Thứ Sáu, 02/10/2015, 13:37 (GMT+7)
.

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH...

Qua 10 năm tổng kết thi hành Luật Phòng cháy chữa cháy (PCCC), Đảng, Chính phủ đã chỉ ra những nguyên nhân, hạn chế trong quá trình thực hiện, kịp thời sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC cho phù hợp với tình hình thực tế.

Mặc dù các ngành, các cấp đã tập trung quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật PCCC, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC nhưng tình hình cháy, nổ, sự cố tai nạn trên cả nước nói chung và địa bàn Tiền Giang nói riêng vẫn còn xảy ra ở mức cao.

Diễn tập Phòng cháy chữa cháy. Ảnh : Huỳnh Hùng
Diễn tập Phòng cháy chữa cháy. Ảnh : Huỳnh Hùng

Trong 5 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã xảy ra 413 vụ cháy, nổ, hơn 10 tin báo sự cố tai nạn đã làm chết 10 người, bị thương 32 người, tài sản thiệt hại ước tính thành tiền khoảng 122,85 tỷ đồng. Từ đó, cho thấy trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) trên địa bàn Tiền Giang vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những bất cập trong công tác PCCC và CNCH thời gian qua, nhưng nguyên nhân do chủ quan vẫn là chính. Sự lơ là, mất cảnh giác trong công tác PCCC và an toàn vệ sinh, lao động còn cao dẫn đến thiếu ý thức tự giác chấp hành các quy định về PCCC và CNCH của một bộ phận cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Mặt khác, trong quá trình tổ chức thực hiện còn mang tính đối phó, chỉ thể hiện trên lý thuyết mà chưa được tổ chức thực hiện trên thực tế nên khi xảy ra sự cố thì lúng túng, xử lý tình huống không hiệu quả.

Công tác quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH của các ngành, các cấp cũng còn bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là trong việc tham mưu, đề xuất chỉ đạo thực hiện chưa được kịp thời; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về an toàn PCCC và CNCH ngay tại cơ sở chưa nghiêm; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCCC và CNCH chưa thường xuyên, chậm đổi mới về nội dung và hình thức, thiếu sự đồng bộ giữa các ngành, các cấp; lực lượng và phương tiện chuyên dùng của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đang thiếu và lạc hậu so với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

Chính vì vậy, để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới cần có các biện pháp và giải pháp cụ thể:

Thứ nhất, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai, thực hiện nghiêm và có hiệu quả các quy định về an toàn PCCC đã được ban hành; trọng tâm là Luật PCCC, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC, Nghị định 79/2014/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư 66/2014/TT-BCA của Bộ Công an và các văn bản hướng dẫn thực hiện trong quy hoạch, thiết kế, cấp phép xây dựng, đăng ký kinh doanh, dịch vụ…; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn khắc phục những sơ hở thiếu sót và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm loại bỏ ngay từ đầu các nguy cơ xảy ra cháy, nổ và các sự cố tai nạn.

Diễn tập phương án chữa cháy.
Diễn tập phương án chữa cháy.

Thứ hai, trên cơ sở các quy định của pháp luật, cơ quan có thẩm quyền cần huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân tích cực, tự nguyện tham gia vào công tác PCCC và CNCH nhằm từng bước xã hội hóa trong công tác PCCC và CNCH; bố trí nguồn kinh phí hợp lý để thực hiện có hiệu quả Đề án “Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Tiền Giang khi được phê duyệt theo Quyết định 1110/QĐ-TTg ngày 17-8-2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ ba, lực lượng Công an cần phát huy hơn nữa vai trò tham mưu cho Ban chỉ đạo PCCC và CNCH tỉnh, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản  quy phạm pháp luật trong lĩnh vực PCCC và CNCH; thực hiện phương châm “Phòng cháy tốt, chữa cháy giỏi, tổ chức CNCH kịp thời”, thường xuyên tổ chức các lớp huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ cho lực lượng chuyên nghiệp, lực lượng PCCC dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở và chuyên ngành; tổ chức trực ban, trực chiến, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Thứ tư, các cơ quan, đơn vị, các cơ sở kinh doanh và hộ gia đình cần có trách nhiệm hơn trong công tác PCCC và CNCH, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong mọi tình huống, phải luôn lấy phòng ngừa là chính; đồng thời phải chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án và các điều kiện khác để khi có cháy, nổ xảy ra thì chữa cháy kịp thời, có hiệu quả theo phương châm 4 tại chỗ: “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ” nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ và sự cố tai nạn gây ra; góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Đại tá NGUYỄN ANH THEO

.
.
.