Kiện toàn các mô hình phòng, chống tội phạm để đảm bảo ANTT
Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) là phong trào hành động cách mạng mang tính chiến lược, lâu dài và thường xuyên của Đảng, Nhà nước trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh trật tự - an toàn xã hội (ANTT-ATXH). Vì vậy, trong từng giai đoạn cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn xem trọng công tác vận động, xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân vào công tác bảo vệ ANTT.
Đại tá Nguyễn Việt Hùng trao thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ. |
Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, để thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 48-CT/TW ngày 22-10-2010 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”; Chỉ thị 09-CT/TW ngày 1-12-2011 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; Nghị quyết 09/CP, “Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm”, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cụ thể, sâu sắc.
Trong đó, lực lượng Công an các cấp tích cực thực hiện tốt vai trò nòng cốt, tham mưu, phục vụ cấp ủy, chính quyền cùng cấp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; chủ động phối hợp các sở, ban, ngành, Ủy ban MTTQ xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch liên ngành nhằm tổ chức vận động, tuyên truyền cán bộ, công chức và nhân dân tích cực tham gia xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ gắn với nhiều phong trào cách mạng khác ở khu dân cư.
Trong quá trình thực hiện, đã phát huy tính sáng tạo của các cấp chính quyền, đoàn thể và nhân dân. Qua đó, đã xây dựng được nhiều mô hình bảo vệ an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm. Các mô hình này ngày càng mang tính xã hội hóa nên hiệu quả, tác dụng ngày càng cao. Hiện nay, tất cả các huyện, thành phố, thị xã đều có xây dựng và thực hiện các mô hình phòng, chống tội phạm trong nhân dân.
Có 46 mô hình được xây dựng, thực hiện và thường xuyên duy trì, củng cố. Nhiều mô hình đã và đang phát huy tốt hiệu quả, tác dụng như: “Mua sổ bảo hiểm y tế cho tổ trưởng, tổ phó tổ nhân tự quản về ANTT, đội viên dân phòng”; “Cổng rào tự quản về an ninh trật tự”, “Ánh sáng quang phòng, chống tội phạm, “Đèn ngoài ngõ, mõ trong nhà”, “Đội dân phòng ô- tô và xe Honda khách phòng, chống tội phạm”, “Câu lạc bộ tình thương và trách nhiệm”.v.v. Nguồn kinh phí để đảm bảo hiệu quả và duy trì hoạt động các mô hình này đều do nhân dân tự nguyện đóng góp.
Toàn tỉnh đã xây dựng được gần 900 cổng rào tự quản về ANTT; trên 11.000 bóng đèn được mắc chiếu sáng trên 270 km đường giao thông nông thôn; trên 3.800 mõ; 8 Đội dân phòng xe Honda khách phòng, chống tội phạm. 3 năm qua, các mô hình này đã giúp nhân dân bắt và giao lực lượng Công an xử lý 39 vụ, 78 đối tượng trộm cắp, cướp giật, vi phạm trật tự an toàn giao thông…, góp phần đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở.
Ngoài ra, việc thực hiện các mô hình phòng, chống tội phạm còn góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác trong nhân dân, thúc đẩy tinh thần trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, tai - tệ nạn xã hội; phát hiện tố giác, truy bắt tội phạm, quản lý, giáo dục, cảm hóa người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội; gắn kết với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; xây dựng gia đình, ấp, khu phố, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường an toàn về ANTT và xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, bên cạnh rất nhiều mặt được thì cũng còn những hạn chế nhất định. Trên thực tế, không phải tất cả các mô hình đều duy trì tác dụng. Một số nơi, ban đầu phát động, xây dựng rầm rộ, nhưng về sau có sự lắng dịu. Một ít nơi, còn có người nảy sinh suy nghĩ chủ quan, cho rằng đã có mô hình nên tội phạm và vi phạm sẽ không xảy ra, vì thế mà đâm ra lơ là, mất cảnh giác. Chính vì vậy, để đảm bảo hiệu quả lâu dài, bền vững cần phải kiện toàn thường xuyên, liên tục các mô hình phòng, chống tội phạm.
Trước nhất là tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, sự quản lý điều hành của chính quyền. Cấp ủy Đảng ở cơ sở phải có Nghị quyết lãnh đạo thực hiện cụ thể.
Thứ hai, lực lượng Công an phải làm tốt công tác tham mưu, nòng cốt, kịp thời dự báo, đề xuất, chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể hướng dẫn cho nhân dân phương pháp phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội.
Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phát huy tính xã hội hóa trong nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ ANTT. Xây dựng mô hình phòng, chống tội phạm phải phù hợp tuyến, địa bàn thực tế ở ấp, khu phố, được sự đồng thuận trong nhân dân, phù hợp với sự phát triển của xã hội, kịp thời giải quyết những bức xúc liên quan đến ANTT. Hạn chế dần và đi đến triệt tiêu việc xây dựng mô hình không phát huy tác dụng, gây lãng phí thời gian, tiền của, công sức của dân.
Bốn là, thường xuyên, nghiêm túc tổ chức sơ, tổng kết, trung thực rút kinh nghiệm, kịp thời khen thưởng, nhân rộng các mô hình đã và đang phát huy tác dụng hiệu quả.
Năm là, xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ nói chung, xây dựng mô hình phòng, chống tội phạm nói riêng cần gắn với các cuộc vận động cách mạng khác ở địa phương, cơ sở như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Xây dựng gia đình, ấp, khu phố, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường an toàn về an ninh trật tự”, xây dựng nông thôn mới.
Đại tá NGUYỄN VIỆT HÙNG
Phó Giám đốc Công an tỉnh