Thế giới tuần qua
Theo bình chọn của các nhà phân tích chính trị, Quốc hội của Libya họp phiên chính thức đầu tiên, Malaysia thắt chặt an ninh biên giới dịp lễ Hari Raya, Triều Tiên đòi Hàn Quốc chấm dứt cấm vận... là những sự kiện nổi bật tuần qua.
1. Quốc hội của Libya họp phiên chính thức đầu tiên
Toàn cảnh phiên họp đầu tiên quốc hội Libya ở Tripoli, ngày 10-8. Ảnh: AFP |
Ngày 10-8, tân Chủ tịch Quốc hội Libya Mohamed al-Megarief đã cam kết trung lập và nỗ lực đoàn kết các tầng lớp trong nước đang bị chia rẽ sâu sắc.
Ông kêu gọi tiến hành đối thoại dân tộc mở rộng để các nhà chính trị và các thành viên của xã hội dân sự cùng tham gia.
Phát biểu tại phiên họp chính thức đầu tiên của Quốc hội Libya, ông Megarief nhấn mạnh quốc hội cần gắn bó chặt chẽ với nhân dân, đồng thời kiến nghị truyền hình trực tiếp các cuộc họp của quốc hội.
Quốc hội Libya có nhiệm vụ lựa chọn chính phủ lâm thời để điều hành đất nước cho tới khi cuộc tổng tuyển cử được tổ chức theo quy định của Hiến pháp mới.
Ông Megarief được bầu làm Chủ tịch Quốc hội Libya gồm 200 nghị sĩ vào ngày 9-8, một ngày sau khi Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp Libya (NTC) chuyển giao quyền lực cho quốc hội.
2. Malaysia thắt chặt an ninh biên giới dịp lễ Hari Raya
Nhân viên an ninh Malaysia kiểm soát tại biên giới. Ảnh: AP |
Malaysia sẽ tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát tại các cửa khẩu và các khu vực biên giới nhằm ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh bất hợp pháp và buôn lậu trong dịp lễ Hari Raya.
Các nhân viên Cục Nhập cư sẽ được triển khai thêm tại các cửa khẩu để giám sát và phát hiện những người có kế hoạch ra vào nước này bất hợp pháp trong dịp tết của người Hồi giáo.
Hiện Cục nhập cư Malaysia đã xác định được một số điểm nóng nơi thường xảy ra các vụ xuất nhập cảnh trái phép trong dịp lễ Hari Raya những năm trước. Các điểm nóng này tập trung ở cửa khẩu các bang Johor, Selangor và Malacca.
Mặc dù giai đoạn thứ hai của Chương trình Ân xá cho người nước ngoài nhập cư bất hợp pháp (Chương trình 6P) của Bộ Nội vụ Malaysia đã kết thúc nhưng Cục Nhập cư vẫn đang thực hiện chương trình ân xá cho người nước ngoài nhập cư hợp pháp nhưng ở quá thời hạn thị thực của họ.
Trong khi đó, Tư lệnh Lục quân Malaysia Tướng Zulkifli Zainal Abidin cho biết khoảng 2.000 binh sĩ sẽ được triển khai dọc tuyên biên giới Malaysia - Thailand trong suốt mùa lễ hội nhằm thắt chặt an ninh biên giới và ngăn chặn nạn buôn lậu.
3. Triều Tiên đòi Hàn Quốc chấm dứt cấm vận
Ảnh: AP |
Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, ngày 10-8, Triều Tiên đã yêu cầu Hàn Quốc chấm dứt biện pháp cấm vận và nối lại các tour du lịch đến núi Kumgang, coi đây là điều kiện tiên quyết để tiến hành đàm phán về đoàn tụ các gia đình và thân nhân bị ly tán.
Theo KCNA, Hội Chữ thập đỏ Triều Tiên khẳng định nếu Seoul nghiêm túc về việc cho phép các thành viên gia đình bị ly tán đoàn tụ, Seoul cần phải xem xét lại lập trường của mình về các vấn đề quan trọng.
