Thế giới tuần qua
Những sự kiện nổi bật của thế giới tuần qua gồm: Tổng thống Syria hội đàm với Đặc phái viên Brahimi; Bế mạc Hội nghị APEC 2012; Nhật Bản gia tăng việc khẳng định chủ quyền đối với các quần đảo tranh chấp...
* Tổng thống Syria hội đàm với Đặc phái viên Brahimi
Tổng thống al-Assad hội đàm với Đặc phái viên LHQ Lakhdar Brahimi. Ảnh: AFP |
Ngày 15-9, tại thủ đô Damascus, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã hội đàm với ông Lakhdar Brahimi, Đặc phái viên chung của Liên hợp quốc và Liên đoàn Arập (AL) về Syria, đang ở thăm nước này.
Phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm, ông Brahimi cho rằng Tổng thống Syria al-Assad nhận thức được quy mô cũng như tính nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng tại nước này.
Đặc phái viên Brahimi cũng nhắc lại cảnh báo rằng "cuộc khủng hoảng tại Syria rất nguy hiểm và ngày càng trầm trọng hơn, và đó là mối đe dọa đối với người dân nước này, đối với khu vực và toàn thế giới."
Trong cuộc hội đàm với Tổng thống al-Assad, ông Brahimi đã cam kết sẽ mang hết khả năng để giúp người dân Syria vượt qua thử thách.
Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Syria Walid Muallem ngày 14-9, ông Brahimi nhấn mạnh Syria đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, và tình hình đang ngày càng xấu đi, khi máu tiếp tục đổ, các vụ bạo lực, xung đột vẫn diễn ra hàng ngày tại nhiều thành phố.
Tuy nhiên, ông vẫn hy vọng và khẳng định sẽ cố gắng hết sức để sứ mệnh khôi phục hòa bình tại Syria đạt được thành công.
Về phần mình, Ngoại trưởng Muallem khẳng định Chính phủ Syria sẽ hoàn toàn hợp tác, đồng thời nhấn mạnh bất kỳ sáng kiến hòa giải nào cũng phải dựa trên "lợi ích của nhân dân Syria và quyền tự do lựa chọn không có sự can thiệp từ bên ngoài."
* Bế mạc Hội nghị APEC 2012
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh: Ria |
Ngay sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) kết thúc tại thành phố Vladivostok của Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc họp báo đánh giá về kết quả Tuần lễ Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2012.
Theo Tổng thống Putin, Hội nghị Thượng đỉnh APEC lần này đã đạt được những mục tiêu đề ra. Đặc biệt, ông Putin nhấn mạnh, việc mở rộng hợp tác với những nước láng giềng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương là ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Nga và năm Chủ tịch APEC 2012.
Hội nghị APEC 2012 bế mạc chiều 9-9, với việc thông qua Tuyên bố chung “Liên kết để tăng trưởng, sáng tạo để thịnh vượng” cùng 5 văn kiện kèm theo về tăng trưởng sáng tạo, an ninh năng lượng, tự do hóa thương mại hàng hóa môi trường, hợp tác giáo dục, chống tham nhũng và minh bạch hóa.
Các nhà lãnh đạo APEC nhất trí tiếp tục củng cố an ninh lương thực, thúc đẩy phát triển ứng nghiệm tại các nước châu Á - Thái Bình Dương, cũng như khẳng định sẵn sàng tiếp nối cuộc chiến chống tham nhũng.
Hội nghị đánh giá cao việc chuẩn bị tích cực của Indonesia cho việc đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh APEC năm 2013 và hoan nghênh Trung Quốc, Philippines, Peru chính thức khẳng định đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh APEC từ năm 2014 đến năm 2016.
Cuộc gặp tiếp theo của lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC năm 2013 sẽ được tổ chức trên đảo Bali của Indonesia.
