Thứ Sáu, 14/09/2012, 10:12 (GMT+7)
.

Những hậu quả chấn động thế giới từ một đoạn phim

Bộ phim gây tranh cãi có nội dung xúc phạm Nhà tiên tri Mohamad do một người Mỹ gốc Ai Cập thực hiện ở Mỹ đã gây nên những hậu quả chấn động thế giới và đang làm bùng phát làn sóng phản đối trong thế giới Hồi giáo.

Một phiên bản tiếng A-rập của bộ phim tiếng Anh có tiêu đề "Phiên tòa xét xử Mohamed" mô tả Hồi giáo như một "căn bệnh ung thư" và quay cảnh nói về mối quan hệ của Đấng tiên tri Mohamed với phụ nữ.
 
Bộ phim này đã được nhóm Thiên Chúa giáo Coptic của Ai Cập dịch ra và vài đoạn đã được chiếu trên truyền hình Ai Cập.

Sau khi đoạn phim của bộ phim gây tranh cãi có nội dung xúc phạm Nhà tiên tri Mohamad được chiếu, làn sóng biểu tình chống Mỹ đã lan rộng trong cộng đồng các quốc gia Hồi giáo.

Những người biểu tình chống đối ở Basra. Ảnh: AP
Những người biểu tình chống đối ở Basra. Ảnh: AP

Hệ quả nghiêm trọng của nó là vụ tấn công nhằm vào lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Benghazi khiến Đại sứ Mỹ tại Libya Christopher Stevens và 3 nhân viên ngoại giao khác thiệt mạng vào ngày 11-9.

Đại sứ Mỹ ở Libya, Chris Stevens, 52 tuổi và là một người ủng hộ nhiệt tình cuộc cách mạng lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, cùng ba người Mỹ khác đã bị sát hại khi một đám đông giận dữ tấn công họ trong lúc những người này tìm cách thoát khỏi chiếc xe của mình.

Tại Cairo, ngày 11-9, những người biểu tình chống Mỹ đã đụng độ với lực lượng an ninh bên ngoài đại sứ quán nước này ở Ai Cập. Cuộc đụng độ làm hơn 70 người bị thương và hơn 200 người bị bắt giữ. Trong ngày biểu tình thứ hai, những người biểu tình yêu cầu một lời xin lỗi từ Chính phủ Mỹ.

Những cuộc biểu tình tương tự như vậy cũng đã nổ ra trong ngày 12-9 bên ngoài các phái bộ Mỹ ở Morocco, Sudan và Tunisia. Tại Tunis thủ đô Tunisia, cảnh sát đã sử dụng hơi cay với một đám đông khoảng vài trăm người giận dữ, phản đối nội dung bộ phim nói trên.

Ngày 13-9, tại Yemen, một đám đông biểu tình tức giận đã xông vào Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Sanaa bất chấp các nỗ lực ngăn chặn của lực lượng cảnh sát chống bạo động.
 
AFP đưa tin, người biểu tình đã đốt một số xe ôtô mang biển ngoại giao, trong khi các lực lượng an ninh phải sử dụng vòi rồng và bắn cảnh cáo để cố đẩy đám đông ra khỏi tòa nhà.
 
Cảnh sát Yemen trước đó cũng đã nổ súng cảnh cáo nhằm giải tán hàng nghìn người biểu tình khi họ tiến sát cổng chính của Đại sứ quán Mỹ.
 
Tổng thống Barack Obama đã ra lệnh tăng cường an ninh cho các phái bộ ngoại giao Mỹ trên toàn thế giới, giữa những lo ngại các cuộc biểu tình chống Mỹ diễn ra sau một bộ phim phỉ báng nhà tiên tri Hồi giáo Mohammed.

Trước đó, ông Obama đã chỉ thị tăng cường an ninh tại các trụ sở ngoại giao của Mỹ trên khắp thế giới, cũng như sẽ làm việc với Chính phủ Libya để bảo đảm an toàn cho các nhà ngoại giao Mỹ.

Trong ngày 13-9, Mỹ cũng đã cử Hạm đội Chống khủng bố (FAST) gồm 50 binh sĩ thủy quân lục chiến tới Libya để tăng cường an ninh sau vụ tấn công lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi.

Cộng đồng quốc tế đã cực lực lên án vụ sát hại Đại sứ Mỹ ở Libya khiến Đại sứ Mỹ tại Libya cùng ba nhà ngoại giao khác bị thiệt mạng. Thông cáo báo chí phát đi từ trụ sở LHQ ở New York ngày 12-9, Mỹ cho biết 15 nước ủy viên Hội đồng Bảo an LHQ bày tỏ sự cảm thông và gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân của vụ tấn công tàn bạo trên.
 
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton, Anh, Pháp, Canađa John Baird, Nga, Trung Quốc, Việt Nam, Cuba cùng ngày 12-9 đã ra tuyên bố lên án mạnh mẽ vụ tấn công.

PHÙNG LONG
(Theo AFP, THX, TTX)
 

.
.
.