Thứ Tư, 06/08/2014, 14:21 (GMT+7)
.

Tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ về phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2011 - 2015, hàng năm Công an Tiền Giang (CATG) đều tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai đến các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể thông suốt để thực hiện.

Trước tình hình tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, các lực lượng chức năng đã tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để phòng, chống tội phạm mua bán người và môi giới hôn nhân trái phép với người nước ngoài.

Căn cứ Kế hoạch của UBND tỉnh, các ngành, các cấp, tổ chức đoàn thể trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch, quy chế liên tịch giữa các sở, ngành và địa phương về phòng, chống tội phạm mua bán người; đồng thời nhân rộng các hình thức ký cam kết giữa các đơn vị, tổ chức trong phòng, chống tội phạm mua bán người để phát huy vai trò của cộng đồng dân cư.

Lực lượng công an thường xuyên kiểm tra, thông báo về các phương thức, thủ đoạn mới của bọn tội phạm; các chủ trương, chính sách, pháp luật; những nơi làm tốt, chưa tốt để kịp thời chấn chỉnh việc thực hiện đem lại hiệu quả.

Thời gian qua, CATG đã tập trung lực lượng, tổ chức tốt các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn tội phạm mua bán người, kịp thời điều tra làm rõ hành vi phạm tội, xử lý nghiêm theo quy định số đối tượng chủ mưu, cầm đầu tổ chức các đường dây mua bán người.

Trong quá trình thực hiện, cơ quan điều tra CATG đã phát hiện, xác lập chuyên án đấu tranh với đối tượng từ TP. Hồ Chí Minh xuống Tiền Giang để câu móc, tuyển chọn đưa phụ nữ lên TP. Hồ Chí Minh cho người nước ngoài xem mặt rồi làm thủ tục đưa ra nước ngoài theo con đường du lịch để hoạt động mại dâm.

Kết quả khám phá chuyên án đã bắt 1 đối tượng, giải cứu 2 phụ nữ đang làm thủ tục xuất cảnh tại cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Riêng đối với các hoạt động mua bán người dưới dạng môi giới hôn nhân trái phép, tổ chức xem mặt chọn vợ, kết hôn giả để đưa ra nước ngoài trong thời gian qua chưa phát hiện.

Theo số liệu của Tổng cục Phòng, chống tội phạm tại Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống tội phạm mua bán người và môi giới hôn nhân trái phép với người nước ngoài” (được tổ chức tại Tiền Giang vào ngày 30-7), từ đầu năm 2008 đến 6 tháng đầu năm 2014 cả nước xảy ra gần 3.000 vụ mua bán người, với hơn 4.700 đối tượng lừa bán 5.800 nạn nhân, trong đó có 90% vụ mua bán người ra nước ngoài, chủ yếu sang Trung Quốc.

Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh, các cấp hội luôn quan tâm đến công tác giáo dục phòng ngừa và chủ yếu là công tác truyền thông trong cộng đồng.

Thông qua công tác tuyên truyền và các hoạt động hỗ trợ, Hội LHPN tỉnh đã góp phần phòng ngừa có hiệu quả tình trạng phụ nữ và trẻ em bị mua bán; đồng thời hạn chế số lượng phụ nữ kết hôn với người nước ngoài (nhất là qua môi giới), hàng năm đều giảm đáng kể so với thời gian trước.

Từ năm 2009 - 2013, số vụ kết hôn với người nước ngoài đều dưới 400 trường hợp/năm, trong đó kết hôn với người nước ngoài là Đài Loan và Hàn Quốc chỉ còn khoảng 10%.

Gần đây, chưa phát hiện trường hợp phụ nữ trong tỉnh bị mua bán. Bên cạnh đó, các cấp Hội LHPN đã đẩy mạnh nhiều hoạt động hỗ trợ vốn, dạy nghề, tạo việc làm tại địa phương nhằm hạn chế tình trạng phụ nữ, trẻ em thiếu việc làm, bỏ địa phương đi làm ăn xa, các gia đình khó khăn muốn gả con ra nước ngoài vì yếu tố kinh tế…

Qua theo dõi, có đến hơn 50% trường hợp phụ nữ ở nông thôn trên địa bàn tỉnh lấy chồng nước ngoài đều có hoàn cảnh khó khăn, học vấn thấp, muốn đổi đời hoặc giúp đỡ người thân nên rất dễ bị lường gạt.

Với hoạt động này, Hội LHPN các cấp luôn nắm bắt kịp thời để giúp các hộ gia đình phụ nữ nghèo, phụ nữ yếu thế được vay nhiều nguồn vốn tín chấp qua hội quản lý với hàng chục tỷ đồng. Đặc biệt, 1 trong những chương trình phối hợp được đánh giá khá hiệu quả trong thời gian qua là việc Sở Tư pháp kịp thời thông tin các vụ đăng ký kết hôn có biểu hiện “khác biệt” đến Hội LHPN để phân công cán bộ cơ sở tìm hiểu, giáo dục và vận động chị em khi có vấn đề; qua đó đã kịp thời ngăn chặn một số vụ lường gạt đi lao động nước ngoài và môi giới lấy chồng Đài Loan bất hợp pháp; dụ dỗ buôn bán trẻ em gái… (ở địa bàn huyện Cái Bè, TX. Gò Công).

Về giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh với bọn tội phạm mua bán người trong thời gian tới, lực lượng CATG chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền cùng cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng đối với công tác phòng, chống mua bán người, về mối hiểm họa của mua bán người để mọi người đề cao cảnh giác. Từ đó tích cực chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh chống mua bán người, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân bị mua bán.

Qua đó, giúp gia đình và chị em phụ nữ có nhận thức đúng đắn về kết hôn với người nước ngoài, nâng cao ý thức dân tộc, giữ gìn truyền thống, phẩm giá của người phụ nữ Việt Nam; ngăn chặn tình trạng phụ nữ ở địa phương bị đối tượng dụ dỗ đưa lên TP. Hồ Chí Minh để người nước ngoài xem mắt và phòng ngừa tội phạm mua bán phụ nữ dưới hình thức hoạt động mại dâm;

Đồng thời lực lượng công an các cấp sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh quyết liệt với bọn tội phạm buôn bán người, chủ động mở các đợt cao điểm tấn công tội phạm và xác lập các chuyên án, đi sâu điều tra, bóc gỡ các đường dây, ổ nhóm mua bán người liên quan đến nhiều đối tượng.

P.L

.
.
.