Vấn đề tranh chấp chủ quyền Senkaku/Điếu Ngư tại Liên hợp quốc
Ngày 27-9, Liên hợp quốc (LHQ) đã cho công bố bản đồ hải giới quần đảo mà phía Trung Quốc đã trình lên LHQ cũng như văn bản phản đối bản đồ này của phía Nhật Bản.
Việc công bố diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng xung quanh vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Senkaku theo cách gọi của Nhật Bản và Điếu Ngư theo cách gọi của Trung Quốc.
Giới phân tích nhận định, vấn đề chủ quyền Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật Bản - Trung Quốc có chiều hướng phát triển thành các cuộc tranh luận về mặt luật pháp quốc tế.
Tàu hải giám của Trung Quốc hoạt động gần Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: THX |
Ngày 13-9, Trung Quốc đã đệ trình lên LHQ bản sao bản đồ hải giới, trong đó chính phủ Trung Quốc đặt tên và tuyên bố chủ quyền đối với 17 điểm cơ sở quanh quần đảo tranh chấp.
Sau đó, ngày 25-9, Chính phủ Nhật Bản đã trình LHQ văn bản phản đối bản đồ này.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố sẽ sớm đệ đơn lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa LHQ xin mở rộng thềm lục địa của nước này ở biển Hoa Đông.
Cộng đồng quốc tế đã tập trung sự chú ý vào các bài phát biểu của đại diện Trung Quốc và Hàn Quốc đã diễn ra vào đêm 26-9 và 27-9.
Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda phát biểu tại Đại hội đồng LHQ. Ảnh: Reuters |
Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng LHQ đêm 26-9, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Theo các nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản, nội dung bài phát biểu này được quyết định vào phút chót với việc thêm lời lẽ mạnh hơn so với chuẩn bị lúc đầu.
Phát biểu tại Đại hội đồng LHQ, Thủ tướng Noda nhấn mạnh lập trường của Nhật Bản giải quyết một cách hòa bình tranh chấp lãnh thổ dựa trên luật pháp quốc tế.
Thủ tướng Noda nói: “Những mưu toan nhằm thực hiện lập trường của mình bằng cách sử dụng sức mạnh và đe dọa đều không phù hợp với tinh thần cơ bản của Hiến chương LHQ, đi ngược lại với trí tuệ con người, do đó không thể chấp nhận được”.
Mặc dù không nêu đích danh nhưng những lời chỉ trích trên của Thủ tướng Noda được cho là nhắm đến Trung Quốc và Hàn Quốc, các quốc gia đang có tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản. Tuy nhiên, phát biểu tại cuộc họp báo bên lề Đại hội đồng LHQ, Thủ tướng Noda không ngần ngại chỉ trích Trung Quốc; đồng thời khẳng định lập trường không lùi bước của nước này trong vấn đề quần đảo Senkaku theo cách gọi của Nhật Bản và Điếu Ngư theo cách gọi của Trung Quốc.
Thủ tướng Noda nói: “Không tồn tại vấn đề tranh chấp chủ quyền ở đây. Không thể có chuyện Nhật Bản thỏa hiệp, lùi bước trong lập trường này. Tôi đã nói rõ ràng với Trung Quốc rằng, cho dù đưa ra bất kỳ lý do gì đối với các hành động phá hoại nhằm vào doanh nghiệp Nhật Bản, các hành động bạo lực là không thể chấp nhận được”.
Thủ tướng Noda cũng kêu gọi Trung Quốc và Hàn Quốc ứng xử một cách bình tĩnh và hợp lý, đồng thời tăng cường trao đổi để giải quyết căng thẳng hiện nay.
Ở động thái liên quan, ngày 27-9, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân tuyên bố Trung Quốc phản đối mọi hành động dẫn tới leo thang căng thẳng trong khu vực.
Tuyên bố trên là để trả lời câu hỏi liên quan đến cuộc tập trận chung của Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản và lính thủy đánh bộ Mỹ ở đảo Guam, phía Tây Thái Bình Dương, nhằm củng cố năng lực bảo vệ các hòn đảo xa trước sự tấn công của bên ngoài.
Ông Dương nhấn mạnh: "Chúng tôi đã nhiều lần tuyên bố rõ lập trường của chúng tôi trước việc một số nước thường xuyên tiến hành đủ hình thức tập trận ở khu vực này. Chúng tôi cương quyết phản đối mọi hành động khơi gợi vấn đề an ninh quân sự và làm leo thang căng thẳng trong khu vực."
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng cho biết thời gian gần đây, lực lượng vũ trang nước này cũng tiến hành một số cuộc tập trận nhằm nâng cao khả năng giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh cục bộ ở thời đại công nghệ thông tin.
Cũng tại buổi họp báo, ông Dương Vũ Quân xác nhận tin truyền thông nói rằng các tàu hải quân Trung Quốc đang hoạt động ở vùng biển ngoài khơi quần đảo tranh chấp mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư còn Tokyo gọi là Senkaku trên Biển Hoa Đông.
Ông nhấn mạnh sự hiện diện của Trung Quốc ở vùng biển nhạy cảm về quân sự nói trên là "hoàn toàn hợp lý và hợp pháp".
Ngày 19-9, báo chí đưa tin hai khinh hạm của hải quân Trung Quốc bị phát hiện ở vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku (Điếu Ngư), một ngày sau khi một đoàn tàu tuần tra của chính phủ Trung Quốc hoạt động tại khu vực này để "khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh đối với quần đảo không người ở này".
HOÀNG LONG
(Tổng hợp)