Chủ Nhật, 23/09/2012, 07:44 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua

Những sự kiện nổi bật của thế giới tuần qua gồm: Làn sóng biểu tình chống Nhật tại Trung Quốc hạ nhiệt; Lào sẵn sàng cho Hội nghị Đối tác Nghị viện Á - Âu; Quan hệ Nga - Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng vì USAID ...

* Làn sóng biểu tình chống Nhật tại Trung Quốc hạ nhiệt

AFP RelaxNews
Người biểu tình vẫy cờ Trung Quốc trước Đại sứ quán Nhật ở Bắc Kinh. Ảnh: AFP

Theo Đài truyền hình NHK của Nhật Bản, làn sóng biểu tình chống Nhật tại Trung Quốc đã dần “hạ nhiệt”, khi ngày 22-9, tại các địa phương của Trung Quốc không diễn ra các cuộc biểu tình quy mô lớn, ngoại trừ một số cuộc biểu tình tại 2 thành phố.

Các cuộc biểu tình phản đối việc Nhật Bản quốc hữu hóa một số hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã kéo hài hơn 1 tuần qua tại nhiều thành phố của Trung Quốc.

Lực lượng cảnh sát có vũ trang của Trung Quốc tiếp tục tăng cường bảo đảm an ninh tại Đại sứ quán Nhật Bản ở thủ đô Bắc Kinh nhằm ngăn chặn một làn sóng biểu tình mới. Các hàng rào chắn an ninh được dựng lên xung quanh Tổng lãnh sự quán Nhật Bản ở thành phố Thượng Hải từ tuần trước vẫn được duy trì.
 
Căng thẳng giữa hai nước liên quan vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước.

* Lào sẵn sàng cho Hội nghị Đối tác Nghị viện Á - Âu

Lễ ra mắt logo và website của ASEP 7. Ảnh: Vietnam+
Lễ ra mắt logo và website của ASEP 7. Ảnh: Vietnam+

Hội nghị Đối tác Nghị viện Á - Âu lần thứ 7 (ASEP 7) dự kiến sẽ được tổ chức tại thủ đô Vientiane của Lào, trong hai ngày 3 và 4-10 tới.
 
Với tư cách là nước chủ nhà, Quốc hội Lào đã và đang tích cực chuẩn bị mọi điều kiện để ASEP 7 thành công tốt đẹp.
 
Trang web và logo của ASEP đã được chính thức khai trương từ ngày 26-6 vừa qua. Trên trang web này, người xem có thể tìm hiểu mọi thông tin cơ bản về quá trình và hoạt động của ASEP cũng như tìm hiểu về đất nước Lào. That Luang - biểu tượng của thủ đô Vientiane - được chọn làm logo cho ASEP 7.
 
Dự kiến sẽ có từ 250-300 đại biểu tham dự hội nghị lần này. Với chủ đề “ Đối tác Nghị viện Á - Âu vì sự phát triển bền vững,” ASEP 7 sẽ thảo luận một số vấn đề từ chính trị đến kinh tế, xã hội, môi trường như an ninh lương thực, quản lý tài nguyên thiên nhiên, du lịch, quản lý thiên tai, phát triển nguồn nhân lực, di chuyển lao động…
 
Lào cũng đã chuẩn bị nguồn lưu trữ máu tại các bệnh viện, Trung tâm truyền máu quốc gia và các đội cứu thương, phòng ngừa tai nạn đã được tập huấn kỹ lưỡng. Các đại lộ tại thủ đô Vientiane cũng được trang hoàng nhiều khẩu hiệu, đèn màu và cờ các nước để đón chào khách quốc tế. Mọi công việc chuẩn bị cho hội nghị ASEP 7 đã sẵn sàng.

3. Biểu tình phản đối phim xúc phạm đạo Hồi lan rộng

Người dân Palestine biểu tình phản đối bộ phim báng bổ đạo Hồi. Ảnh: AFP
Người dân Palestine biểu tình phản đối bộ phim báng bổ đạo Hồi. Ảnh: AFP

Ngày 21-9, làn sóng biểu tình phản đối bộ phim có nội dung xúc phạm đạo Hồi và Nhà tiên tri Mohammed tiếp tục lan rộng khắp thế giới Hồi giáo.
 
Tại Pakistan, mặc dù chính phủ đã tuyên bố ngày 21-9 là ngày nghỉ lễ đột xuất để mọi người "thể hiện sự sùng kính với Nhà tiên tri Mohammed", đồng thời kêu gọi biểu tình hòa bình, song bạo lực vẫn xảy ra nghiêm trọng khi đám đông ném gạch đá, đốt phá các tòa nhà, rạp chiếu phim, nhà hàng, khách sạn, trong khi cảnh sát nổ súng và dùng hơi cay.

Ít nhất 17 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong các vụ xô xát giữa người biểu tình với cảnh sát, trong đó số người thiệt mạng ở thành phố Karachi là 12 và Peshawa là 5. Số người bị thương ở Karachi, Peshawa và thủ đô Islamabad lên tới 229 người.

