Huyện Gò Công Đông: Phát triển kinh tế biển gắn với QP-AN
Với lợi thế về vị trí địa lý, huyện Gò Công Đông là địa bàn trọng điểm, có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh, là tuyến phòng thủ khu vực trọng yếu của tỉnh và có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển, ngày càng thu hút sự chú ý, quan tâm của các nhà đầu tư.
Ngư dân Gò Công Đông trúng mùa cá. |
Nhiệm kỳ qua, huyện Gò Công Đông đã chú trọng phát huy tiềm năng, thế mạnh của biển và khu vực ven biển, cùng với việc xây dựng tiềm lực quốc phòng - an ninh. Nhờ đó, kinh tế, xã hội, đời sống của nhân dân có sự chuyển biến mạnh mẽ.
Giá trị tăng thêm hàng năm 11,5%/năm. Nhiều dự án công nghiệp, du lịch đang đi vào hoạt động như: Nhà máy chế tạo ống thép, Tổng kho xăng dầu Hiệp Phước, du lịch sinh thái biển Tân Thành và một số dự án còn lại trong giai đoạn lập dự án đầu tư.
Ông Nguyễn Chí Trung, Bí thư Huyện ủy Gò Công Đông cho biết, thời gian qua huyện thường xuyên bổ sung phương án bảo vệ các khu vực biển, duy trì tổ chức diễn tập huy động nhân lực tàu thuyền và phương tiện dân sự tham gia bảo vệ quyền, chủ quyền các vùng biển của nước ta.
Việc xây dựng khu vực phòng thủ và phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã đem lại hiệu quả thiết thực. Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân luôn phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, Biên phòng, Quân sự trong công tác giữ gìn an ninh trật tự nói chung và vùng ven biển nói riêng.
Tăng cường quản lý, kiểm soát biên phòng trong công tác phòng, chống buôn lậu, tạo môi trường thuận lợi ra vào cửa biển cho các phương tiện đánh bắt, sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ hậu cần nghề cá để nhân dân yên tâm bám biển, bám ngư trường, vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được về phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng - an ninh, huyện Gò Công Đông cũng còn nhiều hạn chế như: Chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của một huyện ven biển. Các dự án trong khu công nghiệp, khu du lịch triển khai chậm, đầu tư cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ. Quy trình khai thác, đánh bắt, chế biến nguồn lợi thủy - hải sản và hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá chủ yếu với quy mô nhỏ, lạc hậu. Cảng cá Vàm Láng đã quá tải. Cuộc sống người dân phải chịu nhiều rủi ro do thiên tai...
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, cũng như khắc phục một số hạn chế trong việc phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng - an ninh, ông Nguyễn Chí Trung cho biết, huyện Gò Công Đông xác định kinh tế biển là mũi nhọn, công nghiệp, du lịch là động lực của sự phát triển kinh tế.
Kế hoạch phát triển kinh tế gắn với xây dựng tiềm lực quốc phòng - an ninh, huy động mọi nguồn lực để đầu tư và phát triển các cụm kinh tế biển ở các xã, thị trấn ven biển. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho toàn dân về tầm quan trọng của biển đối với phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Tạo mọi điều kiện thuận lợi và phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư trong việc cung cấp thông tin, các thủ tục hành chính thực hiện các dự án. Tập trung xúc tiến mời gọi đầu tư vào khu công nghiệp, chú trọng việc đầu tư cảng biển và các dịch vụ phụ trợ, trước mắt đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án:
Tổng kho của Công ty CP Lọc hóa dầu Nam Việt, Cảng biển tổng hợp Cảng quốc tế Nam Sài Gòn, Cảng biển tổng hợp và dịch vụ hậu cần cảng, kho cảng và nhà máy lọc dầu, dự án khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cửa sông Soài Rạp kết hợp cảng cá Vàm Láng; dự án gây bồi, trồng rừng chống sạt lở.
Nâng cấp hệ thống đê biển, đê sông. Xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ nhu cầu dân sinh, phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng - an ninh và các khả năng ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, nhất là bão, triều cường và xâm thực của nước biển.
Huyện Gò Công Đông cũng tiếp tục thu hút, mời gọi đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển các dự án du lịch, đặc biệt khu du lịch ven biển Tân Thành; mở rộng và phát triển liên kết vùng các tuyến du lịch sinh thái biển. Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và năng lực quản lý Nhà nước về biển và bảo vệ môi trường biển. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển kỹ thuật tiên tiến trong khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy - hải sản.
Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho các phương tiện đánh bắt xa bờ, huy động các nguồn lực để đóng mới, cải hoán tàu thuyền, đầu tư các thiết bị cần thiết để ngư dân an tâm bám biển. Phát triển và nhân rộng các nghiệp đoàn, hợp tác xã nghề cá; các tổ, đội tàu vận tải, đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin ngư trường đánh bắt, tránh trú bão an toàn.
Khai thác, nâng cao chất lượng và tiêu thụ sản phẩm sau đánh bắt, phát huy nguồn lực tại chỗ và thu hút các thành phần kinh tế đầu tư khai thác, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thủy sản, nhất là đẩy mạnh hợp tác mở rộng ngành nghề, làng nghề chế biến thủy sản: Cá khô, làm mắm và đan lưới…
Theo ông Nguyễn Chí Trung, huyện còn tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nâng cao chất lượng toàn diện của các lực lượng vũ trang làm nòng cốt cho phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Từng bước xây dựng hoàn chỉnh khu vực phòng thủ vững chắc đúng theo quy định; nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình, đề án phòng, chống các loại tội phạm; phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, xây dựng tiềm lực chính trị tinh thần, tiềm lực về kinh tế, tiềm lực về quân sự, an ninh, xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững mạnh, chủ động nắm chắc địa bàn, hoạt động của các loại tội phạm; thực hiện tốt kế hoạch diễn tập và huấn luyện hàng năm, không để xảy ra bất ngờ trong mọi tình huống, tạo nền tảng quốc phòng - an ninh vững chắc để phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư.
SĨ NGUYÊN