Thứ Sáu, 06/11/2015, 11:15 (GMT+7)
.

5 năm xây dựng phong trào "Văn hóa giao thông với bình yên sông nước"

Qua 5 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” đã giúp nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của các cá nhân, tập thể, cộng đồng và toàn xã hội đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường thủy và việc thực hiện nếp sống văn hóa khi tham gia giao thông; góp phần phòng ngừa tai nạn giao thông (TNGT), giảm thiểu thiệt hại do TNGT gây ra, tạo sự chuyển biến về tình hình trật tự ATGT đường thủy nội địa.

Đại tá Nguyễn Việt Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động nhận xét: Qua 5 năm tổ chức thực hiện cuộc vận động, tình hình  trật tự ATGT đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được duy trì ổn định và chuyển biến tích cực.

TNGT đường thủy được kiềm giảm trên cả 3 mặt (về số vụ, số người chết và số người bị thương), không xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng; so với thời gian cùng kỳ TNGT đường thủy giảm 65 vụ (38/103 vụ), số người chết giảm 15 người (6/21 người), nhất là TNGT đối với phương tiện vận chuyển hành khách du lịch không xảy ra, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của ngành Du lịch tỉnh nhà.

Đây chính là kết quả đáng kể, rõ rệt nhất do hiệu quả của thực hiện cuộc vận động mang lại. Đặc biệt, cuộc vận động đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của các cá nhân, tập thể, cộng đồng và toàn xã hội đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT đường thủy và việc thực hiện nếp sống văn hóa khi tham gia giao thông; góp phần phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại do TNGT, tạo sự chuyển biến về tình hình trật tự ATGT đường thủy nội địa.

Đại tá Nguyễn Việt Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo cuộc vận động, trao thưởng cho các tập thể.
Đại tá Nguyễn Việt Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo cuộc vận động, trao thưởng cho các tập thể.

Thời gian qua, Ban Chỉ đạo cuộc vận động các cấp đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” do Ủy ban ATGT Quốc gia phát động; chủ động tham mưu UBND cùng cấp lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự phối hợp, cộng đồng trách nhiệm của các ngành, đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân tập trung tổ chức thực hiện cuộc vận động theo nội dung và lộ trình chương trình hành động đề ra.

Ngày 24-9-2011, Ban Chỉ đạo đã tổ chức lễ phát động thực hiện Cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” tại tuyến sông Tiền (bến phà cũ), TP. Mỹ Tho. Sau lễ phát động, ngày 3-10-2011, Ban Chỉ đạo cuộc vận động ban hành Công văn 2540/BCĐ-PC68 về tổ chức lễ phát động cuộc vận động xây dựng phong trào này ở các huyện, thành phố, thị xã.

Đến ngày 7-11-2011, 10/10 huyện, thành phố, thị xã đã tổ chức xong lễ phát động thực hiện cuộc vận động theo địa bàn phụ trách. Huyện Cái Bè, Cai Lậy, Chợ Gạo được chọn làm điểm để tổ chức triển khai thực hiện; trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được ở 3 huyện điểm, Ban Chỉ đạo cuộc vận động tỉnh đã tổ chức sơ kết, nhân rộng ra các địa phương còn lại.

Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về giao thông đường thủy và phòng chống đuối nước trẻ em, gắn với tuyên truyền, vận động hưởng ứng thực hiện cuộc vận động được các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng chức năng, Ban Chỉ đạo cuộc vận động các huyện, thành phố, thị xã quan tâm tổ chức thực hiện với nhiều hình thức và nội dung phong phú, hiệu quả.

Theo thống kê, qua 5 năm, Ban Chỉ đạo cuộc vận động các huyện, thành phố, thị xã đã tổ chức trên 387 cuộc tuyên truyền lưu động tại các bến khách ngang sông, khu vực địa bàn ven sông với thời lượng 948 giờ; thông qua họp tổ nhân dân tự quản đã lồng ghép tuyên truyền phát động phong trào xây dựng nếp sống văn hóa giao thông đường thủy 11.854 cuộc với 216.675 lượt người dự; xây dựng 10 phóng sự, 15 tiết mục, 250 tin, bài về trật tự ATGT đường thủy trên báo, đài của địa phương; bố trí 48 băng rôn tuyên truyền cổ động về cuộc vận động xây dựng phong trào văn hóa giao thông tại các bến khách ngang sông, bến du lịch thường xuyên có nhiều người tham gia giao thông; tổ chức cho các chủ phương tiện vận chuyển hành khách ngang sông viết cam kết không vi phạm trật tự ATGT đường thủy và bố trí áo phao, vận động người đi đò mặc áo phao…

Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của các cá nhân, tập thể, cộng đồng và toàn xã hội đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT đường thủy và việc thực hiện nếp sống văn hóa khi tham gia giao thông; góp phần phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại do TNGT gây ra.

