Căng thẳng tranh chấp đảo Trung - Nhật ảnh hưởng quan hệ kinh tế
Ngày 19-9, Trung Quốc đã nhanh chóng áp dụng nhiều biện pháp nhằm kiểm soát các cuộc biểu tình chống Nhật Bản lan rộng trong những ngày qua. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc vẫn chưa mở cửa trở lại.
Cảnh sát đã thiết lập các rào chắn bảo vệ tại lối vào của Đại sứ quán Nhật Bản tại Bắc Kinh. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cam kết nước này đảm bảo sự an toàn cho các tổ chức và cá nhân nước ngoài tại Trung Quốc.
Nhật Bản ngay sau đó đã hoan nghênh động thái của Trung Quốc nhằm kiểm soát các cuộc biểu tình, đồng thời tiếp tục kêu gọi Bắc Kinh bảo vệ người dân Nhật Bản sinh sống tại Trung Quốc.
Quần đảo mà Trung Quốc và Nhật Bản đang tranh chấp. Ảnh: AP |
Trong khi đó, tại Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda ngày 19-9 đã kêu gọi người dân kiềm chế các hoạt động chống Trung Quốc tại Nhật Bản, sau khi nghi ngờ người biểu tình cố gắng đốt phá một trường học Trung Quốc tại thành phố Kobe, phía Tây Nhật Bản.
Thủ tướng Nhật Bản Noda cũng cho rằng, việc Nhật Bản tiến hành quốc hữu hóa một số hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku (theo cách gọi của Nhật Bản) và Điếu Ngư (theo cách gọi của Trung Quốc), về cơ bản không ảnh hưởng tới mối quan hệ song phương.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, mối quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất châu Á đã xấu đi kể từ hôm 11-9 vừa qua, khi Nhật Bản cho biết đã mua lại các đảo tranh chấp từ một chủ sở hữu tư nhân, bất chấp những cảnh báo từ phía Trung Quốc. Đáp lại động thái này, Trung Quốc đã cử 2 tàu tuần tra tới vùng đảo tranh chấp.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 18-9, lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản vừa phát đi thông báo khẩn cho biết 11 chiếc tàu của Trung Quốc đã đi vào vùng biển quanh quần đảo Senkaku mà phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, làm gia tăng căng thẳng giữa hai quốc gia này.
Tàu Hải giám Trung Quốc và tàu phòng vệ bờ biển Nhật "kèm" nhau tại quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: Reuters |
"Vào lúc 4 giờ 30 phút chiều (tức 14 giờ 30 phút giờ Việt Nam ngày 18-9), 10 chiếc tàu Hải giám đã đi vào vùng biển ngoài khơi Uotsurijima"- người phát ngôn của lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản cho hay, đồng thời cho biết thêm một chiếc tàu cá cỡ lớn cũng đã đi vào vùng biển này trong ngày 18/9.
Trước đó, ngày 17-9, Đài Phát thanh Quốc gia Trung Quốc (CNR) đưa tin khoảng 1.000 tàu cá Trung Quốc dự kiến sẽ tới các vùng biển tranh chấp gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Đây có thể là biện pháp trả đũa tiếp theo của Trung Quốc trước quyết định của Tokyo quốc hữu hóa ba trong số năm đảo thuộc quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông này.
Hành động này có thể làm gia tăng căng thẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, tiếp theo sau hàng loạt vụ biểu tình nhuốm màu bạo lực trên nhiều thành phố Trung Quốc nhằm vào các lợi ích của Nhật Bản.
Trong diễn biến khác liên quan, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi phát biểu tại buổi họp báo chiều 17-9 cho biết Cục Ngư nghiệp nước này sẽ quản lý và cung cấp các dịch vụ cho hoạt động đánh bắt cá tại các vùng biển gần quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.
Trước tình hình căng thẳng trong mối quan hệ giữa Nhât Bản - Trung Quốc, ngày 19-9, Nhà Trắng bày tỏ hy vọng Nhật Bản và Trung Quốc giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước thông qua "các biện pháp hòa bình".
Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho biết: "Chúng tôi tin rằng các mối quan hệ hữu hảo giữa Trung Quốc với Nhật Bản có lợi cho tất cả các nước trong khu vực".
Ông Carney tuyên bố rằng Mỹ không đưa ra lập trường về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, song mong muốn hai quốc gia châu Á này giải quyết vấn đề trên thông qua biện pháp ngoại giao.
HOÀNG LONG
(Tổng hợp)