Thứ Ba, 11/08/2015, 10:03 (GMT+7)
.
Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Công an nhân dân Việt Nam:

Công an nhân dân Việt Nam: Thời gian và sự kiện

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Cùng với sự ra đời của chính quyền cách mạng, các tổ chức làm nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ nhân dân cũng ra đời. Tuy cùng chung một nhiệm vụ là thanh bảo kiếm của Đảng, nhưng mỗi nơi có tên gọi khác nhau, ở Bắc bộ gọi là Sở Liêm phóng, Sở Cảnh sát; ở Trung bộ gọi là Sở Trinh sát; ở Nam bộ gọi là Quốc gia tự vệ cuộc.

KL
Ảnh minh họa. Ảnh: Duy Sơn

- Sau khi thành lập Chính phủ, ngày 19-1-1946 Bộ Nội vụ ban hành Nghị định 14/NĐ về tổ chức Bộ Nội vụ gồm: Văn phòng bộ và 4 nha, trong đó Nha công an phụ trách công tác trị an.

- Ngày 21-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 23/SL hợp nhất các Sở Liêm phóng, Sở Trinh sát trong toàn quốc thành lập một tổ chức có tên gọi chung là Công an, thể hiện tính thống nhất của lực lượng trong cả nước, tạo sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự.

- Ngày 18-4-1946, Bộ Nội vụ ban hành Nghị định 121/NĐ quy định tổ chức Việt Nam Công an vụ gồm 3 cấp: Công an Trung ương, Công an kỳ và Công an tỉnh. Công an Trung ương gọi là Nha Công an Việt Nam, sau gọi là Nha công an Trung ương; Công an kỳ gọi là Sở Công an; Công an tỉnh gọi là Ty Công an. Bộ máy tổ chức của Nha Công an gồm 3 bộ phận: Văn phòng Nha, Ty tập trung tài liệu và Ty Thanh tra. Hệ thống tổ chức công an được hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu của Đảng trong công tác bảo vệ an ninh trật tự .

- Ngày 13-3-1947, Bộ Nội vụ ban hành Nghị định 36/NĐ về việc thành lập quận công an trong phạm vi một số tỉnh có vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị và xã hội.

- Ngày 10-10-1950, Bộ Nội vụ ban hành Nghị định 438/NĐ thành lập công an xã trong toàn quốc

- Ngày 3-1-1952, Bộ Nội vụ ban hành Nghị định  09/NĐ thành lập công an huyện nhằm nắm tình hình an ninh chính trị ở cơ sở nhanh chóng kịp thời.

- Ngày 16-2-1953, Chủ tich Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 141/SL đổi Nha Công an thành Thứ Bộ Công an.Tổ chức của Thứ Bộ Công an gồm: Văn phòng Thứ bộ, Vụ Bảo vệ chính trị, Vụ Trị an hành chính, Phòng Nhân sự, Vụ Chấp pháp, Cục Cảnh vệ và Trường Công an.

- Tháng 8-1953, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Hội đồng Chính phủ ra nghị quyết về việc tăng cường công tác tổ chức và cán bộ trong lực lượng công an; đồng thời đổi tên Thứ Bộ Công an thành Bộ Công an.

- Tháng 8-1962, Trung ương cục miền Nam ra quyết định thành lập Ban lãnh đạo An ninh  Trung ương Cục miền Nam, Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam thành lập các tiểu ban trực thuộc, gồm: Văn phòng Tiểu Ban bảo vệ chính trị, Tiểu Ban điệp báo, Tiểu Ban bảo vệ nội bộ, Cơ quan cảnh vệ, Trung đội Bảo vệ vũ trang, Bộ phận sản xuất, Tổ điện đài, Tổ cơ yếu. Từ đây, Ban An ninh Trung ương cục liên lạc trực tiếp với Bộ Công an bằng điện đài.

- Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, vào tháng 6/1975, Quốc hội khóa V – nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra Nghị quyết hợp nhất Bộ Công an  với Bộ Nội vụ lấy tên là Bộ Nội vụ.

- Ngày 7-5-1998, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa X, ra Nghị quyết 13/NQ-1998-QH đổi tên Bộ Nội vụ thành Bộ Công an.

Qua 70 năm thành lập, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng Công an nhân dân Việt Nam vượt qua nhiều gian nan thử thách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

TẤN ĐỜI

Công an Tiền Giang: 65 năm chiến đấu và trưởng thành

(19-8-1945 -19-8-2010), trang 2

.
.
.