Thế giới tuần qua
Theo bình chọn của các nhà phân tích chính trị, Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết lên án Syria, 55 tướng và đô đốc Thổ Nhĩ Kỳ bị buộc nghỉ hưu, Mỹ lên án hành động của Trung Quốc ở Biển Đông... là những sự kiện nổi bật tuần qua.
1. Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết lên án Syria
Đại hội đồng LHQ bỏ phiếu thông qua nghị quyết lên án Syria - Ảnh: GM |
Sáng 4-8 (giờ Việt Nam), Đại hội đồng LHQ đã bỏ phiếu thông qua một nghị quyết về Syria, trong đó, lên án Chính phủ Syria do tình trạng bạo lực leo thang tại đây, đồng thời hối thúc thúc đẩy quá trình chuyển tiếp chính trị ở quốc gia Trung Đông này.
Nghị quyết của Đại hội đồng cũng chỉ trích Hội đồng Bảo an LHQ đã không nhất trí được về những biện pháp nhằm buộc Chính phủ Syria thực thi các yêu cầu của LHQ để có thể chấm dứt tình trạng bạo lực kéo dài 18 tháng qua ở nước này. Có 12 nước bỏ phiếu chống và 31 nước bỏ phiếu trắng đối với bản dự thảo nghị quyết do Saudi Arabia đề xuất.
Nga và Trung Quốc ngay lập tức đã lên tiếng phản đối nghị quyết vừa được Đại hội đồng LHQ thông qua.
Ngoài Nga và Trung Quốc cùng nhiều nước cũng đã bỏ phiếu chống lại nghị quyết này, trong đó có Iran, CHDCND Triều Tiên, Belarus, Cuba… Các nước này đều chỉ trích âm mưu can thiệp của phương Tây vào công việc nội bộ của Syria.
Trước đó, dự thảo nghị quyết do Arập Xêút đề xuất đã gây nhiều tranh cãi và phải sửa đổi nội dung nhiều lần trước khi được bỏ phiếu thông qua, như bỏ đi yêu cầu tiên quyết đòi Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải nhanh chóng từ chức.
2. Mỹ lên án hành động của Trung Quốc ở Biển Đông
Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi với Hoàng Sa, Trường Sa. Ảnh: Phùng Long |
Thượng viện Mỹ ngày 2-8 đã biểu quyết thông qua nghị quyết S. Res 524 về Biển Đông, trong đó gồm cả 3 điểm trong phần lời tựa do Thượng nghị sĩ Jim Webb đề nghị đưa vào với nội dung lên án các hành động đơn phương gần đây của Trung Quốc.
Phần lời tựa của bản Nghị quyết của Thượng viện Mỹ khẳng định một loạt các hành động gần đây của Trung Quốc như việc nâng cấp quản lý Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng nước phụ cận lên thành phố cấp huyện, bổ nhiệm lãnh đạo thành phố để kiểm soát hành chính đối với hơn 200 đảo, bãi cát, đá ngầm, vùng nước 2 triệu km2 và Quân ủy Trung ương Trung Quốc quyết định triển khai lính đồn trú tới khu vực này, trái với những nguyên tắc đã được thỏa thuận liên quan đến việc giải quyết tranh chấp và cản trở biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Ngày 3-8, Hạ Nghị sĩ Eni Faleomavaega, thành viên cao cấp của Tiểu ban Châu Á-Thái Bình Dương của Hạ viện Mỹ cũng đã giới thiệu Dự luật H.R.6313 nhằm thúc đẩy việc giải quyết hòa bình và hợp tác các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông cũng như các vùng biển khác ở Đông Á.
Hạ nghị sĩ Faleomavaega cho biết việc giới thiệu một dự luật thay vì một nghị quyết về vấn đề này cho thấy tính chất nghiêm trọng của vấn đề. Với việc Trung Quốc tiếp tục ép buộc và hăm dọa các nước láng giềng, Hạ nghị sĩ Faleomavaega nói ông lo ngại sâu sắc về những đòi hỏi chủ quyền quá mức, không có cơ sở pháp lý quốc tế của Trung Quốc.
3. Thổ Nhĩ Kỳ: 55 tướng và đô đốc bị buộc nghỉ hưu
Cuộc họp của Hội đồng quân sự tối cao tại trụ sở Bộ Tổng tham mưu Thổ Nhĩ kỳ. Ảnh: Today's Zaman |
Trong một tuyên bố trên trang web ngày 4-8, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Hội đồng quân sự tối cao của nước này đã lệnh cho nghỉ hưu 55 tướng và đô đốc của nước này.
Báo chí Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin trong số này có 37 nhân vật đang bị giam giữ với các cáo buộc liên quan đến âm mưu lật đổ chính phủ của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan.
Hội đồng quân sự tối cao (YAS) đưa ra quyết định trên trong cuộc họp thường niên bắt đầu từ ngày 1-8 vừa qua thảo luận về việc đề bạt và cách chức các sĩ quan. Quyết định này đã được Tổng thống Abdullah Gul phê chuẩn.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh hàng loạt sĩ quan quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bị điều tra những năm gần đây do bị nghi liên quan đến các âm mưu đảo chính trước đây.
Hàng trăm nhân vật bị tình nghi, bao gồm những sĩ quan cấp cao đã nghỉ hưu cũng như đang phục vụ trong quân đội, đang bị xét xử với cáo buộc liên quan âm mưu lật đổ chính phủ.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành ba cuộc đảo chính vào các năm 1960, 1971 và 1980. Năm 1997, do sức ép của quân đội, Thủ tướng khi đó là ông Necmettin Erbakan đã phải từ chức.
