Thứ Hai, 02/05/2016, 16:35 (GMT+7)
.

Chủ động phòng cháy chữa cháy

Để chủ động phòng cháy chữa cháy (PCCC) trong mùa nắng hạn, các ban quản lý chợ, quản lý rừng trên địa bàn tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp nhằm kéo giảm xuống mức thấp nhất nguy cơ xảy ra hỏa hoạn.

TỪ CÁC CHỢ

Chợ, Trung tâm thương mại với nhiều quầy sạp mua bán, có lượng người đến mua sắm hàng ngày rất đông; trong đó có nhiều gian hàng kinh doanh các mặt hàng dễ bắt lửa như: Hàng nhựa, vải, quần áo may sẵn… Để bảo vệ an toàn cho người đến mua sắm, cũng như tài sản của các tiểu thương, Ban quản lý các chợ đã đề ra nhiều biện pháp nhằm chủ động trong công tác PCCC chợ trong mùa nắng nóng hiện tại.

Tràm và bạch đàn là loại cây có lá chứa tinh dầu rất dễ bắt lửa vào mùa nóng.
Tràm và bạch đàn là loại cây có lá chứa tinh dầu rất dễ bắt lửa vào mùa nóng.

Cụ thể, Ban quản lý các chợ tổ chức cho các hộ kinh doanh ký cam kết không được đốt nhang đèn thờ cúng, vàng mã trong nhà lồng chợ; liên tục tuyên truyền qua hệ thống loa nhằm nâng cao ý thức của các hộ kinh doanh về PCCC.

Đồng thời, Ban quản lý chợ đã thành lập các Tổ PCCC, thường xuyên kiểm tra nhắc nhở các hộ kinh doanh vi phạm cam kết, lập biên bản, trình báo công an phường giải quyết các hộ kinh doanh vi phạm quy tắc an toàn PCCC nhiều lần, kiểm tra đóng các cầu dao ở các sạp, tổ chức trực ban 24/24 giờ để kịp thời phát hiện, xử lý khi có hỏa hoạn xảy ra.

Ngoài ra, công tác bảo dưỡng, kiểm tra trang thiết bị PCCC cũng được Ban quản lý các chợ chú trọng. Về phương tiện chữa cháy, chợ Thạnh Trị được trang bị 2 môtơ, 1 máy chuyên dụng, 36 bình chữa cháy cầm tay; Trung tâm thương mại TP. Mỹ Tho có 2 máy bơm và 40 bình chữa cháy cầm tay được trang bị đều khắp trung tâm.

Ông Lê Văn Thành, Trưởng ban Quản lý chợ Thạnh Trị cho biết, cứ 3 ngày 1 lần, Ban quản lý chợ cho vận hành các máy bơm nước, để đảm bảo sẵn sàng sử dụng khi cần thiết. Còn các bình chữa cháy cầm tay, Ban quản lý chợ đã hướng dẫn cho các hộ kinh doanh có sạp hàng hóa biết cách sử dụng khi cần thiết. Bên cạnh đó, Ban quản lý chợ còn phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC&CHCN tỉnh kiểm tra định kỳ toàn bộ thiết bị, để kịp thời thay mới, sửa chữa các thiết bị”.

Với đặc thù là chợ đầu mối trái cây, nơi trung chuyển, đóng gói các loại trái cây trong vùng để xuất đi các thị trường trong và ngoài tỉnh, chợ trái cây Vĩnh Kim (huyện Châu Thành) là nơi tập trung rất nhiều vật dụng dễ cháy như: Thùng xốp, bao nhựa, vỏ nhựa… 

Theo quan sát của chúng tôi, nhiều chủ vựa trái cây ý thức về PCCC vẫn chưa cao, thùng xốp, thùng giấy còn chất ngổn ngang, gần ổ điện, không đảm bảo khoảng cách an toàn, có vựa còn sử dụng bếp gas mini để nấu ăn ngay trong vựa. Những hành vi trên rất nguy hiểm, dễ dẫn đến nguy cơ cháy nổ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Sơn, Tổ trưởng Tổ quản lý chợ trái cây Vĩnh Kim, cho biết: “Từ đầu mùa khô đến nay, tổ đã tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở người dân thu gom rác, giấy, lá khô, sắp xếp các thùng giấy, thùng xốp gọn gàng, tránh xa ổ điện, không được sử dụng bếp gas nấu nướng trong chợ.

