Mỹ, Pháp bất đồng về giải pháp cho Syria
Đương kim Tổng thống Pháp Hollande. Ảnh: Reuters |
AFP ngày 29-8 đưa tin, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã kêu gọi phe đối lập Syria thành lập một chính phủ lâm thời.
Ông đồng thời cam kết rằng Pháp sẽ công nhận chính phủ lâm thời này trong một nỗ lực nhằm ép Tổng thống Basha al-Assad từ bỏ quyền lực trong bối cảnh bạo lực ngày càng leo thang tại quốc gia Arab này.
Theo Tổng thống Pháp, Pháp và các đối tác Arab sẽ đẩy nhanh bước đi này.
Tuy nhiên, tuyên bố của Pháp đã vấp phải sự phản đối của Mỹ, vốn luôn rất ủng hộ sự ra đi của Tổng thống al-Assad.
Chính quyền Mỹ cho biết, lời kêu gọi của Pháp đối với phe đối lập Syria về việc hình thành một chính phủ lâm thời đã thể hiện sự thiếu phối hợp của Pháp với các nước khác trong vấn đề này.
Mỹ cho rằng hiện là quá sớm đề có thể hình thành một chính phủ lâm thời tại Syria khi mà phe đối lập nước này thậm chí còn chưa nhất trí về một kế hoạch chuyển đổi.
Trước đó, phương Tây và các nước Arab mặc dù liên tục kêu gọi Tổng thống al-Assad từ chức song cũng chưa một nước nào chính thức công nhận phe đối lập Syria như một thể chế lãnh đạo hợp pháp của đất nước.
Cũng theo AFP, trong bài phỏng vấn được đăng tải ngày 28-8, Ngoại trưởng Syria Walid Muallem đã cáo buộc Mỹ là "nhân tố chính" kích động lực lượng nổi dậy chống chính phủ ở quốc gia Trung Đông này, song cũng khẳng định chính quyền Damascus sẽ không triển khai vũ khí hóa học.
Người tỵ nạn Syria ngày càng tăng. Ảnh: AFP |
Trả lời phỏng vấn báo "Độc lập" của Anh, ông Muallem nhận định Mỹ có thể đang lợi dụng Syria để kiềm chế sự ảnh hưởng của Iran tại Trung Đông, đồng thời cáo buộc Washington đã thổi phồng năng lực hạt nhân của Tehran để bán vũ khí cho các nước Vùng Vịnh.
Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi tin rằng Mỹ là nhân tố chính chống Syria và những nhân tố còn lại chỉ là công cụ của họ."
Khi được hỏi về khả năng Mỹ lợi dụng cuộc khủng hoảng tại Syria để chế ngự Iran, Ngoại trưởng Muallem viện dẫn một nghiên cứu mới đây của Viện Brookings ở Washington đúc kết rằng: "Muốn chế ngự Iran, phải bắt đầu từ Damascus."
Ông Muallem cũng cáo buộc Mỹ hậu thuẫn về quân sự cho lực lượng nổi dậy ở Syria bằng cách cung cấp thiết bị viễn thông, đồng thời cho rằng hành động này là tài trợ khủng bố.
Về vấn đề vũ khí hóa học, Ngoại trưởng Syria bác bỏ những quan điểm cho rằng chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad sẽ phải dùng đến kho vũ khí này trong trường hợp chính quyền suy yếu, khẳng định "trách nhiệm của chính phủ là bảo vệ người dân".
Trong khi đó, con số người tị nạn Syria ngày càng tăng. Nhiều người dân đang cố gắng để thoát khỏi cuộc xung đột mà các nhà hoạt động ước tính đã làm hơn 20.000 người thiệt mạng kể từ tháng 3 năm ngoái.
Thổ Nhĩ Kỳ cho đến nay đã nhận hơn 80.000 người Syria và có tất cả 9 trại tị nạn dọc theo biên giới hai nước. Gần đây, những người tị nạn mới được đưa vào các trường học, ký túc xá hoặc trung tâm thể thao gần biên giới trong khi các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đang gấp rút xây dựng 4 trại mới để có thể chứa 100.000 người tị nạn.
N.HỮU
(Theo AFP)