Thứ Bảy, 13/08/2016, 05:57 (GMT+7)
.
Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc:

Kết quả 10 năm xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến

Ngày 13-6-2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 521/QĐ-TTg về việc chọn ngày 19-8 hàng năm là “Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể, UBND huyện, thành, thị tổ chức thực hiện “Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trên địa bàn tỉnh.

Các cá nhân lập thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ được biểu dương tại Hội nghị Tổng kết 10 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ (tháng 9-2015). Ảnh: ĐẶNG THANH
Các cá nhân lập thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ được biểu dương tại Hội nghị Tổng kết 10 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ (tháng 9-2015). Ảnh: ĐẶNG THANH

Từ năm 2006, trên cả nước nói chung, địa bàn Tiền Giang nói riêng, công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được đẩy mạnh và đã đạt được những kết quả nhất định.

Qua 10 năm xây dựng, nhân rộng, hiện nay Tiền Giang có 36 mô hình phòng, chống tội phạm hoạt động hiệu quả, trong đó nhiều mô hình ban đầu mang tính tự phát. Qua thời gian hoạt động phát huy hiệu quả, tác dụng tốt nên được chính quyền địa phương ra quyết định công nhận, củng cố và nhân rộng cho nhiều nơi khác học tập.

Điển hình như mô hình “Cổng tự quản về an ninh trật tự”. Đầu tiên mô hình này xuất phát từ xã Tân Thanh, huyện Cái Bè. Anh Đỗ Trọng Thu, Trưởng Công an xã cho biết: Để giữ vững danh hiệu xã an toàn, đã ra mắt từ năm 1995, Công an xã làm nòng cốt tham mưu Đảng ủy - UBND xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các biện pháp giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) và phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Mô hình Cổng tự quản về ANTT trên địa bàn xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè. Ảnh: THANH VIỆT
Mô hình Cổng tự quản về ANTT trên địa bàn xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè. Ảnh: THANH VIỆT

Tân Thanh là một trong những xã giáp ranh tỉnh Đồng Tháp, các tuyến giao thông liên ấp, liên xã được bê tông hóa, rất thuận lợi trong giao thông, nhưng cũng là điều kiện thuận lợi cho tội phạm thoát thân sau khi gây án nên mô hình “Cổng tự quản về ANTT” được quan tâm nhiều nhất.

Ấp ủ ý tưởng từ năm 2006, sang năm 2007, Công an xã mới đề xuất UBND xã thực hiện. Vì quá mới mẻ, chưa đánh giá được hiệu quả nên tất cả còn e dè, chỉ làm thử nghiệm 6 cổng trên địa bàn ấp 4. Sau đó mới nhân rộng thêm ở các ấp khác, cách làm, hình thức cổng rào cũng rất đơn giản.

Dần dần, khi các “cánh cổng” chứng minh được hiệu quả, tác dụng, được nhân dân ủng hộ cao thì mô hình này được nhân rộng ra toàn xã. Đến nay, Tân Thanh có 17 “Cổng tự quản về ANTT”, khép kín các tuyến đường liên ấp. Đến nay, những “cánh cổng” này đã giúp nhân dân Tân Thanh chặn bắt 6 đối tượng trộm tài sản và vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Trong thời điểm Tân Thanh tiến hành làm 6 “cổng tự quản về ANTT” tại ấp 4 thì xã Mỹ Đức Tây, huyện Cái Bè cũng cử người đến nghiên cứu, học tập và tiến hành thực hiện mô hình này. Trên địa bàn Mỹ Đức Tây, hệ thống “cổng tự quản về ANTT” được xây dựng bài bản, hoàn chỉnh hơn, gắn liền với quá trình xây dựng cổng văn hóa và kết hợp với mô hình “Ánh sáng phòng, chống tội phạm” toàn xã.

Sau khi khảo sát hiệu quả mô hình kết hợp này tại Mỹ Đức Tây, UBND huyện Cái Bè quyết định chọn nơi này làm điểm để nhân rộng mô hình “cổng tự quản về ANTT”. Hiện nay, toàn tỉnh có 913 “Cổng tự quản về ANTT” phát huy hiệu quả, tác dụng tốt. Đa số được bảo quản, duy tu thường xuyên. Nhiều nơi, còn tổ chức diễn tập để nhân dân biết cách xử lý khi có tình huống chặn bắt đối tượng phạm tội.

Nếu như Tân Thanh là nơi xuất phát và Mỹ Đức Tây là nơi được chọn làm điểm nhân rộng mô hình “Cổng tự quản về ANTT” thì xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông là nơi mô hình “Ánh sáng phòng, chống tội phạm” được nhân rộng. Hiện nay, toàn tỉnh có  hơn 11.000 bóng đèn được lắp đặt trên 280 km đường giao thông nông thôn.

Còn mô hình “Đèn ngoài ngõ, mõ trong nhà” là mô hình được nhân rộng từ nơi thực hiện đầu tiên ở  xã Long Khánh, huyện Cai Lậy (nhiều nơi chỉ gọi ngắn gọn “Tiếng mõ an ninh”).

Đến nay, toàn tỉnh có 3.372 mõ cho mô hình này. Ngoài ra, còn có nhiều mô hình khác như: “Camera an ninh”, “Đội công nhân xung kích tự quản về an ninh, trật tự” trong các doanh nghiệp, “Nhà trọ tự quản về ANTT”; “Đội dân phòng xe hon da khách phòng, chống tội phạm”; “Câu lạc bộ pháp luật và phòng, chống tội phạm”, “Hòm thư tố giác tội phạm”… Ngoài ra, còn có  các liên tịch phòng, chống tội phạm giữa Công an với các ban, ngành, đoàn thể được ký kết, phát huy hiệu quả nhất định.

Quá trình tổ chức thực hiện, các mô hình có thể thay đổi tên gọi, thay đổi hình thức, hoặc kết hợp các mô hình với nhau, làm tăng thêm hiệu quả phòng chống tội phạm. Cũng có những mô hình hoạt động kém hiệu quả thì loại bỏ; đồng thời củng cố, phát huy các mô hình tốt.

Một hoạt động khá hiệu quả là nhân rộng học tập các điển hình tiên tiến trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Qua đó động viên, thúc đẩy tinh thần tự giác, tích cực tham gia phong trào của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

10 năm qua, nhân dân bắt quả tang trên 500 đối tượng phạm tội giao Công an, cung cấp trên 37.200 nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng Công an truy bắt, xử lý gần 15.000 đối tượng phạm tội và vi phạm, phá trên 4.300 vụ án hình sự, triệt phá trên 360 nhóm tội phạm, vận động 180 đối tượng phạm tội ra đầu thú…

Từ năm 2006 đến nay, đã có trên 1.000 lượt tập thể, trên 700 lượt cá nhân được Bộ Công an, UBND tỉnh Tiền Giang, Giám đốc Công an tỉnh tặng Cờ, Bằng khen, Giấy khen và hàng chục ngàn lượt tập thể, cá nhân được UBND cấp huyện, UBND cấp xã khen thưởng, biểu dương nhân rộng học tập về thành tích xuất sắc trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

THANH DUY

.
.
.