Ngay từ khi Cách mạng tháng Tám thành công, để giữ gìn trật tự trị an xã hội, bảo vệ cách mạng, bảo vệ chính quyền non trẻ, bảo vệ sự an toàn của nhân dân, các tổ chức tiền thân của lực lượng Cảnh sát nhân dân lần lượt ra đời. Để thống nhất tổ chức, lực lượng, ngày 21-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 23/SL hợp nhất các Sở Cảnh sát và Sở Liêm phóng thành Việt Nam Công an vụ.
Trong quá trình phát triển, lực lượng Cảnh sát từng bước hoàn thiện tổ chức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ với nhiều tên gọi khác nhau như: “Cảnh sát danh dự không lương”, “Cảnh sát xung phong”, “Trị an hành chính”; “Trị an dân cảnh”... và trong các tổ chức ấy đều có một bộ phận thực hiện nhiệm vụ giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, tuần tra kiểm soát, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến đường, bến xe, bến phà, bến cảng...
Có thể coi đó chính là lực lượng Cảnh sát Giao thông bao gồm cảnh sát Giao thông Đường bộ, Đường sắt, Đường thủy sau này.
Qua 70 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, lực lượng Cảnh sát Giao thông đã khắc phục khó khăn, gian khổ, lập nhiều chiến công. Trong trận tuyến ấy, máu của nhiều cán bộ, chiến sỹ cảnh sát giao thông đã đổ trên những tuyến đường.
Lực lượng Cảnh sát Giao thông đã chủ động nắm chắc tình hình, tham mưu cho Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đề xuất với Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ những chủ trương, quyết sách có ý nghĩa chiến lược về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và trật tự xã hội; chủ động triển khai thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng chức năng, các cấp, các ngành, sự giúp đỡ của quần chúng nhân dân để thực hiện mục tiêu giảm số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông và giữ vững trật tự xã hội trong mọi tình huống.
Đánh giá cao những chiến công của lực lượng Cảnh sát Giao thông qua 70 năm xây dựng và trưởng thành, nhấn mạnh nhiệm vụ của lực lượng trong thời gian tới rất nặng nề, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Thứ trưởng thường trực Bộ Công an yêu cầu mỗi cán bộ, chiến sĩ đề cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức của người chiến sĩ Công an cách mạng, không ngừng học tập nâng cao trình độ về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình hình mới.
Thời gian tới, Cục Cảnh sát Giao thông cần chú trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh; chủ động nghiên cứu, tham mưu với Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an đề xuất với Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ các chủ trương, giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nội dung Nghị quyết, Chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Bộ trưởng Bộ Công an về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.
Thứ trưởng Đặng Văn Hiếu nêu rõ Cục Cảnh sát Giao thông cần nâng cao hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông theo các chuyên đề, tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; chú trọng sử dụng các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, hệ thống giám sát, phát hiện, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông. Cục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, từng bước xây dựng, hình thành văn hóa giao thông trong nhân dân; xây dựng hình ảnh Cảnh sát Giao thông Việt Nam thân thiện, trách nhiệm, nhân văn.
Ghi nhận những đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ, chiến sỹ cảnh sát giao thông trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội, Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương Chiến công cho các tập thể và cá nhân.
Tại buổi lễ, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Thứ trưởng Bộ Công an đã gắn Huân chương Chiến công hạng Nhất lên lá cờ truyền thống của Cục, gắn Huân chương Chiến công hạng Ba lên lá cờ truyền thống của Phòng công tác phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm trên đường thủy nội địa và trao Huân chương Chiến công hạng Nhì cho Thiếu tướng Trần Xuân Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông./.
(Theo TTXVN)