Thứ Sáu, 06/11/2015, 09:47 (GMT+7)
.

Những biện pháp đấu tranh có hiệu quả với tội phạm về ma túy

Tội phạm về ma túy là một trong những loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm. Nó gây hậu quả rất nghiêm trọng, không chỉ trên lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội mà còn là nguyên nhân trực tiếp gây ra đại dịch thế kỷ HIV/AIDS. Chính vì vậy, đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy là trách nhiệm chung của tất cả các quốc gia.
 
Trên mặt trận đấu tranh với tội phạm ma túy, từ đầu năm 2015 đến nay, các lực lượng phòng, chống ma túy (PCMT) trên toàn quốc đã triệt phá gần 6.000 vụ, bắt hơn 9.000 đối tượng, thu giữ hơn 300 kg heroin, gần 200 kg và hơn 75.000 viên ma túy tổng hợp.
 
Riêng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, tuy không phải là địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy nhưng tình hình tội phạm ma túy và người nghiện ma túy trong những năm qua có lúc, có nơi còn diễn biến khá phức tạp, tăng về số vụ và số đối tượng. Nếu như năm 2006, lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 9 vụ, 63 đối tượng phạm tội về ma túy, thì chỉ trong 6 tháng đầu năm, số vụ phạm tội về ma túy trên địa bàn tỉnh là 24 vụ, 86 đối tượng. 
 
Nguồn ma túy chủ yếu do đối tượng mua ở TP. Hồ Chí Minh mang về Tiền Giang phân lẻ ra để sử dụng và bán lại cho đối tượng nghiện; các đối tượng ngoài tỉnh, chủ yếu là ở TP. Hồ Chí Minh câu kết, móc nối với đối tượng trong tỉnh để hoạt động mua bán ma túy cho các đối tượng nghiện trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và các tỉnh miền Tây Nam bộ.
 
Hiện nay, các đối tượng ngoài việc mua bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng ma túy tổng hợp, đặc biệt là Methamphetamine (hàng đá), lại tiếp tục xuất hiện trở lại việc mua bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng thuốc lắc (kẹo) và Heroin. Thủ đoạn mua bán, giao nhận ma túy rất tinh vi.
 
Để đối phó với lực lượng chức năng, khi giao dịch mua bán, giao nhận ma túy, đối tượng thường chọn những địa điểm vắng người qua lại,  nằm trong các hẻm sâu. Chúng còn lợi dụng sự buông lỏng quản lý của một số cơ sở kinh doanh có điều kiện như phòng trọ, khách sạn, nhà hàng, karaoke, điểm cà phê sân vườn… để tổ chức mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy.
 
Phân tích nguyên nhân gia tăng tội phạm và người nghiện ma túy, nhiều người cho rằng do tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường, sự hình thành lối sống thực dụng, nhiều bậc cha mẹ bị cuốn vào các hoạt động kinh tế, sinh ra lơi lỏng việc quản lý, giáo dục con cái, nhiều em bỏ học, bỏ nhà đi lang thang bị bạn bè xấu lôi kéo dẫn đến sử dụng trái phép ma túy và các hành vi phạm tội khác.
 
Cũng chính vì thiếu sự quan tâm, định hướng, quản lý, một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay không ngại đua đòi, thích “chứng tỏ” mình theo chiều hướng tiêu cực, lao vào con đường hưởng thụ, tham gia vào các loại tệ nạn xã hội, các loại tội phạm khác trong đó có tệ nạn ma túy. 
 
Nghiên cứu trực tiếp số đối tượng đang sử dụng ma túy ở lứa tuổi thanh thiếu niên, cho thấy: Bạn bè rủ rê 75%, chủ động xin hút thử 12,5%, tò mò mua hút 8,3%, cá độ được thua 4,2%.
 
Mặt khác, những kẽ hở trong công tác đấu tranh phòng, chống, xử lý tội phạm và người nghiện ma túy, trong việc thực hiện các liên tịch về phòng, chống tội phạm ma túy hiện nay cũng là 1 phần nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng tội phạm và người nghiện ma túy.
 
Chính vì vậy, trong thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm về ma túy, Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm tỉnh đề ra các biện pháp tập trung thực hiện quyết liệt một số biện pháp như sau:
 
Một là, xây dựng và duy trì thực hiện thật tốt cơ chế cấp ủy lãnh đạo, chính quyền trực tiếp điều hành, các ngành, đoàn thể làm nòng cốt trong công tác phòng, chống ma túy nhưng với một yêu cầu rất cao, đó là: Cấp ủy ở cơ sở phải thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống ma túy. Chính quyền các cấp phải trực tiếp điều hành, kiểm tra, đôn đốc.
 
Lực lượng Công an và các ngành chức năng làm nòng cốt tham mưu trong việc thực hiện. Triển khai đồng bộ nhiều biện pháp khả thi, hữu hiệu để công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy ngày càng mạnh lên và đạt được kết quả cao. 
 
Hai là, chủ động đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức và nhân dân đối với cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy. Mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cán bộ đảng viên, cán bộ, viên chức đều làm tốt công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy đến từng hộ gia đình, khu phố, xóm ấp, cơ quan, xí nghiệp, trường học… Trong đó chú ý hình thức tuyên truyền phải phù hợp với từng địa bàn dân cư, đối tượng.
 
Ba là, cần phải xác định công tác đấu tranh, phòng chống ma túy là một cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và tổ chức chính trị xã hội nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân trong công tác đấu tranh, phòng chống ma túy. 
 
Bốn là, công tác xây dựng xã, phường, thị trấn, cơ quan, trường học không có tội phạm và người nghiện ma túy cần phải gắn với mô hình xây dựng xã, phường, thị trấn, cơ quan, trường học an toàn về an ninh trật tự (ANTT). Tạo ra một môi trường, xã hội lành mạnh, mỗi người, mỗi nhà sống có văn hóa, đoàn kết, thân ái, nhân nghĩa, không có đói nghèo, thất học, không có tệ nạn xã hội…
 
Năm là, lực lượng Công an, nhất là Công an cơ sở cần phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể làm tốt công tác điều tra cơ bản trên từng tuyến, từng địa bàn trọng điểm. Xác định được địa bàn phức tạp về ANTT, phức tạp về tội phạm và người nghiện ma túy nhằm tập trung lực lượng xóa các tụ điểm phức tạp, các băng, ổ, nhóm tội phạm, tệ nạn xã hội, trong đó có tệ nạn ma túy.
 
Kiên quyết lập hồ sơ đưa các đối tượng nghiện đủ điều kiện đưa đi cai nghiện bắt buộc theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, quản lý tốt số đối tượng nghiện tại gia đình, cộng đồng theo Nghị định 94/2010/NĐ-CP. Nhận và quản lý giáo dục, giúp đỡ thanh thiếu niên hư hỏng, đối tượng tù, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, trường giáo dưỡng về để họ từ bỏ con đường lầm lỡ, tái hòa nhập cộng đồng.
 
QUANG MINH
.
.
.