Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đối với công tác QS-QP địa phương
NGUYỄN VĂN DANH
(Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy)
Công tác quân sự, quốc phòng địa phương có vị trí chiến lược trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng trước đây và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay, là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta, được tiến hành ở các địa phương nhằm tổ chức và động viên quần chúng tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ địa phương, giữ vững chủ quyền, an ninh quốc gia trong thế trận phòng thủ bảo vệ Tổ quốc. Với ý nghĩa đó, cấp ủy địa phương đóng vai trò hết sức quan trọng, là cơ quan lãnh đạo và trực tiếp tổ chức thực hiện đường lối chính trị, quân sự của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh; thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên về công tác quân sự, quốc phòng địa phương; đồng thời, trực tiếp giáo dục chính trị, tư tưởng đối với Lực lượng vũ trang (LLVT) địa phương, xây dựng LLVT vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Nắm vững quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, những năm qua, các cấp ủy đã tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh về đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nền quốc phòng toàn dân; đồng thời, tạo sự chuyển biến đồng bộ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng - an ninh; quan tâm xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện vững chắc trong tình hình mới.
Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy thăm hỏi, động viên thanh niên huyện Châu Thành lên đường nhập ngũ. Ảnh: Thanh Lâm |
Đặc biệt, năm 2016, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tập trung, thống nhất của các cấp ủy, đã củng cố, kiện toàn, tổ chức, biên chế các cơ quan, đơn vị, bảo đảm sức chiến đấu và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; xây dựng lực lượng thường trực đạt 94,38% so với biên chế, xây dựng lực lượng Dự bị động viên đúng Pháp lệnh, xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ bảo đảm số lượng, chất lượng, phù hợp với từng địa bàn và yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ đạt tỷ lệ 1,27% so dân số. Thực hiện công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ các cấp trước khi bước vào huấn luyện, hoàn thành 100% nội dung, thời gian theo kế hoạch được phê duyệt; tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho các đối tượng đạt 100%; đồng thời, lãnh đạo tổ chức thành công diễn tập huy động nhân lực, tàu thuyền, phương tiện dân sự theo Nghị định 30/2010/NĐ-CP, Nghị định 130/2015/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn TP. Mỹ Tho và diễn tập khu vực phòng thủ ở địa bàn ven biển huyện Gò Công Đông; qua diễn tập, đã phát huy được sức mạnh tổng hợp, vận hành cơ chế đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nâng cao khả năng lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, điều hành của cấp ủy và ý thức bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển nước ta, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới...
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn một số vấn đề bất cập cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện để thực hiện tốt cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương, nhất là vai trò của cấp ủy địa phương cần được xác định rõ hơn để làm cơ sở cho công tác lãnh đạo, phân công, phân nhiệm khi có tình huống đột xuất, bất ngờ xảy ra. Việc theo dõi nắm tình hình, thu thập thông tin, nghiên cứu, đánh giá và xử lý có lúc thiếu kịp thời, thiếu chính xác; công tác huấn luyện chưa kết hợp với rèn luyện thể lực, hành quân rèn luyện; việc đăng ký, quản lý quân dự bị ở một số nơi chưa chặt chẽ...
Để góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X về công tác quân sự, quốc phòng địa phương, các cấp ủy cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên đối với công tác quân sự, quốc phòng địa phương; thường xuyên triển khai, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về công tác quốc phòng - an ninh và tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án “Bảo đảm quốc phòng tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030”. Chú trọng nâng cao cảnh giác cách mạng, nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, ý thức trách nhiệm trong lãnh đạo và tổ chức thực hiện công tác quân sự, quốc phòng địa phương. Công tác giáo dục phải thực tế và hiệu quả, sau các khóa bồi dưỡng về kiến thức quốc phòng, an ninh phải tham gia các đợt diễn tập, đảm nhiệm các chức danh và luyện tập các kỹ năng nắm bắt, xử lý tình huống trong nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương.
Hai là, chú trọng nâng cao chất lượng tổng hợp của LLVT địa phương; xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, nâng cao trình độ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; nâng cao chất lượng huấn luyện cho lực lượng thường trực; xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ đảm bảo về số lượng, về cơ cấu và thành phần hợp lý. Lãnh đạo phát huy tốt sức mạnh tổng hợp của các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương, của nhân dân địa phương trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương.
Ba là, xây dựng cơ quan Quân sự địa phương vững mạnh, đủ sức tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong công tác quân sự, quốc phòng địa phương; đồng thời, phát huy tốt vai trò nòng cốt trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh trên địa bàn; chú trọng kiện toàn cơ quan quân sự địa phương đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng theo yêu cầu biên chế. Đi đôi với kiện toàn về tổ chức phải coi trọng bồi dưỡng nâng cao kiến thức, năng lực toàn diện cho đội ngũ cán bộ quân sự địa phương; xây dựng Đảng ủy Quân sự địa phương vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, là hạt nhân lãnh đạo của Đảng bộ Quân sự địa phương.
Cơ quan Quân sự tỉnh, huyện (thành, thị) cần phát huy tốt vai trò tham mưu, đề xuất với cấp ủy về xây dựng chủ trương, nội dung, hình thức, biện pháp thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương; bám sát tình hình, nhiệm vụ của địa phương, nhiệm vụ của cơ quan Quân sự để xây dựng kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng kiến thức quân sự cho các cơ quan, đơn vị và cơ sở.
Bốn là, thực hiện nghiêm cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với công tác quân sự, quốc phòng địa phương theo Nghị quyết 02/1987/NQ-TW của Bộ Chính trị khóa VI, Nghị quyết 28/2008/NQ-TW của Bộ Chính trị khóa X; trong đó, cần phát huy vai trò của cấp ủy địa phương và Chỉ huy trưởng Quân sự nhằm bảo đảm mọi quyết định của Đảng được tổ chức thực hiện một cách trực tiếp. Cơ quan Quân sự tiếp tục tham mưu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, gắn chặt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với thực hiện công tác quân sự, quốc phòng địa phương; cơ quan chính trị các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, các lực lượng ở địa phương nhận thức thống nhất về nội dung cơ chế và chức năng, nhiệm vụ của các thành phần trong cơ chế, góp phần bảo đảm cho cơ chế được vận hành thông suốt, có hiệu lực và hiệu quả.
Công tác quân sự, quốc phòng địa phương là nhiệm vụ rất quan trọng, đòi hỏi các cấp ủy phải phát huy hơn nữa vai trò của mình, phải thực sự trở thành hạt nhân lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị địa phương thực hiện tốt đường lối, quan điểm chính trị, quân sự của Đảng; chăm lo xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, đồng thời làm tốt công tác vận động quần chúng, huy động sức mạnh của các tổ chức, các lực lượng và quần chúng nhân dân tham gia xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân.