Thế giới tuần qua
Những sự kiện nổi bật của thế giới tuần qua được giới quan sát bình chọn là: 30 tàu đánh cá Trung Quốc xâm phạm Trường Sa của Việt Nam; Triều Tiên bổ nhiệm tân Phó Nguyên soái quân đội; nhà chức trách Israel dỡ bỏ chốt an ninh ở Bờ Tây...
1. 30 tàu đánh cá Trung Quốc xâm phạm Trường Sa của Việt Nam
Các tàu cá Trung Quốc xếp hàng trước khi ra khơi đến quần đảo Trường Sa. Ảnh: China Daily |
Khoảng 17 giờ chiều 15-7, một đội gồm 30 tàu cá xuất phát từ tỉnh đảo Hải Nam của Trung Quốc đã tới một địa điểm đánh bắt cá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Theo tin của THX từ tàu cá Qiongsanya-F8168, đây là đội tàu cá lớn nhất từ đảo Hải Nam tới quần đảo Trường Sa.
Các tàu này đã tới vùng biển thuộc Bãi đá Chữ thập của Việt Nam sau khi trải qua hải trình kéo dài 78 giờ đồng hồ.
Ngày 13-7, đại diện Ủy ban Biên giới Quốc gia - Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh rằng hoạt động khai thác của ngư dân Trung Quốc ở khu vực quần đảo Trường Sa là phi pháp, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.
Lập trường của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được khẳng định nhiều lần. Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc có trách nhiệm giáo dục, hướng dẫn ngư dân tôn trọng chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam, tuân thủ luật pháp quốc tế," vị đại diện này nói.
2. Triều Tiên bổ nhiệm tân Phó Nguyên soái quân đội
Phó Nguyên soái Hyon Yong-Chol. Ảnh: AP |
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 17-7 cho biết Triều Tiên đã bổ nhiệm ông Hyon Yong-Chol làm Phó Nguyên soái Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA), một ngày sau khi đưa tin Tổng Tham mưu trưởng KPA, Phó Nguyên soái Ri Young-Ho đã bị miễn tất cả các chức vụ vì lý do sức khỏe.
Trong một thông báo ngắn, KCNA nêu rõ: "Ông Hyon Yong-Chol đã được trao danh hiệu Phó Nguyên soái Quân đội Nhân dân Triều Tiên."
Quyết định này được Quân ủy Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên và Ủy ban Quốc phòng nhà nước đưa ra hôm 16-7.
Ông Hyon Yong-Chol là Ủy viên Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, được phong tướng vào tháng 9-2010, cùng đợt với 5 người khác trong đó có nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un.
Với quyết định trên, ông Hyon Yong-Chol trở thành một trong 4 Phó Nguyên soái của KPA. Ba người khác gồm Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị KPA Choe Ryong-Hae, Bộ trưởng Quốc phòng Kim Jong Gak và Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng nhà nước Kim Yong Chun.
3. Nhà chức trách Israel dỡ bỏ chốt an ninh ở Bờ Tây
Chốt an ninh tại Jericho. Ảnh: maannews |
Một quan chức Palestine cho biết ngày 21-7 nhà chức trách Israel đã dỡ bỏ một rào chắn an ninh tồn tại 12 năm qua ở thành phố Jericho thuộc khu Bờ Tây.
Các xe ủi của Israel đã khai thông cửa ngõ phía Bắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các nông dân ở Thung lũng Jordan đưa nông sản vào thành phố, nhờ đó hồi sinh hoạt động thương mại và kinh tế tại địa phương.
Ngoài ra, người Palestine giờ đây có thể dễ dàng đi lại giữa Bờ Tây và thành phố Jericho mà không phải đi đường vòng dài 80 km.
Chốt an ninh trên được thiết lập kể từ cuộc nổi dậy lần thứ hai của người Palestine hồi tháng 9-2000.
