Thứ Ba, 05/08/2014, 08:26 (GMT+7)
.

Kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Hải quân

Ngày 4-8, tại TP. Hải Phòng, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam và quân, dân miền Bắc.

Dự Lễ kỷ niệm có đồng chí Đại tướng Phùng Quang Thanh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng nhiều tướng lĩnh qua các thời kỳ, đại diện lãnh đạo Quân khu III, Quân chủng Hải Quân, lãnh đạo TP. Hải Phòng, đại diện Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang...

Đại tướng Phùng Quang Thanh phát biểu tại Lễ kỷ niệm.  Ảnh: Duy Đông - Báo QĐND
Đại tướng Phùng Quang Thanh phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: Duy Đông - Báo QĐND

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng, Đại tướng Phùng Quang Thanh đánh giá cao những thành tựu vẻ vang, những bài học giá trị của chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5-8-1964; đồng thời nhấn mạnh, ngày nay, sự nghiệp cách mạng có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thử thách. Tình hình thế giới, Biển Đông diễn biến phức tạp, yêu cầu đặt ra cho Quân đội ta nói chung cũng như Quân chủng Hải quân những nhiệm vụ mới đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao hơn.

Đại tướng, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh: Trong thời gian tới, Quân chủng Hải quân cần kế thừa, phát triển và vận dụng linh hoạt, sáng tạo những bài học kinh nghiệm từ chiến thắng trận đầu vào nhiệm vụ thực tiễn trong quản lý chủ quyền và bảo vệ biển đảo Tổ quốc, trong đó tập trung thực hiện 6 nội dung quan trọng:

Thứ nhất, xây dựng Quân chủng Hải quân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, lấy xây dựng vững mạnh chính trị làm cơ sở để nâng cao chất lượng Quân chủng Hải quân. Cán bộ, chiến sĩ cần nhận thức sâu sắc hơn nữa vị trí chiến lược của biển đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chú trọng bồi dưỡng, nâng cao lòng yêu nước cho cán bộ, chiến sĩ tuyệt đối trung thành với Đảng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và đường lối đổi mới của Đảng ta.

Đại tướng Phùng Quang Thanh xem các tài liệu về trận đầu đánh thắng của Hải quân nhân dân Việt Nam. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Đại tướng Phùng Quang Thanh xem các tài liệu về trận đầu đánh thắng của Hải quân nhân dân Việt Nam. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Thứ hai, nắm vững quan điểm của Đảng và Nhà nước trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo, đó là bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo đất nước bằng phương pháp hòa bình, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân, giữ vững quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng.

Lực lượng Hải quân luôn bình tĩnh, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát biển, lực lượng thực thi pháp luật trên biển đánh giá dự báo, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng để tham mưu với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tránh không để bị động bất ngờ, để nước ngoài xâm chiếm chủ quyền biển đảo quốc gia.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, tăng cường trang bị vũ khí hiện đại, duy trì, bảo vệ tốt tính năng vũ khí được trang bị. Nghiên cứu, áp dụng các thành tựu khoa học - công nghệ vào cải tiến vũ khí, trang thiết bị, rèn luyện kỷ luật, đảm bảo an toàn trong huấn luyện và giao thông. Ngoài ra, chủ động hợp tác với hải quân các nước theo đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, không phương hại an ninh của các nước láng giềng. Hỗ trợ chương trình đánh bắt xa bờ của nhân dân để nhân dân yên tâm bám biển. Cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ…

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh yêu cầu các đơn vị chức năng rà soát lại những trường hợp đã lập nên chiến công trong chiến thắng trận đầu nhưng chưa được ghi nhận, khen thưởng để báo cáo về Quân ủy Trung ương và kịp thời ghi nhận công lao của cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ đã tham gia chiến đấu.

Trong diễn văn đọc tại Lễ kỷ niệm, Đô đốc Nguyễn Văn Hiến - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã khái quát lại thành tích vẻ vang chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam: Đầu năm 1964, nhằm cứu vãn sự thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, Mỹ quyết định mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Để thực hiện kế hoạch đánh phá miền Bắc, chúng đưa tàu khu trục Ma-đốc tiến sâu vào vùng biển miền Bắc để khiêu khích.

Đối phó với tình hình trên, thực hiện mệnh lệnh của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân giao cho Phân đội 3, Tiểu đoàn 135 bí mật hành quân vào Hòn Nẹ (Thanh Hóa) phục kích đón đánh tàu khu trục địch. Khi tàu Ma-đốc vào cách Hòn Mê 9 hải lý, Phân đội 3 được lệnh xuất kích. Mặc cho địch bắn pháo dữ dội từ tàu và máy bay, các tàu của ta vẫn dũng cảm vừa vận động tránh đạn, vừa nhanh chóng rút ngắn cự ly, chiếm lĩnh vị trí có lợi để công kích ngư lôi.

Với tinh thần dám đánh, quyết đánh, quyết trừng trị quân xâm lược, cán bộ, chiến sĩ Phân đội 3 tàu phóng lôi đã vượt qua làn bom đạn của tàu và máy bay địch, anh dũng chiến đấu đánh đuổi tàu khu trục Ma-đốc ra khỏi vùng biển và vùng trời miền Bắc, bắn rơi 1 máy bay và bắn bị thương 1 chiếc khác vào ngày 2/8/1964.

Để phản công lại trận thua ngày 2-8, Mỹ dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” vu cáo lực lượng Hải quân Bắc Việt Nam tiến công vào tàu chiến Mỹ đang hoạt động bình thường ở Vùng biển Quốc tế. Ngày 5-8-1964, chúng huy động một lực lượng lớn không quân bất ngờ tập kích ồ ạt vào các căn cứ Hải quân của ta và các mục tiêu kinh tế, quân sự quan trọng trên dải ven biển miền Bắc từ Hòn Gai (Quảng Ninh) đến Sông Gianh (Quảng Bình).

Do chuẩn bị chu đáo từ trước, Hải quân nhân dân Việt Nam đã hiệp đồng chặt chẽ với Bộ đội Phòng không quốc gia, Công an nhân dân vũ trang, dân quân tự vệ và nhân dân các địa phương dũng cảm chiến đấu, bắn rơi 8 máy bay, bắn bị thương nhiều chiếc khác, bắt sống giặc lái Mỹ đầu tiên trên vùng biển miền Bắc.|

Đô đốc Nguyễn Văn Hiến nhấn mạnh, những bài học rút ra từ chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam, đó là:

Đã làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng để khi đối mặt với kẻ thù không hề run sợ. Khi trực tiếp chiến đấu với kẻ thù vừa phải nêu cao tinh thần tự lực tự cường, đồng thời phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi lực lượng, nhất là lực lượng vũ trang các địa phương nhằm tạo thế trận liên hoàn, vững chắc. Cùng với huấn luyện, phải làm tốt công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cũng như công tác chính sách, cứu chữa thương binh, duy trì khả năng chiến đấu liên tục cho mỗi con tàu khi đối mặt với kẻ thù.

(Theo TTXVN)

.
.
.