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội.

Nguyên nhân là do một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thực sự quán triệt đầy đủ và chưa quan tâm tới công tác phòng, chống tham nhũng; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng nhìn chung còn hình thức; việc tự kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng của cơ quan, tổ chức, đơn vị, việc phát hiện tham nhũng qua hoạt động của ngành Thanh tra kết quả còn hạn chế, chưa tương xứng với thực trạng vi phạm.

Riêng Thanh tra Chính phủ đã tiến hành 46 cuộc thanh tra, trong đó có 13 cuộc thanh tra công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, quản lý khai thác khoáng sản và đầu tư xây dựng của UBND các tỉnh, thành phố;

5 cuộc thanh tra các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước;

23 cuộc thanh tra công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực (quản lý dược; thi hành án dân sự; việc liên doanh, liên kết đào tạo đại học và sau đại học; nhà ở, đấu thầu; quản lý vốn hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch; kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên; việc chấp hành pháp luật của Kho bạc Nhà nước và một số ngân hàng; việc đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp bệnh viện đa khoa huyện, khu vực liên huyện; hoạt động tạm nhập tái xuất xăng, dầu; việc quản lý, điều hành thị trường vàng);

5 cuộc thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Qua đó, đã phát hiện vi phạm 7.443 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước 911 tỷ đồng, 198 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và xử lý khác 6.532 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 9 vụ việc. Kiểm tra, đôn đốc thực hiện 20 kết luận được 9.158 tỷ đồng/13.820 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 66,26 %); xử lý, thu hồi 1.450 ha/10.941 ha đất (đạt tỷ lệ 13%).

Theo ông Lê Tiến Hào, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, công tác thanh tra thực hiện theo đúng hướng và sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng các cơ quan hành chính, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm. Qua thanh tra, ngành Thanh tra đã phát hiện, xử lý nhiều vi phạm pháp luật; đồng thời kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở trong quản lý, trong ban hành chính sách, pháp luật. So với các năm trước, kiến nghị xử lý có nghiêm hơn, kết quả xử lý sau thanh tra đã có chuyển biến tích cực và đạt kết quả cao hơn.

Tham nhũng từng bước được kiềm chế

Trong thời gian qua, các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật dưới nhiều hình thức; tăng cường công khai, minh bạch, cung cấp thông tin, trách nhiệm giải trình trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao, dư luận xã hội quan tâm; quan tâm triển khai thực hiện quy định về minh bạch tài sản, thu nhập, từ việc tổ chức kê khai cho đến công khai bản kê khai, chú ý phát hiện, xử lý vi phạm trong kê khai; quan tâm xử lý người đứng đầu do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, khen thưởng người tố cáo hành vi tham nhũng.

Các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm ban hành, tổ chức thực hiện và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị để chấn chỉnh các sai phạm; thực hiện chuyển đổi vị trí công tác trên nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước. Việc rà soát, ban hành và kiểm tra thực hiện các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn đã được đẩy mạnh trên nhiều lĩnh vực, nhất là các quy định về tiêu chuẩn, định mức về sử dụng trụ sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc, nhà ở công vụ của cơ quan, đơn vị.

Theo báo cáo Bộ Công an, năm 2013 C48 đã thụ lý, điều tra các vụ án với số tiền thiệt hại 4.638 tỷ đồng, 51.000 lượng vàng SJC và 108.000 m2 đất; C46 đã thụ lý, điều tra các vụ án với số tiền thiệt hại 3.610 tỷ đồng; công an các địa phương phát hiện thụ lý, điều  tra các vụ án với số tiền thiệt hại 1.000 tỷ đồng và 47.000 m2 đất.
Bộ Công an đã khởi tố vụ án Vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng xảy ra tại ngân hàng NN&PTNT Việt Nam chi nhánh Bình Chánh - TP. Hồ Chí Minh gây thiệt hại 410 tỷ đồng; vụ án cố ý làm trái xảy ra tại Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines gây thiệt hại 300 tỷ đồng; C46, Bộ Công an đang phối hợp với Interpol để thu hồi nguồn tiền 85 triệu USD từ các đối tượng nước ngoài chiếm đoạt của Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam; PC46, Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án lạm quyền trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Ngân hàng SeaBank gây thiệt hại 310 tỷ đồng…

Qua công tác thanh tra, giải quyết tố cáo, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện 80 vụ việc, 90 người có hành vi liên quan đến tham nhũng, với số tài sản trên 114 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi 113 tỷ đồng; đã thu 58,6 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính đối với 4 tập thể, 18 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 10 vụ việc, với 20 người, xử lý trách nhiệm 3 người đứng đầu. 

Lực lượng cảnh sát điều tra đã thụ lý 371 vụ án, 847 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó: khởi tố mới 233 vụ, 568 bị can (so với cùng kỳ năm trước tăng 11 vụ và 97 bị can); gây thiệt hại 9.260 tỷ đồng, 51.000 lượng vàng SJC;

Đã thu hồi nộp ngân sách Nhà nước 900 tỷ đồng; đã kết luận điều tra 255 vụ, 581 bị can; đình chỉ điều tra 7 vụ, 6 bị can; tạm đình chỉ 9 vụ, 23 bị can; hiện đang điều tra 96 vụ, 230 bị can.

Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 335 vụ, 803 bị can về tội tham nhũng (tăng 91 vụ, 202 bị can so với cùng kỳ năm 2012); đã đình chỉ điều tra trong giai đoạn tố tụng 19 vụ, 30 bị can.

Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử sơ thẩm 278 vụ, 584 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 41,2 % (năm 2012 tỷ lệ này là 44,1%); số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm 31,2 % (năm 2012 tỷ lệ này là 34,2%).

Nhìn chung, trong năm 2013 công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng được tăng cường; các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được quan tâm thực hiện, trên một số lĩnh vực, tham nhũng từng bước được kiềm chế.

Thông qua hoạt động thanh tra, ngành Thanh tra đã phát hiện các hành vi tham nhũng và kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật. Hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng được ngành Thanh tra tiếp tục thúc đẩy, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong phòng, chống tham nhũng.            

DUY SƠN

.
.
.