Chủ Nhật, 08/07/2012, 10:21 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua

Những sự kiện thế giới nổi bật tuần qua được giới quan sát đánh giá gồm: Mỹ đưa máy bay đến Guam để giám sát Trung Quốc, Nhật phê chuẩn lệnh cấm chuyến bay thuê từ Syria, tấn công bạo lực và đánh bom liên tục xảy ra ở Iraq…

1. Mỹ đưa máy bay đến Guam để giám sát Trung Quốc

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, máy bay không người lái MQ-4C Triton tân tiến của Hải quân Mỹ sẽ được triển khai tại đảo Guam để tăng cường giám sát các hoạt động hàng hải ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Hải quân Mỹ dự định lắp đặt các phương tiện phục vụ cho việc triển khai loại máy bay này tại căn cứ không quân Andersen trên vùng lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương vào khoảng sau tháng 10-2013 và chính thức đưa vào hoạt động loại máy bay này vào nửa cuối năm 2016-nguồn tin từ Đài NHK cho biết.

Theo giới chức quốc phòng Mỹ, việc sử dụng máy bay Triton cùng với các máy bay tuần tra chống tàu ngầm, Hải quân Mỹ sẽ tăng cường đáng kể khả năng giám sát và đối phó với quân đội Trung Quốc, hiện đang tăng cường nhanh chóng các hoạt động hàng hải tại khu vực này.

2. Nhật phê chuẩn lệnh cấm chuyến bay thuê từ Syria

Ảnh: Internet
Ông Osamu Fujimura, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản. Nguồn: Getty Images

Nhật Bản ngày 6-7 đã quyết định cấm các chuyến bay thuê từ Syria, quốc gia đang chìm ngập trong bạo lực, như một phần trong các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn nhằm vào chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad do Damascus vẫn tái diễn hành động trấn áp phe đối lập.

"Tôi hy vọng những biện pháp mà chúng tôi đưa ra sẽ đóng góp vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm chấm dứt tình trạng đổ máu ở Syria"- Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Osamu Fujimura phát biểu trong một cuộc họp báo sau khi nội các phê chuẩn lệnh cấm trên.

Theo hãng Kyodo, Nhật Bản cũng quyết định đưa thêm ba cá nhân vào danh sách bị phong tỏa tài sản, nâng tổng số các cá nhân trong diện trừng phạt lên 23 người, cùng với 16 tổ chức.

3. Tấn công bạo lực và đánh bom liên tục xảy ra ở Iraq

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Sáng 4-7, một vụ đánh bom xe đã xảy ra tại một khu chợ ở thị trấn Zubaidiyah, thuộc tỉnh Wasit, phía Đông Iraq, làm ít nhất 8 người chết và 22 người bị thương.

Cùng ngày, ngay tại thủ đô Bagdad, đã có hai cảnh sát, trong đó có một phụ nữ và một viên chức chính phủ bị sát hại trong các vụ tấn công bạo lực riêng rẽ.

Cũng trong ngày 3-7, tại thành phố Kerbala ở miền Trung cũng xảy ra hai vụ đánh bom gài bên đường nhằm vào những người hành hương Hồi giáo dòng Shiite làm 4 người thiệt mạng và 21 người khác bị thương.

Tháng trước, ít nhất 237 người thiệt mạng và 603 người khác bị thương chủ yếu do các vụ tấn công bằng bom, khiến tháng 6 trở thành một trong những tháng đẫm máu nhất ở Iraq kể từ khi Mỹ rút quân vào cuối năm ngoái.

4. Tổng thống Romania đối mặt với nguy cơ bị phế truất

Ảnh: Internet
Míttinh ủng hộ Tổng thống Romania Traian Basescu do Đảng Dân chủ Tự do tổ chức tại thủ đô Bucharest. Ảnh: AFP

Tại cuộc họp bất thường của quốc hội ngày 5-7, chính phủ của Thủ tướng Victor Ponta do Liên minh Xã hội Tự do (USL) đứng đầu có ý định sử dụng ưu thế đa số trong quốc hội để tước bỏ quyền hạn của Tổng thống Basescu.

Theo quy định của hiến pháp nước này, một cuộc trưng cầu ý dân về việc cách chức Tổng thống Basescu sẽ được tiến hành trong vòng một tháng sau đó.

Trong văn bản luận tội Tổng thống Basescu, các nhà lập pháp của USL cho rằng, tổng thống đã vi phạm hiến pháp và gây áp lực cho các thẩm phán.

Nếu luật này được ban hành, ông Basescu có thể sẽ phải rời chiếc ghế tổng thống. Tuy nhiên, luật mới vẫn đang chờ phán quyết cuối cùng từ tòa án hiến pháp. Tháng 5-2007, USL từng thành công trong việc đình chỉ quyền hạn của tổng thống, song ông đã được khôi phục chức vụ trong cuộc trưng cầu ý dân tiếp sau đó.

5. Các nước Mỹ Latinh-Caribe họp khẩn về Paraguay

Ngoại trưởng Ecuador Ricardo Patiño. Ảnh: Getty Images
Ngoại trưởng Ecuador Ricardo Patiño. Ảnh: Getty Images

Ngày 4-7, Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) đã tổ chức một cuộc họp bất thường trong ngày 5-7 tại thủ đô Santiago của Chile để thảo luận về tình hình Paraguay sau vụ phế truất Tổng thống Fernando Lugo.

Chính phủ Ecuador đã tham khảo các nước thành viên khác của Liên minh các nước Nam Mỹ (UNASUR) về khả năng tuyên bố Tổng thống lâm thời của Paraguay Federico Franco cũng như các thượng nghị sĩ bỏ phiếu phế truất Tổng thống Lugo là những nhân vật "không được hoan nghênh."

Phát biểu với báo giới, ông Patiño khẳng định mục đích của biện pháp trên là gửi một thông điệp mạnh mẽ rằng tại Nam Mỹ, việc phá vỡ trật tự hiến pháp là điều không thể chấp nhận.

Tại hội nghị cấp cao bất thường ngày 29-6 vừa qua ở Argentina, UNASUR đã quyết định đình chỉ tư cách thành viên của Paraguay vì vụ xét xử chính trị đã không đảm bảo quyền bào chữa của ông Lugo.

Tổng thống Ecuador Rafael Correa cho rằng hình phạt trên là nhẹ. Lẽ ra phải có biện pháp mạnh mẽ hơn, như đóng cửa biên giới, đình chỉ giao thương và cung cấp năng lượng, dịch vụ cho Asuncion, để những vụ phá vỡ trật tự dân chủ không lặp lại tại Mỹ Latinh.

P.LONG

(Tổng hợp)

 

.
.
.