Thứ Sáu, 16/10/2015, 17:54 (GMT+7)
.

Gò Công Đông: Xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình phòng, chống tội phạm

Từ năm 2010 đến nay, việc xây dựng và nhân rộng các mô hình phòng, chống tội phạm trên địa bàn huyện Gò Công Đông đã góp phần làm giảm tội phạm, giữ ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Với các mô hình đã có trước đây như: “Đội Thanh niên xung kích về ANTT”, “Thanh, thiếu niên nói không với ma túy” của Đoàn Thanh niên; mô hình “Quản lý, giáo dục con em không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội” của Hội LHPN; mô hình “Khu dân cư tự quản về an toàn giao thông và ANTT” của Ủy ban MTTQ; mô hình “Tuổi cao gương sáng”, “Ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền” của Hội Người cao tuổi; mô hình “Liên kết xây dựng ấp, xã giáp ranh an toàn về ANTT”, “Xã, ấp, cơ quan, trường học an toàn về ANTT”… của ngành Công an đã góp phần làm chuyển biến thật sự các địa bàn phức tạp về ANTT.

Phát huy hiệu quả của các mô hình nêu trên, năm 2012 với sự tham mưu, nòng cốt của lực lượng Công an, UBND xã Gia Thuận triển khai xây dựng mô hình “Ánh sáng phòng, chống tội phạm”. Đây là mô hình mới, cần sự đóng góp của nhân dân trên tinh thần xã hội hóa, nên xã Gia Thuận đã tổ chức nhiều cuộc họp dân ở các ấp, nêu rõ ý nghĩa, mục đích và hiệu quả từ mô hình này như:

Vừa giúp nhân dân thuận tiện trong giao thông, vừa chủ động trong việc phát hiện kẻ lạ mặt đến địa bàn vào ban đêm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, giúp đội dân phòng phát hiện, bắt giữ giao cho công an xử lý.

Nhờ cán bộ làm công tác này có khiếu làm “dân vận khéo” nên không bao lâu mô hình đã được nhân rộng ra toàn huyện. Cụ thể, tính đến cuối tháng 8-2015, 79 ấp, khu phố của 11 xã và 2 thị trấn đã thực hiện mô hình này, với 1.950 bóng đèn được thắp sáng trên 160 km tuyến đường nông thôn, kinh phí thực hiện 420 triệu đồng do nhân dân đóng góp. Hiệu quả mô hình mang lại: Nhân dân tham gia truy bắt 2 vụ giết người, 10 vụ trộm cắp, cướp giật tài sản, giúp công an xử lý kịp thời các đối tượng vi phạm.  

Cùng với mô hình “Ánh sáng phòng, chống tội phạm”, tháng 8-2013 Công an huyện phối hợp với Huyện đoàn ra mắt mô hình “Thêm yêu cuộc sống”, với sự  tham gia hỗ trợ của các ngành, đoàn thể. Đây là mô hình rất có ý nghĩa, tạo điều kiện thuận lợi cho thanh, thiếu niên trước đây vi phạm pháp luật hoặc chậm tiến có điều kiện gặp gỡ, giao lưu, sinh hoạt, được tư vấn giới thiệu việc làm... giúp họ dần xóa bỏ mặc cảm, ổn định cuộc sống, sớm hòa nhập cộng đồng.

Để mô hình đạt hiệu quả, công an các xã, thị trấn tham mưu chính quyền cơ sở vừa tập trung tuyên truyền, vừa khảo sát lên danh sách số thanh, thiếu niên chậm tiến, vi phạm pháp luật cần theo dõi để đề xuất với UBND xã, thị trấn cử cán bộ các đoàn thể tham gia quản lý, trực tiếp gặp gỡ đối tượng để vận động, thuyết phục giúp họ thay đổi nhận thức và hành vi theo hướng tích cực, tiến bộ. Với hình thức tuyên truyền “mưa dầm, thấm sâu”, không bao lâu mô hình đã được phát triển rộng khắp.

Các xã, thị trấn còn thành lập và ra mắt 13 CLB “Thắp sáng niềm tin” với 78 thành viên, mỗi CLB có 6 thành viên (1 chủ nhiệm, 1 phó chủ nhiệm và 4 thành viên), định kỳ mỗi tháng CLB sinh hoạt 1 lần, vừa tư vấn, tuyên truyền pháp luật, tổ chức các hoạt động phòng, chống tội phạm; vừa gặp gỡ, động viên, giáo dục, giới thiệu việc làm cho các thanh, thiếu niên chậm tiến, giúp họ xóa mặc cảm, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Qua thực tiễn xây dựng các mô hình trên cho thấy: Nơi nào cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, công an làm tốt vai trò tham mưu, nòng cốt, có chương trình, kế hoạch cụ thể, tranh thủ được sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, đoàn thể, phát huy được vai trò của cán bộ, công chức và sự tham gia tích cực của nhân dân thì việc xây dựng mô hình phòng, chống tội phạm mang lại hiệu quả cao, góp phần kiềm giảm nguyên nhân phát sinh tội phạm, giữ ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

LÂM THU

.
.
.