Hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm thực hiện Luật Quốc phòng
Sáng 28-11, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm thực hiện Luật Quốc phòng. Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ chủ trì và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Tiền Giang. |
Luật Quốc phòng được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI thông qua ngày 14-6-2005, có hiệu lực từ ngày 1-1-2006. Qua 10 năm thi hành Luật Quốc phòng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân đã phối hợp triển khai thực hiện có kết quả nhiệm vụ quốc phòng, an ninh (QP-AN), góp phần trực tiếp vào thắng lợi của công cuộc đổi mới. Sự nghiệp quốc phòng đã có những đổi mới và đạt được những thành tựu quan trọng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Về thực hiện chính sách quốc phòng, Đảng và Nhà nước ta thực hiện nhất quán đường lối, chính sách quốc phòng mang tính chất hòa bình, tự vệ, thể hiện rõ chủ trương không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong các quan hệ quốc tế, chủ động giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh theo hướng toàn dân, toàn diện, tự chủ, tự lực, tự cường, dựa trên truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm của toàn dân tộc. Chủ trương xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng chính quy, tinh nhuệ từng bước hiện đại, có lực lượng thường trực hợp lý nhằm củng cố và tăng cường tiềm lực quốc phòng, duy trì sức mạnh quân sự ở mức cần thiết để bảo vệ Tổ quốc, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới.
Trong 10 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, cùng với các hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước và đối ngoại nhân dân, đối ngoại quốc phòng đã có bước phát triển mới, góp phần giữ vững ổn định chính trị để xây dựng đất nước, nâng cao uy tín, vị thế của đất nước và Quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế. Đối ngoại quốc phòng không ngừng được mở rộng trên nhiều lĩnh vực (quốc phòng, quân sự, kinh tế, khoa học và công nghệ), phát triển cả bề rộng và chiều sâu, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, theo tinh thần “Việt Nam là bạn với tất cả các nước, các dân tộc trên thế giới”, từng bước đưa nước ta hội nhập với thế giới, tạo dựng và củng cố môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và đạt được những thành tựu quan trọng. Đối ngoại quốc phòng đã góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích quốc gia, dân tộc.
Thực hiện quy định của Luật Quốc phòng về giáo dục quốc phòng, Quân ủy Trung ương đã tham mưu cho Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục QP-AN trong tình hình mới. Đặc biệt, năm 2013, Quốc hội khóa XIII ban hành Luật Giáo dục
QP-AN, đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng đưa công tác giáo dục quốc phòng đi vào nền nếp. Hội đồng Giáo dục QP-AN các cấp hoạt động có chất lượng và hiệu quả; công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng được cấp ủy, chính quyền các cấp, người đứng đầu các bộ, ngành Trung ương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức QP-AN được thực hiện chặt chẽ.
Các cơ quan chức năng đã chủ động nghiên cứu, điều chỉnh nội dung, chương trình bồi dưỡng kiến thức QP-AN phù hợp cho từng đối tượng, chú trọng giữa trang bị kiến thức gắn với nghiên cứu thực tế và các hoạt động lồng ghép. Công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN được mở rộng đến chức sắc, nhà tu hành, chức việc các tôn giáo; văn nghệ sĩ, trí thức, các nhà khoa học; già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, trưởng các dòng họ; chủ hộ gia đình vùng biên giới, chủ nhà trọ khu vực các khu, cụm công nghiệp, chủ các tàu thuyền đánh bắt xa bờ, nuôi trồng thủy sản trên biển, giám đốc các doanh nghiệp tư nhân.
Công tác phổ biến kiến thức QP-AN toàn dân đã được coi trọng, với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, trong đó đã phát huy vai trò nòng cốt của các cơ quan tuyên truyền, mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên.
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, các quy định của Hiến pháp 2013 về tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; đồng thời tạo ra những bước phát triển trong nhiệm vụ quốc phòng, chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới, Quốc hội khóa XIV đã quyết định sửa đổi Luật Quốc phòng và Chính phủ đã phân công Bộ Quốc phòng chủ trì soạn thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi) để trình Quốc hội.
THANH HIỀN