4. Séc bầu cử tổng thống trực tiếp đầu tiên vào 2013
Tổng thống Vaclav Klaus. Ảnh: novinky.cz |
Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Séc, ông Milan Stech ngày 1-8 cho biết nước này sẽ tổ chức cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp đầu tiên vào tháng 1-2013.
Theo Hiến pháp sửa đổi được Tổng thống Vaclav Klaus ký ban hành hồi đầu năm nay, tổng thống mới của Séc sẽ do toàn dân đi bầu trực tiếp, thay vì do hai viện bầu như trước đây.
Luật hiện hành của Séc quy định Chủ tịch thượng viện là người có quyền ấn định thời gian cụ thể tiến hành cuộc bầu cử tổng thống.
Theo ông Stech, vòng một của cuộc bầu cử tổng thống mới của Séc có thể diễn ra trong các ngày 11 và 12-1 hoặc ngày 18 và 19-1-2013, tuy nhiên, ngày giờ cụ thể ông sẽ thông báo vào đầu tháng 10 tới, sau khi bàn thảo với Bộ Nội vụ. Nếu không có ứng cử viên nào giành chiến thắng ngay tại vòng một, vòng hai sẽ được tiến hành hai tuần sau đó.
Tổng thống đương nhiệm của Séc, ông Klaus sẽ mãn nhiệm vào tháng 3-2013 tới và theo hiến pháp nước này ông không thể tiếp tục tham gia tranh cử vì đã đảm nhiệm hai nhiệm kỳ tổng thống liên tiếp (2003-2013).
5. Chính phủ Thái Lan siết chặt an ninh ở miền Nam
Bạo lực xảy ra tại Songkhla. Ảnh: Reuters |
Ngày 2-8, một quan chức cấp cao Thái Lan cho biết chính phủ nước này đã tăng cường các biện pháp an ninh và đang xem xét triển khai các sách lược quân sự mới ở khắp khu vực cực Nam Thái Lan sau khi bạo lực leo thang làm 3 người thiệt mạng và 11 người bị thương.
Các quan chức an ninh ở tỉnh miền Nam Songkhla được đặt trong tình trạng báo động cao do có các nguồn tin tình báo nói rằng quận Hat Yai ở tỉnh này có thể là một mục tiêu bị tấn công.
Theo nguồn tin, ba thủ lĩnh chính của nhóm chống đối Runda Kumplulan Kecil, bị cáo buộc liên quan đến vụ đánh bom xe tại một khách sạn ở Hat Yai đầu năm nay, đang chuẩn bị thực hiện các cuộc tấn công ở ba tỉnh cực Nam Thái Lan là Yala, Pattani và Narathiwat.
Tình hình an ninh ở vùng cực Nam Thái Lan đã trở nên căng thẳng trong vài ngày qua. Ngày 1-8, đã có 3 người thiệt mạng và 4 người bị thương trong hai vụ tấn công riêng rẽ bằng súng ở Pattani. Chỉ vài giờ trước các vụ việc đó, một vụ đánh bom xe xảy ra đằng sau một khách sạn ở khu buôn bán tại Pattani làm 7 người bị thương và gây mất điện trên diện rộng.
Theo thống kê, hơn 5.000 người đã thiệt mạng và hơn 8.400 người bị thương kể từ năm 2004 trong hơn 10.000 vụ tấn công bạo lực của những phần tử ly khai ở vùng cực Nam Thái Lan. Ước tính có khoảng 8.000-10.000 phần tử ly khai ở khu vực này.
6. Libya: HNEC thông qua kết quả cuộc bầu cử quốc hội
Cựu Thủ tướng Mahmoud Jibril. Ảnh: Reuters |
Chủ tịch Ủy ban bầu cử cấp cao Libya (HNEC), ông Nuri Alabar ngày 1-8 cho biết HNEC đã thông qua kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử quốc hội nước này diễn ra hồi tháng trước, với chiến thắng áp đảo thuộc về liên minh của cựu Thủ tướng Mahmoud Jibril.
Kết quả này không thay đổi so với kết quả kiểm phiếu được công bố hai tuần trước, theo đó Liên minh các Lực lượng Dân tộc (NFA) của cựu Thủ tướng Jibril đã vượt qua Đảng Công lý và Xây dựng (JC) của tổ chức Anh em Hồi giáo, chiếm 39 trong tổng số 80 ghế dành cho các chính đảng tại quốc hội, trong khi Đảng JC chỉ được 17 ghế.
Kết quả công bố hồi giữa tháng Bảy cho thấy 120 ghế còn lại trong tổng số 200 ghế của Quốc hội Libya thuộc về các ứng cử viên độc lập. Điều này khiến cả hai đảng dẫn đầu là NFA và JC đều phải tìm kiếm sự ủng hộ của các ứng viên độc lập và các đảng nhỏ khác nhằm thành lập một khối chính trị chiếm ưu thế trong quốc hội, nơi mọi quyết định quan trọng chỉ được thông qua nếu nhận được 2/3 số phiếu ủng hộ.
Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp Libya đã quyết định chuyển giao quyền lực cho quốc hội vào ngày 8-8, và cơ quan lập pháp này có nhiệm vụ bầu ra một chính phủ lâm thời.
HOÀNG LONG
(Tổng hợp)