An ninh nhân dân Việt Nam - 70 năm và những chiến công thầm lặng
Ra đời trong cao trào Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Lực lượng An ninh nhân dân (ANND) được Đảng giao trọng trách đấu tranh chống phản cách mạng bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng, bảo vệ nhân dân. Vừa ra đời, lực lượng An ninh đã đắm mình vào cuộc đấu tranh vô cùng cam go, quyết liệt với liên minh phản cách mạng trong - ngoài, mưu đồ lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ.
Lễ ra quân hưởng ứng chiến dịch hành quân xanh năm 2016 của khối lực lượng vũ trang chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống lực lượng An ninh nhân dân. |
Đêm 22 rạng sáng 23-9-1945, Pháp nổ súng chiếm đóng Sài Gòn, Gia Định, công khai phát động cuộc chiến tranh xâm lược nước ta một lần nữa. Bên trong, dựa vào các thế lực ngoại xâm, bọn phản cách mạng trong nước đua nhau ngóc đầu dậy, chống phá chính quyền cách mạng với hàng trăm tổ chức, đảng phái phản động.
Trong số đó, Quốc dân đảng là đảng phái phản động nhất, có thực lực và được quân Tưởng Giới Thạch và sau đó là quân Pháp nuôi dưỡng, đã tổ chức các vụ bắt cóc tống tiền, ám sát cán bộ, gây ra không khí căng thẳng ở khắp các vùng. Tại Hà Nội, Quốc dân đảng có tới 41 trụ sở công khai và bí mật gồm cơ quan trung ương, các cơ quan ngôn luận, nhà in, các đội ám sát…
Tháng 4-1946, đồng chí Lê Giản, Giám đốc Nha Công an Trung ương khi đó đã trực tiếp chỉ huy điều tra, nắm tin tức xác thực về âm mưu đảo chính của bọn Quốc dân đảng tại Hà Nội. Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng và đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ đạo phải thu thập bằng được chứng cứ, cương quyết trấn áp. Phải ngăn chặn được cuộc đảo chính; đồng thời vẫn giữ được hòa bình, kéo dài thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến của ta và đảm bảo an toàn phái đoàn Chính phủ cùng Hồ Chủ tịch đang ở Pháp.
Trước vận mệnh Quốc gia, sự an toàn của Bác và phái đoàn Chính phủ đang ở Pháp, 22 giờ ngày 11-7, đồng chí Giám đốc Nha Công an Trung ương triệu tập cuộc họp bàn phương án và quyết định đột kích bí mật vào trụ sở 132 Đuy Vi Nhô (nay là phố Bùi Thị Xuân - Hà Nội), thu thập chứng cứ để trình Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng.
4 giờ 30 phút ngày 12-7-1946, dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Tạo, Lê Hữu Qua, 1 tiểu đội trinh sát và một số chiến sĩ Công an xung phong đã bí mật, bất ngờ đột kích vào hang ổ địch, bắt gọn gần 20 tên, thu máy in, súng, lựu đạn và xe cam nhông các loại tài liệu phản cách mạng. Trước chứng cứ rõ ràng, Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng cho phép lực lượng Công an tiến công, truy quét bọn Quốc dân đảng.
Trong ngày 12-7-1946, lực lượng An ninh đã huy động gần 200 trinh sát, công an xung phong có thêm 1 trung đội tự vệ chiến đấu phối hợp, đồng loạt khám xét trụ sở chính của Quốc dân đảng: Số 7 Ôn Như Hầu, 42 Hale, Hàng Đẫy, Đỗ Hữu Vỵ, 80 Quán Thánh… tổng cộng gồm 41 địa điểm là trụ sở công khai và bí mật của Quốc dân đảng, bắt gần 300 tên, đập tan âm mưu đảo chính phản cách mạng.
Đồng thời với cuộc khám bắt ở Hà Nội, Trung bộ, Nam Trung bộ và các tỉnh cũng được lệnh khám bắt các trụ sở Quốc dân đảng ở địa phương, đón bắt bọn Quốc dân đảng từ Hà Nội chạy về.
Ngay trong quá trình trấn áp, lực lượng An ninh đã tổ chức triển lãm về những bằng chứng tội ác của Quốc dân đảng tại số 7 Ôn Như Hầu. Cuộc triển lãm còn là biện pháp tuyên truyền sinh động, góp phần nâng cao giác ngộ chính trị của nhân dân. Đập tan âm mưu tiến hành cuộc đảo chính phản cách mạng lần này của bọn Quốc dân đảng cấu kết với quân đội viễn chinh Pháp còn là cơ hội để ta tấn công truy quét bọn Quốc dân đảng ở Hà Nội và ở các địa phương; đánh đòn quyết định làm tan rã lực lượng của một đảng phản động nhất lúc bấy giờ, góp phần giữ vững chính quyền cách mạng đang trong thế “ngàn cân treo sợi tóc”.
Sự kiện ngày 12-7-1946 được xác định là mốc son của lực lượng An ninh trong đấu tranh để bảo vệ chính quyền cách mạng trong thời kỳ lịch sử đặc biệt, thời kỳ được gọi là tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Những gì thế hệ An ninh đầu tiên làm được từ sự kiện này đã đặt nền móng cho truyền thống anh hùng của lực lượng. Các thế hệ nối tiếp không ngừng bồi đắp, kế thừa, phát huy ngày một rạng rỡ hơn. Đó là niềm tự hào và có giá trị lưu truyền.
