Ghi nhận qua công tác bảo đảm trật tự ATGT 6 tháng đầu năm
Theo Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, tình hình trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2015 có chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông (TNGT) giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ năm 2014 (cả 3 tiêu chí giảm 14,67%).
Tuy nhiên, theo đánh giá của Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban ATGT tỉnh Nguyễn Văn Khang, số vụ TNGT dù có giảm nhưng vẫn ở tỷ lệ thấp nên đòi hỏi công tác bảo đảm trật tự ATGT trong 6 tháng cuối năm cần phải được các ngành chức năng tập trung quyết liệt hơn.
Phát áo phao cho hành khách qua phà ở bến phà Bình Ninh (xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo). |
Số vụ TNGT giảm nhưng ở tỷ lệ thấp
Nhận xét về công tác bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Hùng, Phó Trưởng Ban ATGT tỉnh cho biết:
Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự tham gia phối hợp của các ban, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội trong việc thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT và chống ùn tắc giao thông, chủ động xử lý kịp thời các hành vi vi phạm giao thông, tổ chức điều hòa giao thông tại các khu vực phức tạp nên tình hình trật tự ATGT trong 6 tháng đầu năm được bảo đảm, tình trạng ùn tắc giao thông đã được khắc phục, không xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng kéo dài.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT được các ngành, các cấp, các địa phương duy trì thường xuyên; thời lượng, số lượng tuyên truyền được tăng cường, hình thức tuyên truyền phong phú bảo đảm truyền tải đầy đủ các nội dung đến mọi tầng lớp nhân dân.
Ban ATGT tỉnh phối hợp với các ngành là thành viên Ban ATGT tỉnh, các tổ chức đoàn thể: Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Liên đoàn Lao động, Tỉnh đoàn, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh… triển khai Kế hoạch tuyên truyền ATGT năm 2015 theo chủ đề “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”.
Đơn vị đã tổ chức in 45.000 tờ bướm tuyên truyền không sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, in 3.500 quyển tài liệu và trên 150 đĩa CD tuyên truyền về ATGT cấp phát cho các địa phương và các ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền trong nhân dân.
Các mô hình về ATGT của các đoàn thể được nhân rộng, chuyên nghiệp hơn, ngày càng phát huy được hiệu quả, góp phần nâng cao ý thực tự giác chấp hành pháp luật về ATGT của người tham gia giao thông.
Hội Nông dân thông qua hoạt động mô hình “Vai trò của Hội Nông dân với ATGT” đã vận động, giáo dục 165 đối tượng có biểu hiện vi phạm trật tự ATGT và có 130 đối tượng tiến bộ; tổ chức 115 cuộc mé nhánh cây, phát quang bụi rậm che khuất tầm nhìn với hơn 68 km đường giao thông nông thôn.
Sở Giáo dục - Đào tạo tổ chức phát động các hội thi về ATGT như: Thi vẽ tranh với chủ đề “Chiếc ô tô mơ ước” có 512 tác phẩm dự thi; Hội thi tuyên truyền về đội mũ bảo hiểm, có 8 đội thi của các trường mầm non trên địa bàn TP. Mỹ Tho và các khối lớp từ 1 - 5 của Trường Tiểu học Nguyễn Huệ…
Các lực lượng chức năng, các địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện kế hoạch điều hòa giao thông, các phương án phân luồng, bố trí lực lượng, tăng cường tuần tra kiểm soát, kiên quyết, kịp thời xử lý vi phạm giao thông, tổ chức điều hòa khi có ùn tắc giao thông.
Lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 38.787 trường hợp vi phạm, trong đó tạm giữ phương tiện 5.186 trường hợp, tước giấy phép lái xe 2.906 trường hợp, phạt tiền 24.062 trường hợp, thành tiền trên 19 tỷ đồng.
Công an các xã tổ chức tuần tra, phát hiện 1.650 trường hợp vi phạm (không đội mũ bảo hiểm, không mang giấy đăng ký xe, không bảo hiểm trách nhiệm dân sự…). Lực lượng Cảnh sát đường thủy đã phát hiện 9.211 trường hợp vi phạm, phạt tại chỗ 7.466 vụ, thành tiền 758 triệu đồng.