Liên hợp quốc ước tính có khoảng 600 rào chắn và chốt an ninh được dựng lên giữa các ngôi làng và thành phố ở Bờ Tây.
4. Bầu cử Mỹ: 2 ứng cử viên tiếp tục bám đuổi sát nút
Ông Barack Obama và ông Mitt Romney. Ảnh: Getty |
Ngày 19-7, ở thời điểm chỉ còn hơn ba tháng nữa sẽ diễn ra cuộc tổng tuyển cử, các kết quả thăm dò khác nhau cho thấy các ứng cử viên tiếp tục bám đuổi sát nút.
Theo thăm dò của Thời báo New York và truyền hình CBS, nếu cuộc bỏ phiếu được tổ chức ngay lúc này, ứng cử viên đảng Cộng hòa, cựu Thống đốc Mitt Romney có thể nhận được 47% số phiếu ủng hộ so với 46% cam kết bỏ phiếu cho đối thủ đảng Dân chủ, đương kim Tổng thống Barack Obama.
Thăm dò công bố cùng ngày của Fox News lại cho thấy một kết cục trái chiều, ông Obama nhận được 45% ý kiến ủng hộ so với 41% hậu thuẫn ông Romney.
Đây là một sự thay đổi khá nhanh so với các kết quả thăm dò hồi tháng Ba, thậm chí cả hồi đầu tháng Sáu vừa qua khi ông Obama còn dẫn ông Romney với các tỷ lệ chênh lệch khá xa 50%-42% và 47%-42%.
Trong cuộc bầu cử năm 2008, ông Obama giành chiến thắng tại Virginia, trở thành ứng cử viên đầu tiên của đảng Dân chủ giành chiến thắng tại bang có 13 phiếu đại cử tri này kể từ cuộc bầu cử tổng thống năm 1964.
5. Đảng cầm quyền tại Cộng hòa Congo thắng áp đảo
Tổng thống Denis Sassou Nguesso. Ảnh: Getty Images) |
Đảng Lao động Congo (PCT) của Tổng thống Denis Sassou Nguesso đã thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Quốc hội vòng một ngày 15-7 vừa qua.
Theo kết quả kiểm phiếu công bố ngày 20-7, Đảng cầm quyền PCT đã giành được 57/69 ghế Quốc hội bầu vòng một và các đồng minh của PCT cũng giành được 10 ghế trong khi đảng đối lập chỉ giành được 1 ghế.
Số ghế còn lại trong Quốc hội gồm 139 ghế sẽ được quyết định trong vòng hai cuộc bầu cử vào ngày 5-8 tới.
Ông Nguesso từng giữ cương vị Tổng thống Cộng hòa Congo, quốc gia Trung Phi có khoảng 4 triệu dân, lần đầu tiên vào năm 1979 cho đến khi bị đánh bại tại cuộc bầu cử năm 1992.
Đến năm 1997, ông giành lại quyền lực với sự trợ giúp của quân đội Angola.
6. Israel phóng thích Chủ tịch Quốc hội Palestine
Chủ tịch Quốc hội Palestine, ông Aziz Dweik. Ảnh: Mediafax |
Sáng 20-7, tại Bờ Tây, Israel phóng thích Chủ tịch Quốc hội Palestine, ông Aziz Dweik sau 6 tháng giam giữ.
Chủ tịch Quốc hội Aziz Dweik là quan chức cấp cao của phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas của Palestine.
Ông đã từng bị Israel bắt vào năm 2006, không lâu sau khi Hamas giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp Palestine và phải ngồi tù gần 3 năm do bị kết tội tham gia một tổ chức phi pháp. Ông Aziz Dweik lại bị bắt một lần nữa vào tháng 1-2012 cùng với 3 nghị sỹ Palestine khác thuộc Hamas.
Chính khách 62 tuổi này từng được Hamas xem như ứng cử viên nhiều triển vọng cho chức vụ Tổng thống nhà nước Palestine.
PHÙNG LONG
(Tổng hợp)