* Nhật Bản gia tăng việc khẳng định chủ quyền đối với các quần đảo tranh chấp
Các nhà khảo sát Nhật ở Senkaku/Điếu Ngư ngày 2-9. Ảnh: AFP |
Việc chính phủ Nhật Bản đã chính thức ra quyết định mua lại 3 hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) nhằm quốc hữu hóa quần đảo đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc. Ngoài ra, Nhật Bản còn vướng vào vụ tranh chấp biển đảo với Nga tại quần đảo Kuril.
Quần đảo không có người ở mà Nhật Bản gọi là Senkaku, Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, nằm ở gần lộ trình vận chuyển quan trọng và những bãi cá dồi dào, được cho là có trữ lượng dầu khí khá lớn. Quần đảo này nằm dưới sự kiểm soát của Nhật Bản, nhưng Trung Quốc cũng đưa ra tuyên bố chủ quyền.
Ngày 11-9, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua quyết định trích từ quỹ ngân sách dự phòng cho năm tài chính 2012 số tiền cần thiết để mua lại 3 hòn đảo. Giá trị của vụ mua bán này là 2,5 tỷ yên (tương đương 26 triệu USD).
Sau khi thông tin này được giới truyền thông Nhật Bản loan tin, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì lập tức đã triệu tập Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc Niwa đến Bộ ngoại giao nước này để phản đối.
Trong cuộc họp báo cùng ngày, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi khẳng định, các hành động đơn phương của Nhật Bản là phi pháp và vô hiệu. Trung Quốc đang xem xét các biện pháp đáp trả nếu kế hoạch quốc hữu hóa được xúc tiến.
Trong một động thái khác, chính phủ Nhật Bản tiếp tục gia tăng các biện pháp để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Takeshima (Hàn Quốc gọi là Dokdo) với Hàn Quốc - quốc gia cũng khẳng định chủ quyền đối với quần đảo này. Nhật Bản đã đưa vào ngân sách năm tới mục chi phí quảng bá quốc tế chủ quyền đảo Takeshima với khoản dự chi lên tới 600 triệu yên (tương đương 7,5 triệu USD).
Trong khi đó, Hàn Quốc cũng tăng thêm ngân sách cho công tác này. Trước động thái trên, chính phủ Hàn Quốc ngay lập tức đã lên tiếng chỉ trích động thái này của Nhật Bản. Trong cuộc họp báo ngày 11-9, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao và Thương mại Hàn Quốc Cho Tai-young cho rằng, các động thái gần đây của Nhật Bản bao gồm cả việc chuẩn bị đơn phương đưa vấn đề đảo Dokdo ra Tòa án Công lý quốc tế là một bước thụt lùi về lịch sử.
* Bùng phát làn sóng phản đối Mỹ trong thế giới Hồi giáo sau bộ phim xúc phạm Nhà tiên tri Mohamad
Những người biểu tình chống đối ở Basra. Ảnh: AP |
Bộ phim gây tranh cãi có nội dung xúc phạm Nhà tiên tri Mohamad do một người Mỹ gốc Ai Cập thực hiện ở Mỹ đã gây nên những hậu quả chấn động thế giới và đang làm bùng phát làn sóng phản đối trong thế giới Hồi giáo.
Hệ quả nghiêm trọng của nó là vụ tấn công nhằm vào lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Benghazi khiến Đại sứ Mỹ tại Libya Christopher Stevens và 3 nhân viên ngoại giao khác thiệt mạng vào ngày 11-9.
Đại sứ Mỹ ở Libya, Chris Stevens, 52 tuổi và là một người ủng hộ nhiệt tình cuộc cách mạng lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, cùng ba người Mỹ khác đã bị sát hại khi một đám đông giận dữ tấn công họ trong lúc những người này tìm cách thoát khỏi chiếc xe của mình.
