Thứ Bảy, 04/08/2012, 09:53 (GMT+7)
.

Mỹ lên án hành động của Trung Quốc ở Biển Đông

Thượng viện Mỹ đã biểu quyết thông qua nghị quyết S. Res 524 về Biển Đông, trong đó gồm cả 3 điểm ở phần lời tựa do Thượng nghị sĩ Jim Webb đề nghị đưa vào với nội dung lên án các hành động đơn phương gần đây của Trung Quốc.
 
Sau khi liệt kê một loạt các hành động gần đây của Trung Quốc như việc nâng cấp quản lý Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng nước phụ cận lên thành phố cấp huyện, bổ nhiệm lãnh đạo thành phố để kiểm soát hành chính đối với hơn 200 đảo, bãi cát và đá ngầm và vùng nước 2 triệu km2 và Quân ủy Trung ương Trung Quốc quyết định triển khai lính đồn trú tới khu vực này. Phần lời tựa bản Nghị quyết của Thượng viện Mỹ khẳng định những bước đi này trái với những nguyên tắc đã được thỏa thuận liên quan đến việc giải quyết tranh chấp và cản trở biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Trường Sa, Hoàng Sa là bộ phận không tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Ảnh: Phùng Long
Quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa là bộ phận không tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Ảnh: Phùng Long

Ngày 3-8, Hạ Nghị sĩ Eni Faleomavaega, thành viên cao cấp của Tiểu ban Châu Á-Thái Bình Dương của Hạ viện Mỹ cũng đã giới thiệu Dự luật H.R.6313 nhằm thúc đẩy việc giải quyết hòa bình và hợp tác các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông cũng như các vùng biển khác ở Đông Á.
 
Hạ nghị sĩ Faleomavaega cho biết việc giới thiệu một dự luật thay vì một nghị quyết về vấn đề này cho thấy tính chất nghiêm trọng của vấn đề. Với việc Trung Quốc tiếp tục ép buộc và hăm dọa các nước láng giềng, Hạ nghị sĩ Faleomavaega nói ông lo ngại sâu sắc về những đòi hỏi chủ quyền quá mức, không có cơ sở pháp lý quốc tế của Trung Quốc.
 
Hạ nghị sĩ Faleomavaega kêu gọi, là một cường quốc toàn cầu, Trung Quốc có lợi ích chung trong việc thúc đẩy hòa bình, do vậy yêu cầu Trung Quốc không nên có những hành động đơn phương và ngay lập tức tham gia đàm phán với ASEAN về COC mang tính chất ràng buộc về mặt pháp lý.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 3-8, Quyền Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell đã ra tuyên bố thể hiện sự lo ngại về tình hình căng thẳng gia tăng tại Biển Đông, đặc biệt là việc Trung Quốc nâng cấp hành chính "thành phố Tam Sa" và thành lập đơn vị đồn trú quân sự mới.
 
Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng các hành động này của Trung Quốc đi ngược lại các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết bất đồng, đồng thời khiến nguy cơ căng thẳng tiếp tục leo thang trong khu vực.
 
Tuyên bố nói rõ rằng Mỹ không có lập trường về các tranh chấp chủ quyền đối với các đảo, cấu trúc địa chất trên Biển Đông, và cũng không có tham vọng lãnh thổ tại đây. Tuy nhiên, Mỹ cho rằng các quốc gia trong khu vực nên hợp tác, dùng biện pháp hợp tác và ngoại giao để giải quyết các tranh chấp mà không có ép buộc, không đe dọa nhau, không sử dụng vũ lực.

Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi các bên có bước đi làm giảm căng thẳng, phù hợp với tinh thần Tuyên bố ASEAN 1992 về Biển Đông và Tuyên bố năm 2002 ASEAN - Trung Quốc về ứng xử của các bên ở Biển Đông.
 
Tuyên bố nêu rõ Mỹ ủng hộ nỗ lực của ASEAN nhằm xây dựng sự đồng thuận về một cơ chế dựa trên các nguyên tắc để quản lý và ngăn ngừa tranh chấp, khuyến khích ASEAN và Trung Quốc đạt tiến bộ thực chất trong việc hoàn thành bộ Quy tắc ứng xử.
 
Mỹ cũng ủng hộ các nguyên tắc sáu điểm mà ASEAN đạt được gần đây về vấn đề Biển Đông.

Tuyên bố kêu gọi các bên làm rõ và theo đuổi các tuyên bố lãnh thổ và hàng hải theo quy định của pháp luật quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển, cho rằng các bên có tuyên bố chủ quyền cần tìm mọi con đường ngoại giao, hòa bình để giải quyết, bao gồm cả việc sử dụng trọng tài hoặc các cơ chế pháp lý quốc tế khác khi cần thiết.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, tối 2-8 Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua nghị quyết ủng hộ vai trò của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong vấn đề Biển Đông, đồng thời hối thúc các bên hữu quan sớm thông qua một bộ quy tắc mang tính ràng buộc pháp lý nhằm bảo đảm quyền tự do hàng hải tại vùng biển quan trọng này của thế giới.
 
Bản nghị quyết mang mã số S.Res 524 do hai Thượng nghị sĩ của đảng Dân chủ là John Kerry và Jimm Webb; ba Thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa là John McCain, Richard Lugar và James Inhofe và Thượng nghị sĩ độc lập Joseph Lieberman đưa ra Thượng viện ngày 23-7.
 
Nghị quyết vừa được Thượng viện Mỹ thông qua tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với bản tuyên bố DOC năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc; khẳng định ASEAN đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hòa bình, ổn định và sự phồn vinh của khu vực châu Á - Thái Bình Dương; xác định Biển Đông là một khu vực hàng hải sống còn; ủng hộ nỗ lực của ASEAN cùng Trung Quốc sớm ký kết Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) mang tính ràng buộc pháp lý.
 
Nghị quyết ủng hộ mục tiêu trong Hiến chương ASEAN theo đó nhất thể hóa ASEAN về kinh tế, chính trị và văn hóa, góp phần củng cố hòa bình, ổn định và sự thịnh vượng của khu vực.
 
Nghị quyết cho rằng Mỹ đang tăng cường hợp tác chính trị, an ninh, kinh tế ở Đông Nam Á thông qua ASEAN và đang tiếp tục tăng cường vai trò đối tác với ASEAN và các nước khác trong khu vực nhằm giải quyết các vấn đề xuyên quốc gia từ biến đổi khí hậu đến an ninh biển. Nghị quyết cho biết Chính phủ Mỹ hoan nghênh một nước Trung Quốc phát triển hòa bình và thịnh vượng tôn trọng luật lệ, luật pháp và các tổ chức quốc tế; góp phần vào hòa bình và an ninh.
 
Nghị quyết cho rằng, trong lúc chưa tìm được một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp về quyền tài phán và lãnh thổ, các nước ASEAN và Trung Quốc cùng nhau cam kết “tự kiềm chế khi tiến hành các hoạt động để tránh làm phức tạp hoặc làm leo thang các tranh chấp, trong đó có việc kiềm chế việc đưa người ra ở trên các đảo, bãi đá, đảo san hô hoặc các bãi cạn hiện chưa có người ở; đồng thời xử lý các bất đồng theo những cách thức mang tính xây dựng.

 

MỸ HOÀNG

(Tổng hợp)

.
.
.