Thứ Sáu, 06/11/2015, 15:08 (GMT+7)
.

Phát huy những kết quả đạt được qua 4 năm thực hiện NQ 88/NQ-CP

Qua 4 năm thực hiện Nghị quyết 88/NQ-CP ngày 24-8-2011 của Chính phủ, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường bộ trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực. Tai nạn giao thông (TNGT) đã được kềm chế, kéo giảm trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tình hình trật tự giao thông trên các tuyến trên địa bàn tỉnh luôn được đảm bảo thông suốt, không xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài.
Lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trên QL1.       		          Ảnh: Phùng Long
Lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trên QL1. Ảnh: Phùng Long

Đạt được những kết quả nêu trên là nhờ sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền, địa phương; sự phối hợp nhịp nhàng của MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể, Ban ATGT, Công an tỉnh…; sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân; thể hiện từ sự thống nhất ở các khâu công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện các kế hoạch, phương án… phát động về ATGT, thường xuyên phối hợp kiểm tra đôn đốc, kịp thời bổ sung và uốn nắn, có tổ chức tốt việc sơ kết và tổng kết rút kinh nghiệm nâng lên, đề ra giải pháp khắc phục.

Quá trình triển khai thực hiện những giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của từng đơn vị, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp; ngành, nghề…, trên cơ sở các chủ trương lớn của Nghị quyết 88/NQ-CP đã mang lại hiệu ứng tốt và đang phát huy tác dụng sâu rộng tại cộng đồng dân cư; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ từng bước đã được đổi mới về nội dung, hình thức, biện pháp và phương thức huy động của từng lực lượng trong việc thu hút các đối tượng cần tác động; đặc biệt bước đầu đã tập trung vào các đối tượng và khu vực, địa bàn, tuyến đường… có nguy cơ cao xảy ra TNGT; chú ý tuyên truyền đến tận cơ sở khu dân cư, xóm, ấp…

Một trong những kết quả quan trọng đạt được qua 4 năm thực hiện Nghị quyết 88/NQ-CP là thông qua phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” với phong trào “Toàn dân tham gia đảm bảo trật tự ATGT”, giúp nhân dân hiểu biết và tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT đường bộ.
 
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 210 tuyến đường thanh niên tự quản với 10.205 người tham gia; 35 cổng trường ATGT với 5.608 học sinh, học viên; 308 tổ tự quản tham gia trong công tác đảm bảo trật tự ATGT với 3.937 thành viên; 53 khu dân cư điểm về ATGT với 25.769 người; 25 hội nông dân với ATGT, có 20.150 người tham gia; 17 câu lạc bộ phụ nữ với ATGT, có 392 thành viên; 89 cơ quan, đơn vị văn hóa về ATGT với 1.789 thành viên; 17 đội hình ứng phó nhanh về ATGT với 170 thành viên; 44 hội cựu chiến binh tự quản tuyến đường về ANTT - trật tự ATGT đường bộ với 4.373 thành viên tham gia...
 
Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên ngành liên quan đã có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phối kết hợp trong công tác khảo sát và đề xuất, kiến nghị khắc phục kịp thời những bất cập về kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông đường bộ, xóa “điểm đen”. Cụ thể, phối kết hợp kiểm tra hệ thống giao thông trên tuyến, địa bàn trọng điểm (tuyến QL1, QL30, QL50, Khu công nghiệp Tân Hương…) về quy chuẩn biển báo, đèn tín hiệu, vạch kẻ đường, dải phân cách, tuyến tránh, cầu vượt… phục vụ cho công tác đảm bảo trật tự ATGT đường bộ.
 
Công tác tuần tra kiểm soát đã khép kín được các tuyến, địa bàn phụ trách, nhất là vào các cao điểm Tết, lễ, hội…, đảm bảo tình hình trật tự ATGT thông suốt; từng cán bộ, chiến sĩ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân, chấp hành nghiêm quy trình tuần tra kiểm soát, đăng ký quản lý xe, quy chế dân chủ, chống tiêu cực trong công tác.
 
Việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào trong các hoạt động quản lý trật tự ATGT đường bộ trên địa bàn tỉnh đã từng bước được quan tâm và đầu tư trong từng năm, đảm bảo công tác quản lý hiện đại, khách quan, đúng luật; điển hình như việc ứng dụng máy đo nồng độ cồn, máy đo tốc độ (bằng hệ thống trụ và cầm tay); hệ thống camera giám sát…, hệ thống cân lưu động…
 
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được vẫn còn một số mặt tồn tại, hạn chế như: Một số văn bản pháp luật giao thông ban hành còn những sơ hở, thiếu sót, bất cập, không áp dụng được; văn bản vừa ban hành lại thay đổi làm cho người dân hoặc chính cơ quan thi hành pháp luật cũng khó thực hiện, dẫn đến hiệu quả không cao.
 
Tình hình TNGT qua 4 năm thực hiện Nghị quyết 88/NQ-CP tuy có giảm nhiều so với cùng kỳ nhưng không bền vững; vẫn còn ở mức cao, trong từng thời điểm cụ thể diễn biến rất phức tạp, khó lường. Tình trạng thanh thiếu niên tụ tập thành nhóm điều khiển mô tô, xe gắn máy phóng nhanh, lạng lách đánh võng, chạy xe với tốc độ cao, chạy thành nhóm… còn xảy ra.
 
