Thứ Tư, 11/11/2015, 10:03 (GMT+7)
.

Diễn tập quy mô quốc gia tìm kiếm cứu nạn hàng không

Cuộc diễn tập tìm kiếm cứu nạn hàng không là hoạt động hết sức cần thiết và bổ ích để rèn luyện nâng cao khả năng tổ chức chỉ huy, điều hành công tác tìm kiếm cứu nạn; đánh giá, kiểm tra khả năng ứng phó, điều hành, phối hợp của các lực lượng khi có tình huống xảy ra.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu chỉ đạo tại buổi diễn tập. Ảnh: VGP/Nguyên Linh
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu chỉ đạo tại buổi diễn tập. Ảnh: VGP/Nguyên Linh
Sáng 10-11, tại khu vực biển Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Chủ tịch Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn (TKCN), Trưởng Ban chỉ đạo An ninh hàng không Việt Nam, Bộ GTVT đã tổ chức buổi diễn tập quy mô quốc gia tìm kiếm cứu nạn hàng không dân dụng với máy bay bị sự cố, mất liên lạc.

Chỉ đạo tại hiện trường, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, sự phát triển của ngành hàng không tại mỗi quốc gia là một lĩnh vực quan trọng, thể hiện tầm vóc của quốc gia trong xu thế hội nhập toàn cầu hóa hiện nay.

Bảo đảm an ninh, an toàn hàng không gắn liền với bảo đảm an ninh quốc gia, do vậy bất kỳ sự cố nào của ngành hàng không cũng gây ra những tác động không nhỏ tới hình ảnh quốc gia, cũng như sự phát triển chung của tình hình kinh tế-xã hội và ổn định an ninh chính trị.

Hiện tình hình an ninh hàng không dân dụng trên thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều vụ mất an toàn hàng không nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Vì vậy, cuộc diễn tập TKCN hàng không (SAREX 2015) là hoạt động hết sức cần thiết và bổ ích để ngành GTVT, ngành hàng không rèn luyện nâng cao khả năng tổ chức chỉ huy, điều hành công tác TKCN trong vùng thông báo bay, kiểm tra năng lực tổ chức chỉ huy, hiệp đồng và điều hành công tác TKCN.

Đây cũng là dịp để đánh giá, kiểm tra, kiểm nghiệm về khả năng ứng phó, điều hành, phối hợp của các lực lượng tham gia ứng phó, khắc phục sự cố khi có tình huống xảy ra.

Trong thời gian diễn tập, Phó Thủ tướng lưu ý các lực lượng tập trung cao độ, nắm chắc tình huống, phối hợp hiệp đồng tốt và đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Các cơ quan, tổ chức liên quan cũng xem xét, rút kinh nghiệm để một lần nữa quán triệt các quy định của Thủ tướng Chính phủ về quy chế phối hợp TKCN hàng không dân dụng, tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm ngay sau diễn tập để xác định những tình huống có thể phát sinh ngoài kịch bản, nhất là các nguyên nhân chủ quan xuất phát từ yếu tố con người để hoàn chỉnh kế hoạch, phương án, kỹ năng ứng phó sự cố và công tác TKCN hàng không.

Trở lại với buổi diễn tập, đúng 9h sáng, tại khu vực biển Bãi Lữ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, buổi diễn tập bắt đầu, với tình huống giả định trên đường hàng không nội địa W2, chuyến bay DT2015, loại tàu bay Super King Air 200 chở 11 người, cất cánh từ Nội Bài đi Đồng Hới.

Sau khi qua đài dẫn đường DVOR/DME Nam Hà 12 phút, Trung tâm Kiểm soát đường dài Hà Nội nhận được báo cáo từ tổ lái: "Tàu bay bị trục trặc động cơ, xin hạ cánh xuống sân bay Vinh".

Tuy nhiên, 5 phút sau, tàu bay đã bật mã Code khẩn nguy 7700, đồng thời báo cáo "công suất động cơ giảm và có khói ở buồng lái, xin hạ cánh khẩn cấp". Ngay sau đó, tín hiệu trên màn hình radar bị mất và mặt đất không thể liên lạc với tàu bay.

Sự việc được thông báo tới các lực lượng chức năng: Trung tâm Kiểm soát đường dài Hà Nội, Công ty Quản lý bay miền Bắc, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam, Trung tâm TKCN hàng không; kích hoạt hệ thống TKCN, lập phương án và triển khai lực lượng, phương tiện... với 3 mũi triển khai tìm kiếm trên thực địa.

Diễn tập thực binh diễn ra khi lực lượng chức năng khoanh vùng được khu vực giả định tàu bay lâm nạn, với sự tham gia của các lực lượng quân đội, hàng hải, hàng không và địa phương trên cả 3 hướng trên không và trên biển, đội TKCN bằng đường bộ. Ban Chỉ huy đã điều động lực lượng trực thăng, thủy phi cơ, tàu hàng hải, tàu chuyên dụng TKCN, lực lượng cảnh sát biển, các lực lượng địa phương, biên phòng, phòng cháy chữa cháy, cứu thương... tìm kiếm.

Tàu cứu hộ tiếp cận và phun nước cứu hỏa tàu bay gặp nạn.
Tàu cứu hộ tiếp cận và phun nước cứu hỏa tàu bay gặp nạn.

Sau một thời gian tìm kiếm với 55 chuyến bay, hàng trăm lượt tàu thuyền, phương tiện đường bộ các loại trên vùng diện tích 90.000 km2, lực lượng xác định được vị trí tàu bay gặp nạn, bị rơi gãy và cháy nhỏ đang trôi nổi trên vùng biển gần bờ thuộc khu vực Bãi Lữ, tỉnh Nghệ An.

Theo quy trình, các lực lượng tiếp cận hiện trường, thả khói xác định, đưa tàu phun nước cứu hỏa và thả phao cứu sinh quanh vùng biển máy bay bị nạn trôi trên biển.

Lực lượng cứu hộ tiếp cận và đưa người bị nạn ra khỏi tàu bay
Lực lượng cứu hộ tiếp cận và đưa người bị nạn ra khỏi tàu bay

Các xuồng cứu sinh cũng bắt đầu tiếp cận người bị nạn, trường hợp thương nặng được trực thăng ứng cứu, đưa về cơ sở y tế gần nhất. Địa phương cũng lập cơ sở y tế ngay tại bờ biển, sơ cứu và chữa trị ban đầu cho người bị nạn.

Các lực lượng chuyên môn cũng bắt đầu xử lý khoanh vùng, tìm kiếm hộp đen, phương án cứu nạn trục vớt tàu bay trên biển.

Lực lượng cứu hộ y tế được thành lập ngay trên bờ biển để sơ cứu cho nạn nhân.
Lực lượng cứu hộ y tế được thành lập ngay trên bờ biển để sơ cứu cho nạn nhân.

Sau 90 phút triển khai thực binh, buổi diễn tập kết thúc, các lực lượng đã tổ chức rút kinh nghiệm tại chỗ, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân trong cuộc.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.