Tình hình chiến sự ở Syria ngày càng leo thang
Tình hình chiến sự ở Syria ngày càng leo thang trong khi phương Tây vẫn chưa đạt được một thống nhất về giải pháp hòa bình cho quốc gia này.
Trong lúc này, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon thông báo ông Kofi Annan đã quyết định rút khỏi cương vị đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn Arập (AL), nhiệm vụ mà vị cựu Tổng Thư ký LHQ này nắm giữ từ ngày 23-2 nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Syria.
Theo AFP, lực lượng nổi dậy ở Syria ngày 2-8 đã tấn công căn cứ không quân Menagh, nơi đang được các trực thăng vũ trang và các máy bay chiến đấu khác sử dụng để tấn công thành phố Aleppo, miền Bắc nước này.
Sân bay quân sự Menagh, cách thủ đô thương mại Alepo của Syria khoảng 30km về phía Tây Bắc, sáng 2-8, đã bị một chiếc xe tăng mà lực lượng nổi dậy thu giữ được trước đó, tấn công.
Một phóng viên AFP, người tận mắt chứng kiến vụ oanh tạc trên, cho biết lực lượng nổi dậy đã nói với ông rằng đây là "một vụ tấn công nhằm giành quyền kiểm soát sân bay, đang được các trực thăng và máy bay chiến đấu sử dụng để oanh tạc Aleppo."
Ngày 1-8, hãng thông tấn chính thức SANA dẫn lời phát biểu của Tổng thống Bashar al-Assad nhân kỷ niệm 67 năm ngày thành lập quân đội Syria, tuyên bố lực lượng này đang tham gia một "cuộc chiến quyết định và quả cảm."
Tổng thống Assad cho biết, chính quyền nước này đang bị nội công ngoại kích một cách nghiêm trọng khi lực lượng phiến loạn, được phương Tây hậu thuẫn, đang phát động một cuộc chiến tiêu hao đối với các thành trì của chính phủ ở thủ đô Damascus và tỉnh Aleppo – trung tâm kinh tế của nước này
Người dân ở tỉnh Aleppo phải hứng chịu cảnh nhà cửa đổ nát sau trận giao tranh. Ảnh: Reuters |
Ông Assad tuyên bố cuộc chiến của quân đội Syria với các lực lượng đối lập sẽ quyết định vận mệnh của đất nước, đồng thời ca ngợi các binh sỹ đang chiến đấu chống lại cái mà ông gọi là "các băng nhóm khủng bố".
Trong một động thái khác, theo Reuters, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 1-8 cho biết nước này đã cấp khoản viện trợ 25 triệu USD cho lực lượng nổi dậy tại Syria, mặc dù vẫn hạn chế ở các mặt hàng tiếp tế phi sát thương như các thiết bị liên lạc.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell cho biết chính quyền của Tổng thống Barack Obama ban đầu dành 15 triệu USD để trợ giúp phe đối lập Syria, tuy nhiên sau đó đã bổ sung thêm 10 triệu USD.
Theo ông Ventrell, Mỹ đã sử dụng hàng triệu USD trong con số 25 triệu USD này và sẽ tiếp tục khi nhận được các yêu cầu. Bộ trên cũng cho biết Mỹ đã dành 64 triệu USD để viện trợ nhân đạo cho người dân Syria, bao gồm khoản đóng góp cho Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế (ICRC) và các cơ quan cứu trợ khác.
Còn theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Syria, trong ngày 1-8, tổng cộng 163 người đã thiệt mạng vì bạo lực trên khắp đất nước, trong đó có 98 dân thường, 20 tay súng nổi dậy và hơn 45 quân chính phủ.
Ngày 2-8, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon thông báo ông Kofi Annan đã quyết định rút khỏi cương vị đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn Arập (AL), nhiệm vụ mà vị cựu Tổng Thư ký LHQ này nắm giữ từ ngày 23-2 nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Syria. Tổng Thư ký Ban Ki-moon cho biết ông "rất lấy làm tiếc" trước quyết định từ chức của ông Annan, người nói rằng sẽ không kéo dài nhiệm vụ khi sứ mệnh này kết thúc vào ngày 31-8 tới. |
Trong một diễn biến khác, Tổ chức Lương Nông LHQ(FAO) ngày 2-8 cho biết hiện có 3 triệu người Syria cần lương thực, cây giống và gia súc.
Theo FAO, trong số trên có khoảng 1,5 triệu người "cần viện trợ lương thực khẩn cấp trong ba đến sáu tháng tới, đặc biệt tại các khu vực xung đột ác liệt nhất và dân chúng phải di tản đông nhất."
Cùng ngày, AFP cho hay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã tới Jordan để thảo luận với Quốc vương nước chủ nhà Abdullah II về cuộc xung đột tại nước láng giềng Syria cũng như tình trạng người Syria chạy nạn sang Jordan. Jordan hiện là địa điểm tị nạn của 145.000 người Syria.
Trả lời báo giới trước khi tới Amman, chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du khu vực gồm cả Tunisia, Ai Cập và Israel, ông Panetta nói: "Hai nước chúng tôi chia sẻ quan ngại về diễn biến tại Syria và ảnh hưởng của nó đối với sự ổn định của khu vực."
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Deutsche Welle (Làn sóng Đức) ngày 1-8, tiến sĩ Huda Zein thuộc Trung tâm Trung Cận Đông của Đại học Marburg cảnh báo cuộc chiến Syria đang ngày càng có nguy cơ biến thành một cuộc chiến tranh giáo phái.
N.HỮU
(Theo AFP, Reuters)