Thế giới tuần qua
Thế giới tuần qua nổi bật với các sự kiện: Một số nước lên án bộ phim phỉ báng đạo Hồi; LHQ gia hạn điều tra vi phạm nhân quyền tại Syria; Nhật Bản thành lập thêm một chính Đảng mới...
* Philippines cảnh giác trước các mối đe dọa về an ninh
Cảnh sát Philippines canh gác trước Ðại sứ quán Mỹ ở Manila. Ảnh: AFP |
Ngày 29-9, Chính phủ Philippines tuyên bố đảm bảo an ninh cho những công dân nước ngoài, đặc biệt là người Mỹ tại khu vực Metro Manila, nơi đông dân nhất tại Philippines. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Đại sứ quán Mỹ tại Philippines kêu gọi các công dân Mỹ đang sinh sống tại đây cần phải tăng cường cảnh giác trước các mối đe dọa về an ninh.
Phó phát ngôn của Tổng thống Philippines, ông Abigail Valte cho biết, chính phủ nước này đang tiến hành các biện pháp nhằm thắt chặt an ninh tại khu vực Metro Manila, đặc biệt là tại các trụ sở của Mỹ nằm trong khu vực này, đảm bảo an ninh và hòa bình trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối bộ phim phỉ báng Hồi giáo lan rộng tại quốc gia này.
Kể từ hồi đầu tuần này, hàng trăm người dân Philippines theo đạo Hồi đã tiến hành các cuộc biểu tình trước cổng Đại sứ quán Mỹ, yêu cầu cấm chiếu một bộ phim có nội dung báng bổ Nhà tiên tri Mohammed. Những người biểu tình cũng cho hay, họ sẽ ký và gửi đơn thỉnh cầu tới Tòa án Tối cao Philippines để đề nghị chính quyền các địa phương cấm đăng tải bộ phim lên mạng.
* Pakistan tiếp tục biểu tình phản đối bộ phim xúc phạm đạo Hồi
Ngày 29-9, hàng nghìn người dân ở thành phố cảng Karachi ở miền Nam Pakistan đã đổ xuống đường biểu tình để phản đối bộ phim sản xuất tại Mỹ có nội dung xúc phạm đạo Hồi.
Cảnh sát và các nhân chứng cho biết, hàng nghìn người dân, trong đó có các nhà hoạt động thuộc tổ chức "Sunni Tehreek" theo đường lối cứng rắn, đã tuần hành qua tuyến phố chính M.A. Jinnah và hô vang những khẩu hiệu đòi xét xử nhà sản xuất bộ phim.
Theo sĩ quan cảnh sát cấp cao Shafiq Ahmad, ít nhất 15.000 người đã tham gia biểu tình. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất ở thành phố Karachi để phản đối bộ phim nêu trên. Để tránh nguy cơ bùng phát bạo loạn, chính quyền thành phố Karachi đã triển khai cảnh sát và các lực lượng bán quân sự dày đặc trên các đường phố.
Trước đó cùng ngày, hàng trăm luật sư ở thủ đô Islamabad cũng tuần hành đến tòa nhà Quốc hội và Đại sứ quán Mỹ để chuyển cho các nhân viên sứ quán kiến nghị yêu cầu Chính phủ Mỹ cấm phát hành bộ phim.
Hội đồng Difa-e-Pakistan, tập hợp các chính đảng tôn giáo, cho biết sẽ tổ chức một cuộc tuần hành lớn vào ngày 1-10 với sự tham gia của khoảng 100.000 người để lên án việc chính quyền Mỹ từ chối cấm phát hành bộ phim.
* Nhật Bản có chính đảng mới
“Hội Duy Tân Osaka” do Thị trưởng thành phố Osaka Toru Hashimoto đứng đầu ngày 28/9 đã trình đơn lên Bộ trưởng Tư pháp xin thành lập đảng “Hội Duy Tân Nhật Bản” và đã được chấp thuận.
Ông Hashimoto (dưới cùng bên trái) và các thành viên Đảng Hội Duy Tân Nhật Bản tại một buổi gây quỹ cho Đảng. Ảnh: Reuters |
Ông Hashimoto là Chủ tịch đảng và Tỉnh trưởng tỉnh Osaka Ichiro Matsui làm Tổng Thư ký.
Trụ sở đảng này được đặt tại Osaka và đây là chính đảng có hai lãnh đạo cao nhất vẫn kiêm nhiệm các chức lãnh đạo chính quyền địa phương, một chuyện hiếm thấy trên chính trường Nhật Bản.