Hội Chữ thập đỏ Triều Tiên nêu rõ Seoul cần phải chấm dứt biện pháp trừng phạt “24-5” (vốn được đưa ra sau vụ một tàu chiến Hàn Quốc bị chìm trên Hoàng Hải tháng 3-2010) cũng như nối lại các tour du lịch cho người Hàn Quốc đến núi Kumgang, khu nghỉ mát nằm bên bờ biển phía Đông của Triều Tiên đã bị cấm lui tới sau vụ lính Triều Tiên bắn chết một du khách Hàn Quốc hồi tháng 7-2008.
Phản ứng trước các yêu cầu trên của miền Bắc, Bộ Thống nhất Hàn Quốc nói các điều kiện tiên quyết này đồng nghĩa với việc từ chối đàm phán, được Seoul đề xuất tổ chức ở cấp chuyên viên trong tuần tới.
Mặc dù bị từ chối, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết sẽ tiếp tục làm hết sức để dàn xếp cùng Triều Tiên giải quyết vấn đề các gia đình bị ly tán một cách nhân đạo.
4. Sẽ bổ nhiệm tân Đặc phái viên hòa bình chung của Liên hợp quốc và Liên đoàn Arập (AL)
Ông Lakhdar Brahimi. Ảnh: AFP |
Theo AFP, các quan chức ngoại giao giấu tên ngày 9-8 cho biết, cựu Ngoại trưởng Algeria Lakhdar Brahimi sẽ được bổ nhiệm làm tân Đặc phái viên hòa bình chung của LHQ và Liên đoàn Arập (AL) thay cho ông Kofi Annan.
Ông Brahimi từng là Đặc phái viên của LHQ tại Afghanistan sau các cuộc tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 tại Mỹ và sau đó làm đặc phái viên ở Iraq sau cuộc tấn công chiếm đóng năm 2003 của liên quân.
Cựu Đặc phái viên LHQ - AL Annan tuần trước đã thông báo từ chức vì lý do thiếu sự ủng hộ của quốc tế đối với nỗ lực của ông nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 17 tháng qua ở Syria.
Ông Lakhdar Brahimi, 78 tuổi từng đảm nhiệm cương vị Ngoại trưởng Algeria trong khoảng thời gian từ năm 1991 - 1993. Ông Brahimi cũng được xem là nhân vật đã có đóng góp quan trọng vào việc kết thúc cuộc nội chiến tại Lebanon vào cuối những năm 1980 trong vai trò là Đặc phái viên của Liên đoàn Arab.
Ông Brahimi sẽ tiếp tục công việc đang dang dở mà người tiền nhiệm Annan để lại là tìm ra một giải pháp khả thi nhất nhằm đem lại hòa bình cho Syria - đất nước đang chìm trong một cuộc nội chiến kéo dài suốt 17 tháng qua khiến gần 20.000 người thiệt mạng (theo số liệu thống kê của LHQ).
5. Mỹ xác nhận triển khai hệ thống NMD tại vùng Vịnh
Tàu chiến Mỹ có trang bị hệ thống NMD. Ảnh: Reuters |
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell tuyên bố nước này sẽ tiếp tục tạo lập Hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) và củng cố quan hệ đối tác với các đồng minh trong khu vực vùng Vịnh Persian.
Trước đó, tờ Thời báo New York đưa tin Mỹ cùng nhiều nước Arập đã tăng cường nỗ lực nhằm xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa trong khu vực này.
Tại đó sẽ bố trí các trạm radar phát hiện sớm của Mỹ, các tên lửa đánh chặn, cũng như trung tâm chỉ huy và thông tin thống nhất. Hệ thống này cũng sẽ bao gồm các căn cứ Mỹ với tàu hải quân có trang bị tổ hợp tên lửa phòng không Aegis.
Theo nhận xét của tờ thời báo, bất chấp những nỗ lực đáng kể để đưa vào vận hành hệ thống phòng thủ tên lửa ở vùng Vịnh, trong vấn đề này, Mỹ đang vấp phải hàng loạt khó khăn về chính trị cũng như kỹ thuật.
