Thứ Sáu, 28/02/2014, 09:33 (GMT+7)
.

Thực hiện tốt phong trào thi đua:"Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới"

Sau 2 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới của tỉnh và 1 năm triển khai thực hiện phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, lực lượng vũ trang (LLVT) Tiền Giang đã triển khai tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả thiết thực, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Đảng ủy - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh nhận thức rõ: Xây dựng nông thôn mới là bước cụ thể quan điểm của Đảng, Nhà nước về chính sách tam nông “Nông nghiệp, nông dân và nông thôn”, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành. Đặc biệt, đối với LLVT nói chung, Quân đội nói riêng tham gia xây dựng nông thôn mới vừa tăng cường tiềm lực quân sự - quốc phòng ở địa phương, vừa thể hiện rõ bản chất, truyền thống của Quân đội, trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhiệm vụ gì cũng đều là lực lượng tiên phong và điều có ý nghĩa hơn, qua đó củng cố, tăng cường tình đoàn kết quân - dân trước yêu cầu, nhiệm  vụ mới.

Chính từ nhận thức được tầm quan trọng của phong trào xây dựng nông thôn mới, nên ngay sau khi được tiếp thu các văn bản chỉ đạo của cấp trên, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, thành lập Ban Chỉ đạo, cơ quan giúp việc theo đúng hướng dẫn, tiến hành triển khai kịp thời cho cơ quan, đơn vị; đồng thời xác định rõ nội dung, thời gian, phương pháp tiến hành, chọn huyện Cái Bè và huyện Gò Công Đông làm điểm để rút kinh nghiệm chung.

Sau triển khai, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã chỉ đạo cơ quan Quân sự huyện, thành, thị phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương và cơ sở tiến hành khảo sát thực tế, xác định địa bàn, xây dựng kế hoạch phối hợp thực hiện, xác định những nội dung công việc, tiến hành có trọng tâm, trọng điểm, cách làm cụ thể, phù hợp với điều kiện, khả năng của đơn vị, địa phương, song phải đạt yêu cầu chọn các xã trọng điểm về quốc phòng - an ninh, xã vùng sâu, vùng xa, xã đặc biệt khó khăn để hỗ trợ.

Bằng sự quyết tâm, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban Chỉ huy Quân sự các huyện (thành, thị), trung đoàn, nhà trường đã ký kết với 23 xã. Riêng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chọn xã Tân Mỹ Chánh (TP. Mỹ Tho) và xã Long An (huyện Châu Thành) để ký kết kế hoạch phối hợp thực hiện.

Mặc dù kết quả mới chỉ là bước đầu, chưa toàn diện, nhưng có thể thấy rằng, ở từng nhiệm vụ, từng nội dung đã có bước khởi sắc rõ nét. Cụ thể như trong công tác tuyên truyền chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật; việc thực hiện các chương trình, lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, môi trường và tham gia củng cố xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng xã vững mạnh về an ninh trật tự ngày càng đạt hiệu quả cao.

Ngoài ra, LLVT tỉnh còn đóng góp và vận động các nhà hảo tâm xây dựng nhà đại đoàn kết, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi cho nông dân; tập vở, phương tiện cho học sinh nghèo hiếu học; phương tiện làm việc cho xã; dây điện, bóng đèn thắp sáng đường giao thông nông thôn với tổng trị giá hơn 200 triệu đồng. LLVT còn đóng góp gần 3.000 ngày công lao động để giúp nhân dân, gia đình chính sách dọn dẹp vệ sinh môi trường, nâng cấp các tuyến đường giao thông...

Những kết quả mà LLVT đã đóng góp được cán bộ và nhân dân ngợi khen: “Ở đâu có bộ đội thì việc gì cũng xong” hoặc “Người lính Cụ Hồ ở mặt trận nào cũng luôn là lực lượng tiên phong đi đầu”, hay “Những đổi thay của nông thôn đều có dấu ấn của LLVT”…

Nhìn lại kết quả của LLVT tỉnh trong việc thực hiện phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” càng khẳng định trách nhiệm và tình cảm của bộ đội Cụ Hồ đối với cấp ủy, chính quyền và nhân dân; vị ngọt của tình quân - dân ngày càng được nhân lên qua phong trào thi đua này.

HUỲNH NGỌC HUỆ

.
.
.