Các nhân chứng ước tính, hơn 45.000 người đã tham gia các biểu tình trên khắp Pakistan, chủ yếu là thành viên các đảng tôn giáo cánh hữu và những người ủng hộ các nhóm khủng bố đã bị cấm đoán.
 
Tại nhiều quốc gia Trung Đông và châu Á, hàng chục nghìn người Hồi giáo xuống đường biểu tình sau buỗi lễ cầu nguyện ngày thứ Sáu. Đã hơn một tuần lễ trôi qua kể từ khi làn sóng biểu tình bùng phát phản đối bộ phim xúc phạm đạo Hồi và sau đó là những biếm họa về "Nhà tiên tri" trên một tờ báo Pháp, sự căng thẳng vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu.

Trong bối cảnh đó, các phái bộ ngoại giao phương Tây ở các nước Hồi giáo đều tạm thời bị đóng cửa. Pháp đã đóng cửa các đại sứ quán, lãnh sự quán, trung tâm văn hóa, trường học,... ở 20 quốc gia Hồi giáo do lo ngại sự giận dữ của người biểu tình sẽ chuyển từ các mục tiêu Mỹ sang Pháp.
 
4. Quan hệ Nga - Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng vì USAID

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov. Ảnh: Reuters
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov. Ảnh: Reuters

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov bày tỏ hy vọng quyết định chấm dứt các hoạt động của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tại Nga sẽ không làm phương hại tới quan hệ Nga - Mỹ.
 
Ông Sergei Ryabkov phát biểu tại Washington khi tham dự Hội nghị thường niên Đối tác Thái Bình Dương Nga - Mỹ diễn ra trong hai ngày 19 và 20-9.
 
Ông Sergei Ryabkov cho rằng quyết định của Mátxcơva sẽ không ảnh hưởng tới triển vọng của mối quan hệ bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau giữa hai nước trong lĩnh vực kinh tế cũng như các lĩnh vực khác.
 
Nga khẳng định quyết định chấm dứt mọi hoạt động của USAID, bắt đầu từ ngày 1-10 tới, được đưa ra là do những hoạt động của cơ quan này ảnh hưởng tới các tiến trình chính trị, các thiết chế xã hội dân sự và cuộc bầu cử các cấp của Nga thông qua việc phân bố các khoản tiền lớn.
 
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 19-9 tuyên bố sẽ thực hiện quyết định của Mátxcơva, song cho biết lấy làm tiếc về sự việc trên. Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết USAID đã chi khoảng 2,7 tỷ USD tại Nga và ngân sách của cơ quan này cho Nga trong năm tài khóa 2012 vào khoảng 50 triệu USD, do đó việc Nga trục xuất cơ quan này là một hành động "đáng tiếc."
 
5. Đã xác định được thủ phạm giết Đại sứ Mỹ ở Libya?

Người dân Libya cấp cứu một người đàn ông bất tỉnh được cho là đại sứ Mỹ tại Libya Chris Stevens trong khuôn viên lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi sớm ngày 12-9. Ảnh: AFP
Người dân Libya cấp cứu một người đàn ông bất tỉnh được cho là đại sứ Mỹ tại Libya Chris Stevens trong khuôn viên lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi sáng ngày 12-9. Ảnh: AFP

Ngày 20-9, Nhà Trắng xác nhận vụ tấn công đẫm máu hồi tuần trước nhằm vào Lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Benghazi của Libya là "vụ tấn công khủng bố".

Trong khi đó, mạng tin “Afrique-Asie” dẫn nguồn tin tình báo Mỹ cho biết đã có thể xác định được kẻ đã giết hại đại sứ Mỹ Chris Steven trong vụ tấn công này.
 
Phát biểu với các phóng viên trên chuyên cơ Air Force One, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney khẳng định: "Hiển nhiên điều xảy ra ở Benghazi là một vụ tấn công khủng bố. Lãnh sự quán của chúng tôi bị tấn công dữ dội khiến bốn quan chức Mỹ thiệt mạng".

Cũng trong ngày 20-9, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thông báo mở cuộc điều tra độc lập về an ninh tại Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi sau khi xảy ra vụ tấn công nhằm vào phái bộ ngoại giao này.
 
Vụ tấn công vào lãnh sự Mỹ tại Benghazi hôm 11-9 đã khiến Đại sứ nước này tại Libya là ông Chris Stevens thiệt mạng. Ngoài ra còn có một nhân viên ngoại giao Mỹ cùng hai cựu biệt kích SEAL cũng tử vong trong vụ tấn công này.
 
Cộng đồng quốc tế đã lên án mạnh mẽ vụ tấn công, trong khi Mỹ đã tăng cường an ninh cho cơ quan ngoại giao của mình tại nhiều nước sau vụ việc.
 
Trong khi đó, dẫn nguồn tin tình báo Mỹ, mạng tin “Afrique-Asie” cho biết SufyanBen Qumu, cựu tù nhân Guantanamo bị đưa về giam giữ tại Libya trong năm 2007 và được tự do nhờ cuộc nổi dậy tại nước này, là cha đẻ của vụ tấn công chết người nhằm vào Lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi.

PHÙNG LONG

(Tổng hợp)

.
.
.