6. Nga đã nâng cấp loại tên lửa Kachiusha huyền thoại
Hệ thống tên lửa phóng hàng loạt Tornado-G của Nga. Ảnh: Internet |
Ngày 9-8, Thứ trưởng thứ nhất bộ Quốc phòng Nga Alexander Sukhorukov cho biết hồi cuối tháng 5 vừa qua, quân đội Nga đã phóng thử thành công loại tên lửa phóng hàng loạt Tornado-G được cải tiến và nâng cấp từ tên lửa Kachiusha huyền thoại trước đây.
Ông Sukhorukov đánh giá tên lửa Tornado-G, do Splav - hãng chế tạo vũ khí của Nga từng thiết kế các dàn tên lửa nổi tiếng như Grad, Uragan và Smerch chế tạo, hiện là một trong những hệ thống tên lửa phóng hàng loạt hiện đại và hiệu quả nhất thế giới.
Tornado-G có 30 ống phóng với cỡ nòng 122 mm. Tầm bắn của Tornado-G là 100 km và chỉ cần một loạt bắn, dàn tên lửa này có thể hủy diệt hoặc gây sát thương trong phạm vi 840 km2 trong vòng 38 giây.
Theo dự kiến, đến năm 2020, Tornado-G sẽ thay thế toàn bộ các dàn tên lửa Grad, Smerch và Uragan đang trực chiến ở Nga.
7. Tổng thống Mexico ký lệnh cải cách Luật chính trị
Tổng thống Mexico Felipe Calderón. Ảnh: Getty Images |
Ngày 8-8, Tổng thống Mexico Felipe Calderón đã ký sắc lệnh ban hành cải cách Luật chính trị, đánh dấu một bước tiến mới trong quá trình hoàn thiện nền dân chủ tại quốc gia Bắc Trung Mỹ này.
Theo phóng viên TTXVN tại Mexico, những điểm mới trong văn bản Luật kể trên gồm công dân Mexico không thuộc đảng phái chính trị nào có thể ứng cử vào các vị trí lãnh đạo chính quyền các cấp, Tổng thống đắc cử có thể nhậm chức tại Hạ viện hay trước Chủ tịch Tòa tối cao liên bang trong những trường hợp không thể tiến hành tại Quốc hội như từ trước đến nay vẫn làm. Đây là điểm mà các đảng cánh tả kịch liệt phản đối qua các lần thảo luận.
Văn bản Luật này cũng có những điểm mới khác như Mexico sẽ tổ chức trưng cầu ý dân về những vấn đề trọng đại của đất nước và Thượng viện sẽ là cấp thông qua danh sách đại diện các cơ quan Nhà nước.
Theo Tổng thống Calderón , vấn đề nghị sĩ và thị trưởng các thành phố có thể làm hai nhiệm kỳ liên tiếp, tổ chức vòng hai bầu cử tổng thống, số lượng hạ nghị sĩ và thượng nghị sĩ vẫn là những điểm còn "treo" mà Quốc hội Mexico chưa nhất trí thông qua và bổ sung thành luật trong dịp này.
8. Châu Mỹ diễn tập quân sự bảo vệ kênh đào Panama
Kênh đào Panama. Ảnh: Internet |
Khoảng 600 binh sĩ thuộc 16 quốc gia Châu Mỹ đã tham gia cuộc diễn tập quân sự hàng năm mang tên Panamax-2012, bắt đầu từ sáng 6-8 và kéo đài đến ngày 14-8 với mục đích bảo vệ khu vực kênh đào Panama trước một cuộc tấn công khủng bố.
Theo Phó Tư lệnh Bộ chỉ huy phương Nam của Mỹ, Robert Apin, cuộc diễn tập có sự tham gia của ba quân chủng đến từ 16 nước trong vùng nhằm tìm ra những phương án tác chiến tốt nhất trước một cuộc tấn công khủng bố sau khi Chính phủ Panama đề nghị lực lượng đa quốc gia giúp đỡ với yêu cầu đảm bảo luồng giao thông hàng hải qua kênh đào, ổn định an ninh và tôn trọng chủ quyền của quốc gia Trung Mỹ này.
Panama, quốc gia hiện không có quân đội, được chọn là nơi tiến hành cuộc diễn tập Panamax từ năm 2003 với sự phối hợp và hỗ trợ của quân đội Mỹ.
PHÙNG LONG
(Tổng hợp)