Nhật Bản trong việc tranh chấp chủ quyền biển đảo
Chính phủ Nhật Bản tiếp tục gia tăng việc khẳng định chủ quyền đối các quần đảo tranh chấp với chính phủ Trung Quốc (Nhật gọi Senkaku/ TQ gọi Điếu Ngư) và đảo Takeshima (Hàn Quốc gọi là Dokdo) với Hàn Quốc. Ngoài ra, Nhật Bản còn vướng vào vụ tranh chấp biển đảo với Nga tại quần đảo Kuril.
Việc chính phủ Nhật Bản đã chính thức ra quyết định mua lại 3 hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku (Trung gọi là Điếu Ngư) nhằm quốc hữu hóa quần đảo đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc.
Quần đảo không có người ở mà Nhật Bản gọi là Senkaku, Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, nằm ở gần lộ trình vận chuyển quan trọng và những bãi cá dồi dào, được cho là có trữ lượng dầu khí khá lớn. Quần đảo này nằm dưới sự kiểm soát của Nhật Bản, nhưng Trung Quốc cũng đưa ra tuyên bố chủ quyền.
Các nhà khảo sát Nhật ở Senkaku/Điếu Ngư ngày 2-9. Ảnh: AFP |
Theo quyết định được chính phủ Nhật Bản đưa ra vào chiều ngày 10-9, việc quốc hữu hóa quần đảo Senkaku nhằm duy trì và quản lý quần đảo một cách hòa bình và ổn định. Lực lượng tuần duyên Nhật Bản sẽ là cơ quan quản lý và bảo vệ quần đảo.
Ngày 11-9, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua quyết định trích từ quỹ ngân sách dự phòng cho năm tài chính 2012 số tiền cần thiết để mua lại 3 hòn đảo. Giá trị của vụ mua bán này là 2,5 tỷ yên (tương đương 26 triệu USD).
Sau khi thông tin này được giới truyền thông Nhật bản loan tin, chính phủ Trung Quốc, quốc gia cũng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku đã ngay lập tức lên tiếng phản đối mạnh mẽ quyết định quốc hữu hóa quần đảo của Chính phủ Nhật Bản.
Chiều ngày 10-9, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì lập tức đã triệu tập Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc Niwa đến Bộ ngoại giao nước này đã phản đối.
Trong cuộc họp báo cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi khẳng định, các hành động đơn phương của Nhật Bản là phi pháp và vô hiệu. Trung Quốc đang xem xét các biện pháp đáp trả nếu kế hoạch quốc hữu hóa được xúc tiến.
Người phát ngôn Hồng Lỗi tuyên bố: “Chúng tôi đang theo dõi sự biến động của tình hình với sự chú ý sâu sắc. Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền quốc gia”.
Trong khi đó, Nhật Bản đang phát đi những tín hiệu cho thấy, nước này không mong muốn kế hoạch quốc hữu hóa quần đảo Senkaku sẽ khiến quan hệ Nhật - Trung thêm xấu đi.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Fujimura trong cuộc họp báo vào ngày 11-9 đã nhắc đi nhắc lại mục đích của kế hoạch quốc hữu hóa là nhằm duy trì và quản lý quần đảo một cách hòa bình và ổn định.
Ông Fujimura tái khẳng định, quan điểm của Chính phủ Nhật Bản về việc giữ nguyên hiện trạng quần đảo. Ông Fujimura cho biết, Chính phủ chưa hề tính đến kế hoạch xây dựng các công trình trên quần đảo. Đây được coi là động thái của Nhật Bản nhằm xoa dịu phản ứng của Trung Quốc.
Trong một động thái khác, chính phủ Nhật Bản tiếp tục gia tăng các biện pháp để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Takeshima (Hàn Quốc gọi là Dokdo) với Hàn Quốc - quốc gia cũng khẳng định chủ quyền đối với quần đảo này.
Theo giới truyền thông của Nhật Bản, từ 11-9, chính phủ Nhật Bản sẽ cho quảng bá về chủ quyền đối với đảo Takeshima (tiếng Hàn gọi là Dokdo) trên 70 tờ báo của Nhật Bản bao gồm cả báo phát hành trên toàn quốc và báo địa phương đăng quảng bá về chủ quyền đối với hòn đảo này trong vòng 1 tuần lễ.
Được biết, Nhật Bản đã đưa vào ngân sách năm tới mục chi phí quảng bá quốc tế chủ quyền đảo Takeshima với khoản dự chi lên tới 600 triệu yên (tương đương 7,5 triệu USD). Số tiền này được sử dụng cho công tác tuyên truyền nhằm lôi kéo sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong bối cảnh Nhật Bản đang chuẩn bị đơn phương đưa vụ tranh chấp đảo Takeshima ra Tòa án công lý quốc tế.
Trong khi đó, Hàn Quốc cũng tăng thêm ngân sách cho công tác này.
Quảng bá của Nhật có nội dung phản bác lại lập luận của phía Hàn Quốc khi cho rằng các bằng chứng mà phía Hàn Quốc đưa ra nhằm chứng minh chủ quyền đều không rõ ràng. Quảng bá khẳng định đảo Takeshima là lãnh thổ cố hữu của Nhật Bản xét cả về lịch sử lẫn luật pháp quốc tế.
Khu vực đảo tranh chấp Nhật-Hàn. Ảnh: AP |
Trước động thái trên, chính phủ Hàn Quốc ngay lập tức đã lên tiếng chỉ trích động thái này của Nhật Bản. Trong cuộc họp báo ngày 11-9, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao và Thương mại Hàn Quốc Cho Tai-young cho rằng, các động thái gần đây của Nhật Bản bao gồm cả việc chuẩn bị đơn phương đưa vấn đề đảo Dokdo ra Tòa án Công lý quốc tế là một bước thụt lùi về lịch sử.
Ông Cho cũng cho biết, việc Hàn Quốc tăng hơn 80% ngân sách liên quan đến đảo Dokdo nhằm làm cho cộng đồng quốc tế hiểu rõ lập trường của nước này. Ngân sách liên quan đến việc tăng cường chủ quyền đảo Dokdo của Hàn Quốc đã tăng từ 2 triệu USD trong năm nay lên 3,7 triệu USD vào năm tới. Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ gửi 350.000 cuốn sách khẳng định chủ quyền đảo Dokdo đến các cơ quan đại diện của mình ở nước ngoài nhằm phân phát cho người dân và các tổ chức nước sở tại.
Theo giới phân tích, việc tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo nêu trên đã làm quan hệ giữa chính phủ Nhật Bản-Trung Quốc và Hàn Quốc tiếp tục căng thẳng và tình hình diễn tiến tiếp theo sẽ tùy thuộc vào phản ứng tiếp theo của chính phủ Trung Quốc và Hàn Quốc.
PHÙNG LONG