Qua quá trình thực hiện, cuộc vận động thật sự trở thành cầu nối giữa công tác đảm bảo trật tự ATGT với công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; đồng thời phát huy vai trò và hiệu quả của mô hình quần chúng cùng lực lượng chức năng đảm bảo trật tự ATGT gắn với đấu tranh, phòng, chống tội phạm trên đường thủy nội địa; tiến hành xây dựng và phát triển các mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy” đối với cá nhân và cộng đồng dân cư sinh sống ven và trên sông nước, với các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh hoạt động giao thông vận tải đường thủy, với cơ quan, đơn vị, cán bộ trực tiếp thực thi nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT đường thủy.

Ban Chỉ đạo cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” các cấp đã xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả 32 mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy”, cụ thể: Đã xây dựng 3 mô hình khu dân cư văn hóa giao thông đường thủy; 21 mô hình bến khách ngang sông văn hóa, an toàn; 1 mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã có văn hóa trong kinh doanh vận tải thủy; 3 mô hình lái phương tiện du lịch an toàn; 2 mô hình đoạn sông văn hóa, an toàn; 2 mô hình tổ chức xã hội văn hóa giao thông.

Ngoài ra, gắn với công tác tuần tra kiểm soát, lực lượng Cảnh sát đường thủy, Cảnh sát giao thông Công an các huyện, thành phố, thị xã và Thanh tra Giao thông - Vận tải tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là các hộ ven sông tích cực tham gia thực hiện Cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”…

Qua đó, đã góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác đảm bảo trật tự ATGT đường thủy, cũng như chất lượng xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, đáp ứng kịp thời nhu cầu đi lại và phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhà.  

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số hạn chế: Công tác triển khai và tổ chức thực hiện ở một số địa phương còn thực hiện chậm so với kế hoạch đề ra; một số ngành ở địa phương (là thành viên của Ban Chỉ đạo cuộc vận động) chưa quan tâm thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được phân công. Công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế trong quá trình thực hiện của Ban Chỉ đạo cuộc vận động ở một số địa phương còn hạn chế.

Các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ theo chế độ kiêm nhiệm nên sự phối hợp trong tổ chức thực hiện chưa chặt chẽ. Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cuộc vận động ở một số huyện, thành phố, thị xã chưa thể hiện hết vai trò, trách nhiệm trong tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ đạo cuộc vận động ở địa phương.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường thủy và phòng, chống đuối nước trẻ em chưa thường xuyên. Trên thực tế vẫn còn một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông chưa nêu cao ý thức tự giác chấp hành các quy định pháp luật giao thông đường thủy nội địa, nhất là việc chấp hành quy định mặc áo phao khi tham gia giao thông trên các phương tiện vận tải hành khách ngang sông.

Nguyên nhân là do người tham gia giao thông còn tâm lý ngại mặc áo phao (vì thời gian qua đò ngắn, áo phao chưa đảm bảo vệ sinh), chủ phương tiện chưa đầu tư trang bị đủ về số lượng và chất lượng áo phao, dụng cụ nổi cá nhân cho hành khách.

Từ những kết quả đạt được qua 5 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, Ban chỉ đạo cuộc vận động rút ra một số bài học kinh nghiệm sau: Làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện cuộc vận động, kịp thời khắc phục, giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tổ chức, quần chúng nhân dân tích cực tham gia xây dựng cuộc vận động và các mô hình  trật tự ATGT đường thủy nội địa có hiệu quả. Phối hợp thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”; tuyên truyền cho các đối tượng tham gia giao thông thủy hiểu về các tiêu chí để xây dựng mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy” nhằm giúp họ nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc vận động trong việc phòng ngừa tai nạn, đảm bảo tình hình trật tự ATGT đường thủy nội địa.

Việc lựa chọn, xây dựng các mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy” phải xuất phát từ thực tế đặc điểm tình hình về trật tự ATGT đường thủy ở từng địa phương; chú trọng công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân có liên quan tích cực tham gia thực hiện mô hình. Ban Chỉ đạo cuộc vận động tỉnh thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở Ban Chỉ đạo cuộc vận động huyện, thành phố, thị xã để kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót của địa phương, từng bước nâng cao hiệu quả cuộc vận động trong thời gian tiếp theo.

Theo đại tá Nguyễn Việt Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo cuộc vận động, để hiệu quả của Cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” được tiếp tục duy trì và phát huy trên địa bàn tỉnh, Ban Chỉ đạo cuộc vận động ở cấp cơ sở cần kiện toàn để tiếp tục hoạt động có hiệu quả; tập trung nhân rộng các mô hình hoạt động có hiệu quả; các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc xây dựng mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy” cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong quá trình thực hiện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và đúng đối tượng…

PHÙNG LONG

.
.
.