Đảng “Hội Duy Tân Nhật Bản” có 7 nghị sĩ quốc hội, tức là đã thỏa mãn điều kiện cần thiết tối thiểu để thành lập chính đảng là có 5 nghị sĩ.
Tính đến ngày 28-9, đảng này đã tập hợp được khoảng 400 người sẵn sàng ra ứng cử trong cuộc bầu cử Hạ viện lần tới.
Dự tính số người muốn ra ứng cử với tấm vé của “Hội Duy Tân Nhật Bản” sẽ vượt 500 người.
Ủy ban tuyển chọn của đảng này sẽ lựa chọn trong số họ để tiến cử người ra tranh cử. Giới phân tích đánh giá “Hội Duy Tân Nhật Bản” có thể sẽ trở thành một lực lượng mới đầy tiềm năng trên vũ đài chính trị Nhật Bản.
* Algeria lên án bộ phim phỉ báng đạo Hồi
Bộ phim đã gây nên làn sóng giận dữ ở nhiều nơi. Ảnh: AFP |
Ngày 29-9, Ngoại trưởng Algeria đã lên án bộ phim phỉ báng đạo Hồi gây ra các cuộc biểu tình, tấn công nhằm vào nhân viên ngoại giao Mỹ và phương Tây tại nhiều nước trên thế giới.
Phát biểu tại phiên họp của Đại hội đồng LHQ, Ngoại trưởng Algeria nhấn mạnh: “Bộ phim phỉ báng đạo Hồi và nhà tiên tri Mahomet của chúng tôi đáng bị cộng đồng quốc tế lên án. Đồng thời, Algeria cũng lên án các vụ tấn công nhằm vào các nhân viên và cơ sở ngoại giao, bởi các nhân viên ngoại giao chính là những người giúp thúc đẩy các mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc”.
Trước đó, khối Hồi giáo tại Quốc hội Algeria chỉ trích bộ phim đã làm gia tăng khoảng cách giữa các tôn giáo và các nền văn minh. Các nhà lập pháp nước này cũng yêu cầu chính phủ Mỹ xử phạt đối với người sản xuất bộ phim này.
Trong khi đó, bất chấp những động thái xoa dịu của chính quyền Mỹ, làn sóng biểu tình phản đối bộ phim này vẫn tiếp tục lan rộng tại nhiều nước. Nhiều nhà lãnh đạo phương Tây và các nhà chính trị đạo Hồi đã lên tiếng kêu gọi sự kiềm chế, khoan dung, đồng thời lên án hành động bạo lực
* LHQ gia hạn điều tra vi phạm nhân quyền tại Syria
Trong cuộc họp được tiến hành tại Geneva, Thụy Sĩ, Hội đồng Nhân quyền LHQ gồm 47 thành viên đã thông qua nghị quyết do các quốc gia Arab đề xuất, theo đó nhất trí gia hạn thêm 6 tháng cuộc điều tra của Ủy ban tìm hiểu sự thật tại Syria.
Hội đồng Nhân quyền LHQ thông qua Nghị quyết gia hạn cuộc điều tra của Ủy ban tìm hiểu sự thật tại Syria. Ảnh: Yahoo |
Bà Eileen Chamberlain Donahoe - Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền LHQ nhấn mạnh công việc của ủy ban điều tra độc lập này là cực kỳ quan trọng. Họ tiếp tục lấy tư liệu về thông tin của những cá nhân chịu trách nhiệm cho các tội ác và vi phạm nhân quyền ở Syria để những đối tượng này phải chịu trách nhiệm trước luật pháp.
Tuy nhiên, một lần nữa Đại sứ Syria tại Hội đồng Nhân quyền LHQ, ông Faysal Khabbaz Hamoui đã bác bỏ nghị quyết này và nhấn mạnh rằng nghị quyết không phản ảnh đúng thực tế tình hình tại Syria.
Ông nêu rõ: “Dự thảo nghị quyết này không phản ảnh đúng thực tế tại đất nước chúng tôi. Nó dựa trên những cáo buộc mà rất nhiều trong số đó chỉ là sự tưởng tượng, cũng như những cáo buộc về vụ thảm sát tại Houla mà chính phủ Syria cũng đã kịch liệt lên án. Hơn nữa, ủy ban điều tra chưa từng đến Syria…”.
Liên quan đến tình hình Syria, theo đánh giá mới nhất của Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) công bố ngày 28-9, do tình hình chiến sự diễn ra ngày càng ác liệt, hiện nay, trung bình mỗi ngày có tới 3.000 người Syria chạy tị nạn ra nước ngoài, chủ yếu đến các nước láng giềng như Jordan, Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq.
H.LONG
(Tổng hợp)