Tình trạng người điều khiển xe 3, 4 bánh tự chế, kéo lôi chở hàng hóa cồng kềnh lưu thông trên đường, chạy ngược chiều… gây bức xúc trong nhân dân. Số người vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm vẫn còn xảy ra.
 
Một số đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm; phối kết hợp giải tỏa lòng, lề đường, lập lại hành lang lộ giới đường bộ… còn dàn trải, không quyết liệt; chưa khép kín địa bàn và tập trung xử lý đúng đối tượng, thời gian, hành vi vi phạm là nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến TNGT; việc xử lý các “điểm đen” còn mang tính thời vụ, còn trông chờ theo sự chỉ đạo của cấp trên nên hiệu quả không cao… 
 
Trong thời gian tới, để phát huy những kết quả đã đạt được qua 4 năm thực hiện Nghị quyết 88/NQ-CP của Chính phủ, cũng như khắc phục những mặt tồn tại, thiết nghĩ cần tập trung vào việc thực hiện những giải pháp sau: Hoàn thiện hệ thống pháp luật về công tác đảm bảo trật tự ATGT đường bộ và chế độ đãi ngộ cho các lực lượng liên quan.
 
Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, tạo thành sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác đảm  bảo trật tự ATGT. Đa dạng về hình thức và nội dung nhằm nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, tạo tính tự giác chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ, thực hiện nếp sống “văn hóa giao thông”.
 
Xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, nâng cao năng lực vận tải, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự ATGT; coi trọng công tác đảm bảo trật tự ATGT đường bộ là của cả hệ thống chính trị; công tác của lực lượng CSGT phải được sự đồng thuận của các ban, ngành, đoàn thể và của mọi tầng lớp nhân dân; đặc biệt là trong công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm vì những nơi nào có mặt của lực lượng CSGT thi hành nhiệm vụ, thì nơi đó tình hình trật tự ATGT đường bộ được đảm bảo…; hiện đại hóa trang thiết bị khoa học - kỹ thuật phục vụ việc sát hạch, cấp GPLX; công tác kiểm định; kiểm tra cấp giấy phép lái xe, xử lý vi phạm, giám sát giao thông…
 
Bên cạnh đó, cũng kiến nghị với UBND tỉnh và Trung ương một số vấn đề sau:
 
Đối với UBND tỉnh: Quan tâm chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể có liên quan tích cực hơn nữa trong việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ; quyết tâm không để phát sinh thêm điểm đấu nối trái phép vào tuyến Quốc lộ; đối với các điểm đấu nối đã có từ trước đề nghị cơ quan chức năng giải phóng mặt bằng, mở rộng nơi giao nhau lắp đặt đèn, hệ thống biển báo để các lái xe khi qua địa điểm này có thể quan sát phương tiện ra vào từ xa, chủ động xử lý;
 
Tập trung lãnh, chỉ đạo Ban ATGT cơ sở xử lý triệt để, đúng yêu cầu việc lập lại hành lang lộ giới đường bộ trên các tuyến QL, đường tỉnh… Chỉ đạo Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên… tổ chức rà soát, thống kê và đánh giá đúng thực trạng của từng loại mô hình để có giải pháp nâng chất và đầu tư, kiện toàn đúng luật, đúng mục tiêu đề ra trong công tác đảm bảo trật tự ATGT đường bộ.
 
Lãnh đạo, chỉ đạo, phê duyệt đầu tư, trang cấp các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại trong công tác đảm bảo trật tự ATGT đường bộ cho các lực lượng liên quan, cụ thể như: Máy đo tốc độ ghi hình, máy đo nồng độ cồn, hệ thống camera giám sát, xử lý vi phạm về trật tự ATGT đường bộ…
 
Đối với Trung ương: Kiện toàn hệ thống pháp luật trên lĩnh vực quản lý Nhà nước về đảm bảo trật tự ATGT đường bộ. Bộ Giao thông - Vận tải chỉ đạo cơ quan chức năng khảo sát, xây dựng một số đoạn đường phụ, song hành dọc QL1, nơi thường xuyên diễn ra tình trạng người điều khiển phương tiện đi ngược chiều hoặc thay đổi hợp lý một số đoạn dải phân cách.
 
Bộ Công an, Bộ Công thương… sớm ban hành văn bản pháp lý hướng dẫn xử lý các trường hợp đội mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng, vì hiện tại chưa có hướng dẫn cụ thể về định lượng, định mức chất lượng mũ bảo hiểm gây khó khăn cho công tác xử lý của lực lượng CSGT và các ngành.
 
Cần có quy định về việc kiểm định an toàn kỹ thuật đối với phương tiện ba, bốn bánh; niên hạn sử dụng đối với mô tô 2 bánh, xe gắn máy; thường xuyên tổ chức thi, cấp GPLX cho người sử dụng phương tiện mô tô 3 bánh; quy định về việc xử lý đối với xe “không chính chủ”. Đối với mô tô 3 bánh khi tịch thu bán đấu giá (bán phế liệu) thì cắt ra từng phần, không để nguyên chiếc bán, bởi vì nếu để nguyên chiếc sau khi bán các đối tượng mua sẽ bán lại cho người dân sử dụng.
 
Thượng tá NGUYỄN VĂN DŨNG
 
(Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, CA Tiền Giang)

 

.
.
.