PC 68: Những mô hình "VHGT đường thủy" vì sự bình yên sông nước
Trong những năm qua, Phòng Cảnh sát Đường thủy (CSĐT), Công an tỉnh phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương tập trung xây dựng nhiều mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy” trên các tuyến, địa bàn trọng điểm để nâng cao hiệu quả thực hiện Cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phát động góp phần phòng ngừa tai nạn giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường thủy nội địa trên địa bàn Tiền Giang; đồng thời nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ ứng xử của lực lượng CSĐT khi làm nhiệm vụ và phát huy tính tự giác chấp hành pháp luật, xây dựng nếp sống văn hóa của người tham gia giao thông đường thủy.
Lực lượng CSĐT kiểm tra phương tiện vi phạm. |
Chẳng hạn như xây dựng mô hình “Doanh nghiệp có văn hóa trong hoạt động kinh doanh vận tải đường thủy nội địa” ở huyện Cái Bè. Qua rà soát trên địa bàn huyện có 11 doanh nghiệp với 12 phương tiện vận tải hàng hóa và 72 phương tiện chở khách thường xuyên hoạt động trên các tuyến;
Lực lượng CSĐT phối hợp với các ngành chức năng, các đoàn thể ở địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa, nhất là thực hiện đúng việc đăng ký, đăng kiểm, các phương tiện phải đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.
Với cách làm này, trong thời gian qua các phương tiện không để xảy ra tai nạn giao thông và tình hình vi phạm hành chính cũng giảm rất nhiều so với trước đây, hoạt động của các doanh nghiệp ngày càng đi vào nền nếp hơn.
Ở huyện Cai Lậy xây dựng mô hình “Đoạn sông văn hóa an toàn” đối với tuyến sông Ba Rài. Đây là tuyến đường thủy rất quan trọng đối với huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy trong việc lưu thông vận chuyển hàng hóa, hành khách các nơi trong vùng.
Do vậy, lực lượng CSĐT cùng chính quyền địa phương tăng cường công tác nghiệp vụ chuyên môn, kiểm tra luồng, tuyến, bến bãi, nhất là các bến đò khách ngang, dọc; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông đường thủy nội địa để người dân thông suốt, nhất là những hộ dân sống ven sông;
Sửa chữa, lắp đặt các biển báo đường thủy nhằm ngăn ngừa tai nạn giao thông, chú trọng đến các phương tiện lưu thông vào ban đêm tại các “Điểm đen” tiềm ẩn tai nạn giao thông. Thực tế cho thấy, trong những năm qua tình hình trật tự ATGT đường thủy trên đoạn sông này luôn được duy trì, không để xảy ra tai nạn giao thông.
Còn với mô hình “Bến đò ngang an toàn”, Phòng CSĐT phối hợp cùng Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh triển khai thực hiện từ năm 2011, đến nay đã xây dựng và công nhận được 11 “Bến đò ngang an toàn”, ở đó mỗi bến có 1 đội thanh niên tình nguyện với 10 thành viên, gồm lực lượng quân sự, công an cơ sở.
Hàng tuần Đội này ra quân kiểm tra kết hợp với tuyên truyền các quy định về đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa tại các bến đò; đồng thời hướng dẫn người đi đò phải mặc áo phao, cách sử dụng dụng cụ cứu sinh. Hiện nay, các đội này hoạt động rất có hiệu quả tại các bến đò ngang, không để xảy ra tai nạn giao thông đường thủy.
Ngoài ra còn có các mô hình “Tự quản bảo đảm trật tự ATGT đường thủy với phòng, chống đuối nước trẻ em”, mô hình “Lái phương tiện du lịch an toàn”…
Đến nay toàn tỉnh có 18 mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy” được xây dựng, đi vào hoạt động có hiệu quả tốt và ngày càng được nhân rộng ra ở nhiều nơi trong tỉnh, đặc biệt là ở các địa phương có tuyến giao thông thủy phức tạp về trật tự ATGT để tạo sức lan tỏa trong cộng đồng; trong đó vai trò của lực lượng CSĐT luôn chủ động gắn kết với các ngành hữu quan, các địa phương trong công tác vận động, tuyên truyền mọi người tích cực tham gia các mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy”.
Trung tá Lê Hồng Mến, Đội trưởng Đội Tuyên truyền và xử lý Phòng CSĐT cho biết, hiện nay vẫn còn không ít người tham gia giao thông chưa nêu cao ý thức tự giác chấp hành các quy định pháp luật, còn mang tính đối phó với lực lượng chức năng dẫn đến vi phạm về giao thông đường thủy nội địa.
Phổ biến là những hành vi như: lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường thủy nội địa; tình trạng phương tiện không đăng ký, đăng kiểm; người điều khiển phương tiện không bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn; khai thác trái phép cát, sỏi trên lòng sông; các phương tiện chở hàng hóa quá vạch dấu mớn nước an toàn, quá số người quy định, vi phạm quy tắc giao thông, người đi đò không mặc áo phao theo quy định…
Xuất phát từ thực tế nêu trên, vừa qua cán bộ của Phòng CSĐT ngoài việc tổ chức các buổi mittinh, hội thảo với chủ đề “Thanh niên với văn hóa giao thông” và sinh hoạt câu lạc bộ với nội dung “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” còn tổ chức nhiều đợt cao điểm tuyên truyền các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT đường thủy cho các chủ phương tiện, tài công ở các bến đò ngang, dọc, bến đò du lịch; các em học sinh các trường phổ thông ở dọc các tuyến sông, kinh, rạch với nhiều hình thức phong phú, sinh động, hấp hẫn và dễ nhớ.
Song song với việc xây dựng các mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy”, lực lượng CSĐT còn tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát giao thông, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự ATGT đường thủy, chú ý những hành vi thường là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông, giữ vững trận tuyến an toàn giao thông trên các tuyến thủy nội địa.
Đêm ngày xuôi ngược trên các tuyến giao thông thủy làm nhiệm vụ trong 3 năm qua, lực lượng CSĐT phát hiện xử lý 54.488 trường hợp vi phạm. Vì vậy trong những năm qua tình hình tai nạn giao thông đường thủy được kiềm giảm rõ rệt.
Những thành tích đạt được qua 3 năm thực hiện Cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” trên địa bàn Tiền Giang được Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tặng Bằng khen cho Ban Chỉ đạo tỉnh; Tổng Cục cảnh sát Quản lý hành chính và Trật tự xã hội - Bộ Công an tặng Giấy khen cho tập thể Phòng CSĐT- CATG.
LH