Tại Cairo, ngày 11-9, những người biểu tình chống Mỹ đã đụng độ với lực lượng an ninh bên ngoài đại sứ quán nước này ở Ai Cập. Cuộc đụng độ làm hơn 70 người bị thương và hơn 200 người bị bắt giữ. Trong ngày biểu tình thứ hai, những người biểu tình yêu cầu một lời xin lỗi từ Chính phủ Mỹ.
Những cuộc biểu tình tương tự như vậy cũng đã nổ ra trong ngày 12-9 bên ngoài các phái bộ Mỹ ở Morocco, Sudan và Tunisia. Tại Tunis thủ đô Tunisia, cảnh sát đã sử dụng hơi cay với một đám đông khoảng vài trăm người giận dữ, phản đối nội dung bộ phim nói trên.
Ngày 13-9, tại Yemen, một đám đông biểu tình tức giận đã xông vào Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Sanaa bất chấp các nỗ lực ngăn chặn của lực lượng cảnh sát chống bạo động.
Tổng thống Barack Obama đã ra lệnh tăng cường an ninh cho các phái bộ ngoại giao Mỹ trên toàn thế giới, giữa những lo ngại các cuộc biểu tình chống Mỹ diễn ra sau một bộ phim phỉ báng nhà tiên tri Hồi giáo Mohammed.
Trước đó, ông Obama đã chỉ thị tăng cường an ninh tại các trụ sở ngoại giao của Mỹ trên khắp thế giới, cũng như sẽ làm việc với Chính phủ Libya để bảo đảm an toàn cho các nhà ngoại giao Mỹ.
Trong ngày 13-9, Mỹ cũng đã cử Hạm đội Chống khủng bố (FAST) gồm 50 binh sĩ thủy quân lục chiến tới Libya để tăng cường an ninh sau vụ tấn công lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi.
Cộng đồng quốc tế đã cực lực lên án vụ sát hại Đại sứ Mỹ ở Libya khiến Đại sứ Mỹ tại Libya cùng ba nhà ngoại giao khác bị thiệt mạng. Thông cáo báo chí phát đi từ trụ sở LHQ ở New York ngày 12-9, Mỹ cho biết 15 nước ủy viên Hội đồng Bảo an LHQ bày tỏ sự cảm thông và gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân của vụ tấn công tàn bạo trên.
* ASEM SOM tại Lào chuẩn bị Hội nghị cấp cao ASEM 9
Các đại biểu dự cuộc họp. Ảnh: Vietnam+ |
Cuộc họp đã trao đổi ý kiến về công tác chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEM 9 do Lào đăng cai tổ chức vào tháng 11 tới, với các nội dung quan trọng như Dự thảo Tuyên bố Vientiane về thắt chặt quan hệ đối tác hợp tác vì hòa bình và phát triển; Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEM 9; Chương trình nghị sự của hội nghị và phương hướng hợp tác của ASEM trong tương lai.
Phía Lào cũng thông báo về tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho hội nghị và mời đại biểu thăm một số công trình quan trọng phục vụ hội nghị như Trung tâm Hội nghị quốc gia - nơi tổ chức Hội nghị cấp cao ASEM 9; dự án nâng cấp sân bay quốc tế Wattay; dự án nâng cấp và xây dựng 17 tuyến đường ở thủ đô Vientiane.
Các dự án đến nay đã hoàn thành trên 90% và Lào khẳng định bảo đảm tiến độ để phục vụ hội nghị.
Đến nay đã có 35 nước và tổ chức quốc tế nhận lời mời tham dự Hội nghị cấp cao ASEM 9, trong đó có 10 nguyên thủ quốc gia, 19 Thủ tướng và các Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Ủy ban châu Âu.
Hội nghị cấp cao ASEM được tổ chức luân phiên, hai năm một lần ở châu Á và châu Âu; là một diễn đàn hợp tác nhằm tăng cường đối thoại giữa hai khu vực, đồng thời xây dựng mối quan hệ Á - Âu ngày càng tốt hơn và thúc đẩy ASEM ngày càng phát triển.
HOÀNG LONG
(Tổng hợp)