Mô hình "BĐNAT": Hiệu quả trong công tác bảo đảm trật tự ATGT
Hưởng ứng Cuộc vận động “Thanh niên Tiền Giang với văn hóa giao thông”, Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) tỉnh đã phối hợp với Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai mô hình “Bến đò ngang an toàn” từ nhiều năm nay. Qua đây, đã phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của đoàn viên, hội viên, thanh niên trong công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về ATGT và trực tiếp tham gia giữ gìn trật tự ATGT.
Hướng dẫn khách qua đò mặc áo phao. |
Gò Công Đông có 2 bến đò ngang an toàn (BĐNAT), gồm bến đò Đèn Đỏ (xã Tân Thành) và bến đò Bến Chùa (xã Phước Trung). Các đội Thanh niên tình nguyện (TNTN) giữ gìn trật tự ATGT tại 2 bến đò thường xuyên tổ chức các đợt ra quân sắp xếp trật tự ATGT. Ðội TNTN có từ 30 - 40 thành viên, gồm lực lượng Công an xã, đoàn viên, hội viên, thanh niên địa phương luân phiên túc trực 2 bên bến đò hướng dẫn, giúp đỡ người khi lên, xuống đò, mặc áo phao hoặc sử dụng thiết bị cứu sinh đúng cách.
Nhắc nhở các chủ đò và người điều khiển phương tiện thực hiện đúng các quy định và bảo đảm an toàn khi hoạt động, tham gia ứng cứu khi có tai nạn xảy ra. Tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa cho người dân khu vực bến đò, nhất là các em học sinh tại các trường học; đồng thời nhắc nhở chủ bến tu sửa, bảo dưỡng phương tiện, thiết bị và xây dựng hạ tầng khu vực bến đò…
Huyện Cai Lậy hiện có 4 BĐNAT, mỗi bến đều gắn liền với trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên, hội viên trong tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông. Huyện đoàn Cai Lậy cho biết:
“Do đặc thù Ngũ Hiệp là xã cù lao nên việc đi lại, giao thương của bà con trong xã đều phải qua bến đò. Vào những giờ cao điểm, lưu lượng khách qua lại rất đông. Trước đây, người dân rất chủ quan với việc bảo đảm an toàn cho chính mình, ai cũng muốn đi nhanh, dẫn đến quá tải. Mặt khác, đa phần các phao cứu sinh chỉ được chủ đò cất trong các bao nilông, hoặc treo trên lan can. Bến đò ngang qua xã Ngũ Hiệp là một trong những bến đò đầu tiên được chọn làm thí điểm trong mô hình BĐNAT và đã phát huy được hiệu quả”.
Tại các BĐNAT đều có đội hình TNTN thường xuyên ra quân trực. Các bạn ĐVTN đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng bà con, bước đầu tạo sự chuyển biến tích cực trong ý thức đi đò của người dân, ngay cả chủ đò cũng ý thức trong việc đầu tư nâng cấp bến, sửa chữa phương tiện và trang bị thêm phao cứu sinh.
Đa số các chủ đò đều hưởng ứng tích cực: Từ khi được đội TNTN tuyên truyền về Luật Giao thông đường thủy nội địa, thường xuyên nhắc nhở phải bảo đảm an toàn cho hành khách khi qua đò, khi sóng gió lớn phải mặc áo phao cho hành khách, cho các em học sinh. Nhờ vậy mà nay bà con qua lại đã an tâm hơn.
Ðặc biệt, từ khi thực hiện mô hình BĐNAT, tại các bến đò đã có bảng nội quy của bến, có cả các biển báo, quy định nên tình trạng chen chúc hay quá tải cũng hạn chế rất nhiều. Anh Phùng Thanh Quang, Chủ tịch Hội LHTN huyện Cái Bè cho biết:
“Cái Bè hiện có 3 BĐNAT, gồm thị trấn Cái Bè, Mỹ Lợi B, Mỹ Lương hoạt động có hiệu quả. Một hiệu ứng đáng mừng là sự chuyển biến từ ý thức và trách nhiệm của các chủ bến đò, cùng sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp địa phương.
Ngay sau khi được bàn giao và đưa vào sử dụng, UBND các xã đã chỉ đạo cho lực lượng đoàn viên, hội viên, thanh niên tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt quy định của pháp luật về ATGT.
Phối hợp cùng với chủ bến đò, thuyền viên bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hành khách, thực hiện tốt công tác cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra sự cố; đồng thời bảo quản cảnh trí, biển, bảng, phương tiện đò, tuân thủ việc niêm yết bảng giá để hành khách theo dõi”.
Từ hiệu quả bước đầu, đến nay toàn tỉnh có 18 BĐNAT đều khắp tất cả các huyện, thành, thị. Mô hình này thật sự là điểm sáng về ATGT đường thủy, giúp người dân yên tâm hơn khi qua đò, nhất là khi bước vào mùa mưa, diễn biến thời tiết phức tạp.
Các BĐNAT hoạt động theo các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa, phương tiện phải bảo đảm có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy, chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Người điều khiển phương tiện phải có bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn phù hợp theo quy định, đường lên xuống bến phải được đổ bêtông, có cầu cho người và phương tiện lên xuống an toàn, thuận lợi, có nơi neo buộc phương tiện chắc chắn. Nếu bến được phép chở ôtô phải bảo đảm theo tiêu chuẩn bến phà.
Chị Nguyễn Thị Kim Phượng, Chủ tịch Hội LHTN tỉnh cho biết: “Mô hình BĐNAT ra đời được sự đồng thuận cao của các cấp, ban, ngành, sự hưởng ứng nhiệt tình của ĐVTN. Sau khi mô hình đi vào hoạt động đã giúp hành khách qua sông, các chủ bến đò, bến khách qua sông, người điều khiển phương tiện nâng cao ý thức trách nhiệm, chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường thủy nội địa.
Thể hiện được tinh thần xung kích, tình nguyện của đoàn viên, hội viên, thanh niên với nhiều công trình, phần việc vì cuộc sống cộng đồng, đẩy mạnh công tác an sinh xã hội. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan khảo sát các bến đò ngang còn lại trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện mô hình BĐNAT, để những bến đò ngang trở nên văn minh, lịch sự, đảm bảo ATGT”.
P. MAI