Phiến quân Syria quyết tử thủ tại thành phố Aleppo
Một thành viên của FSA tại Azzaz, Aleppo. Ảnh: Reuters |
Trong lúc truyền hình nhà nước loan tin quân đội của Tổng thống Assad đã chiếm được nhiều khu vực chủ chốt trong thành phố chiến lược Aleppo, Đại tá Abdel Jabbar al-Oqaidi, Tư lệnh Quân đội Syria Tự do (FSA) tại Aleppo khẳng định: Aleppo sẽ là mồ chôn các xe tăng của quân đội chính phủ.
Tuyên bố trên được Jabbar al-Oqaidi đưa ra trong cuộc phỏng vấn với AFP ở một địa điểm bí mật nằm sát thành phố Aleppo.
Vị đại tá cho biết, quân của ông ta đóng khắp Aleppo và nhất quyết không rút lui bất chấp mưa bom bão đạn của quân đội chính phủ. “Không có chuyện FSA rút lui chiến lược. Chúng tôi đang chuẩn bị phản kích,” al-Oqaidi nói, nhưng không tiết lộ phiến quân hiện có bao nhiêu người tham gia giao tranh ở Aleppo.
Ông này cũng kêu gọi phương Tây áp dụng một khu vực cấm bay (giống như ở Libya) với hy vọng ngăn chặn ưu thế không quân của chính phủ Syria.
Trước tình cảnh của quân nổi dậy, thủ lĩnh của Hội đồng Dân tộc Syria (SNC) là Abdelbasset Sayda đã sốt sắng kêu gọi nước ngoài cung cấp cho phe nổi dậy vũ khí hạng nặng để có thể đương đầu với xe tăng và chiến đấu cơ của quân đội chính phủ.
SNC - liên minh đối lập chính ở Syria - hôm 29/7 cáo buộc chính phủ chuẩn bị tiến hành “thảm sát” ở thành phố Aleppo. Tổ chức này cũng kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ mở phiên họp khẩn cấp về tình hình ở Aleppo, Damascus và Homs, nhằm “bảo vệ dân thường trước các đợt oanh tạc dữ dội”.
Theo một số nguồn tin, phe nổi loạn ở Aleppo tạm đẩy lui đợt công kích thứ 1 của quân chính phủ vào hôm 28/7 và chiến sự vẫn tiếp tục tập trung quanh khu vực Salaheddin nằm về phía tây nam.
Trong chuyến thăm Tehran, Ngoại trưởng Syria Walid al-Muallem tuyên bố quân chính phủ sẽ nghiền nát lực lượng nổi dậy ở Aleppo.
Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách về các vấn đề nhân đạo, bà Valerie Amos cho biết ít nhất 200.000 người đã sơ tán khỏi thành phố Aleppo trong vòng 2 ngày qua.
Trong một diễn biến khác, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cảnh báo “cuộc tấn công dân thường ở Aleppo sẽ là chiếc đinh đóng lên quan tài của Tổng thống al-Assad”.
“Với việc sử dụng bạo lực như hiện nay, chế độ Assad sẽ đi đến chỗ sụp đổ” - ông Panetta phát biểu với các phóng viên trên chuyến bay quân sự tới Tunisia.
Trong khi đó, đặc phái viên Kofi Annan hối thúc 2 bên kiềm chế và khẳng định chỉ có giải pháp chính trị mới chấm dứt được xung đột và khủng hoảng ở Syria.
Ngày 31-7, trước cuộc khủng hoảng ngày càng leo thang ở Syria, Nga đã thay đổi sự đánh giá về mức độ tình trạng hiện nay ở Syria từ "phức tạp" sang "cấp bách."
Thông báo về sự thay đổi mức độ đánh giá nói trên, được Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev ký và đăng trên trang web của chính phủ, đã đưa Syria, cũng như nước Cộng hòa Trung Phi và Sri Lanka khỏi danh sách "các nước có tình hình phức tạp."
Syria hiện được Nga xếp vào những nước đang "trong tình trạng khẩn cấp hay có xung đột vũ trang". Sự thay đổi này có nghĩa Nga đã chính thức thừa nhận rằng Syria đã rơi vào một cuộc xung đột vũ trang.
Hãng AFP dẫn nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết ngày 30-7, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có cuộc điện đàm "nhằm chia sẻ các nỗ lực để thúc đẩy cuộc chuyển giao chính trị tại Syria".
Trong một tuyên bố, Nhà Trắng nhận định rằng tiến trình chuyển giao ở Syria "sẽ bao gồm sự ra đi của Tổng thống Bashar al-Assad và đáp ứng những yêu cầu hợp pháp của người dân Syria".
NGUYỄN HỮU
(Tổng hợp)