Lực lượng Thanh tra giao thông - vận tải tỉnh tổ chức tuần tra, kiểm soát phát hiện 2.629 trường hợp vi phạm, trong đó nhắc nhở tại chỗ 1.450 vụ, lập biên bản xử lý 646 vụ, thành tiền 1,2 tỷ đồng; giao công an các huyện lập biên bản xử lý 526 vụ. Các lỗi vi phạm chủ yếu là: Quá tải thiết kế của xe, đậu xe lên xuống hàng hóa sai quy định, quá tải cầu đường, đi vào đường cấm…
Theo thống kê, tổng số TNGT đường bộ và đường thủy xảy ra 175 vụ, làm chết 97 người, làm bị thương 139 người. So với cùng kỳ năm 2014, số vụ tai nạn giảm 7 vụ (175/182) giảm 3,85%, số người chết giảm 21 người (97/118) giảm 17,8%, số người bị thương giảm 40 người (139/179) giảm 22,35%. Trong đó, TNGT đường bộ xảy ra 171 vụ, làm chết 96 người, bị thương 139 người; TNGT đường thủy xảy ra 4 vụ, chết 1 người.
Cần tập trung quyết liệt các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT
Nếu so với cùng kỳ năm 2014, TNGT trong 6 tháng đầu năm 2015 giảm cả 3 tiêu chí (về số vụ, số người chết, số người bị thương) nhưng tỷ lệ giảm vẫn còn thấp, đặc biệt có địa phương tăng cao về TNGT như huyện Tân Phước (tăng 133,33%) và TX. Cai Lậy (tăng 61,67%).
Qua phân tích của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (CATG), số người chết do TNGT xảy ra chủ yếu trên các tuyến Quốc lộ 1 (chiếm 41,67%), Quốc lộ 50 (5,2%), các tuyến đường tỉnh (22,91%), đường huyện (16,67%), giao thông nông thôn (4,17%).
Nguyên nhân gây tai nạn do người điều khiển phương tiện đi sai làn đường, phần đường (chiếm 25,15%), không nhường đường (5,85%), người đi bộ (6,43%); sử dụng rượu, bia (1,75%); thời gian xảy ra tai nạn tập trung từ 12 giờ đến 24 giờ (chiếm 70,76%).
TNGT chủ yếu liên quan đến người điều khiển mô tô, xe gắn máy. Các vụ vi phạm giao thông bị phát hiện và xử lý vẫn còn cao, cho thấy một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông còn chủ quan, thiếu ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn giao thông.
Đại tá Trần Hoài Bảo, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (CATG) cho biết: “Mặc dù số vụ TNGT trong thời gian qua được kéo giảm nhưng qua công tác tuần tra, kiểm soát cho thấy thực tế trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều điểm phức tạp về trật tự ATGT.
Quốc lộ 1 là tuyến đường huyết mạch nhưng trong quá trình duy tu, sửa chữa còn chắp vá nên không những gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông mà còn đối với cả lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát địa bàn.
Đặc biệt, tình trạng thanh thiếu niên tụ tập thành nhóm, điều khiển xe gắn máy với tốc độ cao, rú ga, nẹt pô đang có chiều hướng gia tăng. Tình hình điều khiển xe gắn máy sau khi uống rượu, bia còn xảy ra phổ biến, tập trung ở địa bàn TP. Mỹ Tho vào thời điểm chiều tối.
Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông phản ánh: “Một số tài xế tuyến xe buýt Mỹ Tho - Cai Lậy - Cái Bè buông vô lăng để hút thuốc trong khi điều khiển phương tiện; vừa lái xe vừa nghe điện thoại.
Học sinh vừa điều khiển xe trên đường vừa nhắn tin điện thoại gây nguy hiểm cho người đi đường và bản thân. Tình trạng điều khiển phương tiện chở hàng hóa cồng kềnh vẫn còn xảy ra trên một số tuyến đường quốc lộ, huyện lộ”.
Đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT trong 6 tháng cuối năm 2015, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khang nhấn mạnh: “Các ban, ngành và địa phương cần tiếp tục tập trung vào các giải pháp: Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành quy định ATGT của người tham gia giao thông, trong đó chú ý đến từng nhóm đối tượng cụ thể trực tiếp tham gia giao thông; duy trì và nhân rộng các mô hình bảo đảm trật tự ATGT.
Ngành Công an tiếp tục huy động các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát các địa bàn trọng điểm có nguy cơ xảy ra TNGT cao, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về trật tự ATGT, trong đó lưu ý đến việc bảo đảm ATGT tại các bến phà, bến đò khách ngang sông trong mùa mưa bão.
Ngành Giao thông - vận tải tập trung rà soát, xử lý những tồn đọng của hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông… là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất ATGT trên địa bàn tỉnh. Chính quyền cơ sở chịu trách nhiệm về việc giải tỏa các điểm họp chợ ở đầu cầu, ngã ba, ngã tư và xử lý triệt để các trường hợp lấn chiếm lòng, lề đường gây mất trật tự ATGT.
PHÙNG LONG