Tổ quản lý cũng đã tổ chức kiểm tra hàng ngày, nếu phát hiện vi phạm sẽ lập biên bản, báo Công an xã đến để giải quyết. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số hộ ý thức chưa cao, nên vẫn lén lút sử dụng bếp gas mini để nấu ăn”.

ĐẾN BẢO VỆ RỪNG

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Tân Phước, trên địa bàn huyện có 2.504 ha rừng, chủ yếu là tràm và bạch đàn, tập trung ở các xã như: Thạnh Tân, Thạnh Mỹ, Tân Hòa Đông, Mỹ Phước…; trong đó có 805 ha do Trại giam Phước Hòa quản lý, còn lại là do gia đình và hộ cá nhân quản lý.

Thực hiện Chỉ thị 15 ngày 11-11-2015 của UBND tỉnh, Ban Chỉ huy (BCH) PCCC rừng huyện Tân Phước xác định công tác chủ động ứng phó với nguy cơ cháy rừng, hạn chế thiệt hại, giữ vững diện tích rừng trên địa bàn là nhiệm vụ trọng tâm trong các tháng mùa khô.

Từ đó, BCH PCCC rừng huyện Tân Phước đã đề ra các biện pháp, kế hoạch PCCC rừng: Tiếp tục kiện toàn BCH PCCC rừng cấp huyện, xã và lực lượng PCCC rừng ở các địa phương để đáp ứng cho công tác PCCC rừng trong thời gian tới; tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, tổ chức trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô 2016.

Đồng thời, quản lý chặt chẽ công tác đốt đồng, các hộ gia đình khi thực hiện đốt đồng phải có kế hoạch cụ thể, trình báo UBND xã, BCH PCCC rừng huyện để thực hiện giám sát đảm bảo an toàn.

BCH PCCC rừng huyện cũng đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, Phòng Cảnh sát PCCC&CHCN tỉnh, UBND các xã tổ chức các lớp tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ rừng, tổ chức huấn luyện nghiệp vụ cơ bản về PCCC cho các lực lượng chuyên trách và bán chuyên trách; rà soát các đối tượng thường xuyên xâm nhập rừng để có kế hoạch tuyên truyền, giáo dục đối tượng không vi phạm các quy tắc an toàn PCCC .

Đồng thời, vận động các hộ trồng rừng dọn dẹp thông thoáng các bờ kinh, tỉa thưa vệ sinh rừng, nạo vét kinh mương, đảm bảo đi lại dễ dàng, ký cam kết không vi phạm pháp luật trên lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng. Về mặt phương tiện, BCH PCCC rừng được trang bị 3 máy chuyên dụng, 700 m dây; đồng thời bố trí 2 máy chuyên dùng, 5 máy Honda, 2.000 m dây ở 4 xã trọng điểm: Thạnh Tân, Tân Hòa Đông, Thạnh Mỹ và Thạnh Hòa. 

Dù được chuẩn bị kỹ lưỡng, nhưng việc triển khai công tác PCCC rừng trên địa bàn cũng gặp nhiều khó khăn, do đất trồng rừng không tập trung mà phân bố rải rác, xen kẽ với đất sản xuất nông nghiệp, hạ tầng giao thông đi lại còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Trung, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tân Phước, cho biết: “Đặc thù đất rừng huyện Tân Phước là đa số thuộc quyền sở hữu của nông dân, do người dân tự quản lý, nên công tác tuyên truyền, kiểm soát gặp rất nhiều khó khăn”.

CAO THẮNG

.
.
.