Ngày 24-5-2001, Bộ trưởng Bộ Công an ra Quyết định 457/2001/QĐ-BCA (X11) chính thức công nhận “Ngày 12-7-1946 là ngày truyền thống của lực lượng An ninh nhân dân Việt Nam”.
Trải qua các thời kỳ chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, các thế hệ ANND đã cống hiến trí tuệ, sức lực, xương máu và cả sinh mạng của mình, lập nhiều chiến công, kỳ tích trên mặt trận đấu tranh chống phản cách mạng, làm rạng rỡ thêm những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Đảng, Nhà nước và nhân dân đã ghi nhận, đánh giá cao những công lao, cống hiến của lực lượng ANND.
Ở Tiền Giang, sau Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 25-8-1945, Quốc gia tự vệ cuộc Mỹ Tho - Gò Công được thành lập, đây là tiền thân của Công an Tiền Giang (CATG) ngày nay, trong đó có lực lượng ANND.
Trải qua 70 năm chiến đấu, xây dựng lực lượng và trưởng thành, cùng với lực lượng ANND cả nước, ANND CATG luôn là lực lượng nòng cốt trên mặt trận bảo vệ an ninh chính trị, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta thực hiện thắng lợi công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, và đế quốc Mỹ, lực lượng An ninh Mỹ Tho - Gò Công luôn sát cánh cùng các lực lượng vũ trang, các ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân bảo vệ an toàn vùng căn cứ kháng chiến, đưa đón và bảo vệ an toàn cán bộ lãnh đạo xuống chiến trường để lãnh đạo cuộc kháng chiến; thực hiện tốt nhiệm vụ “bảo mật, phòng gian, diệt ác phá kiềm” bảo vệ an toàn các cuộc hội nghị quan trọng để các đồng chí lãnh đạo bàn bạc quyết định những chủ trương, chiến lược quan trọng để đánh địch.
Trong công tác, chiến đấu với một tương quan lực lượng ít hơn địch nhiều lần, lực lượng an ninh đã dựa vào nhân dân sáng tạo nhiều cách đánh hiệu quả cao... cho đến tổng tiến công, nổi dậy và giành chiến thắng mùa xuân năm 1975.
Một trong những khó khăn của giai đoạn đầu mới giải phóng là: Giữa những bộn bề của hồ sơ, sổ sách, tài liệu chế độ cũ để lại, còn có những con người lầm đường lạc lối cố tình tìm đường vượt biển ra đi, để rồi rơi vào cạm bẫy của kẻ thù. Trong số đó, có người tham gia vào các tổ chức phản động và cũng có kẻ trở thành tay chân đắc lực cho các thế lực thù địch, quay trở lại chống phá cách mạng, có những hành động xâm hại đến đất nước Việt Nam.
Nhiệm vụ của lực lượng ANND CATG lúc này không chỉ là nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện đấu tranh ngăn chặn và truy bắt các vụ vượt biên trốn ra nước ngoài, mà còn phải chủ động theo dõi, phát hiện để có phương án đấu tranh, phá rã các âm mưu phá hoại, phản động.
Đồng thời, giáo dục cải tạo nhiều đối tượng nguy hiểm; bắt nhiều tên ác ôn gây tổn thất cho cách mạng có nợ máu với nhân dân..., ngăn chặn âm mưu gây bạo loạn cướp chính quyền; bóc gỡ nhiều mạng lưới và đầu mối nội gián, làm thất bại một bước kế hoạch hậu chiến của Mỹ, góp phần củng cố chính quyền cơ sở, ổn định an ninh chính trị.
Trong những thập niên cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, các thế lực thù địch gia tăng hoạt động “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ hòng chuyển hóa thể chế chính trị ở Việt Nam. Lực lượng ANND Tiền Giang đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng phản bác các luận điệu tuyên truyền chiến tranh tâm lý của địch, kịp thời phát hiện và ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động của những phần tử bất mãn, cơ hội chính trị, đòi đa nguyên, đa đảng.
Chủ động nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh vô hiệu hóa âm mưu, hoạt động của các tổ chức phản động người Việt lưu vong, bắt nhiều tên xâm nhập làm thất bại ý đồ liên kết trong ngoài của địch. Tiến hành nhiều biện pháp đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả hoạt động của các phần tử phản động không để công khai hình thành tổ chức chống đối trong nước. Kịp thời tham mưu cho Đảng bộ, chính quyền tập trung giải quyết các vấn đề nổi lên đảm bảo an ninh chính trị.
Cùng với công tác đấu tranh chống hoạt động “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch, lực lượng ANND Tiền Giang đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang, các ngành, đoàn thể, làm tốt công tác bảo vệ nội bộ, bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các lễ, hội, các đoàn khách quốc tế thăm và làm việc tại Tiền Giang.
Trên lĩnh vực bảo vệ an ninh kinh tế đã kịp thời đấu tranh khám phá nhiều vụ sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ tiền giả, hàng lậu, hàng cấm…, góp phần ổn định an ninh tiền tệ - tài chính của đất nước. Chiến công nổi bật của lực lượng an ninh trong thời kỳ đổi mới là giữ vững ổn định an ninh chính trị, không để bị động bất ngờ, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội của địa phương.
Trong tình hình hiện nay, mặt trận bảo vệ An ninh Quốc gia ngày càng nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi lực lượng ANND Tiền Giang phải luôn đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu và quyết tâm giữ vững an ninh chính trị trong mọi tình huống.
THANH DUY