Bản đồ Trung Quốc mô tả Senkaku là lãnh thổ Nhật
Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba. Ảnh: Japan Times |
Tờ Japan Times ngày 11-10 dẫn lời Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba đã bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku (Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư) do Nhật Bản kiểm soát trên biển Hoa Đông, bằng cách ghi nhận một tấm bản đồ của Trung Quốc xuất bản năm 1960 đã mô tả quần đảo này thuộc lãnh thổ Nhật Bản.
Theo Japan Times, phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Gemba khẳng định lập trường của Nhật Bản rằng Trung Quốc đã bắt đầu đòi chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Senkaku vào thập niên 1970. Điều này cho thấy Bắc Kinh trước đó đã không coi quần đảo này là một phần lãnh thổ của họ.
Để chứng minh rõ hơn, ông Gemba đã trích dẫn một bức thư đánh giá của viên lãnh sự Cộng hòa Trung Hoa lúc bấy giờ tại Nagasaki vào năm 1920 gửi cho một người Nhật Bản, theo đó mô tả quần đảo này là "quần đảo Senkaku thuộc quận Yaeyama, tỉnh Okinawa."
Theo thông tin trên trang web của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, bản đồ thế giới của Trung Quốc cho thấy quần đảo tranh chấp này là một phần của Nhật Bản.
Trung Quốc luôn tuyên bố rằng quần đảo Điếu Ngư là một phần của lãnh thổ nước này kể từ thời cổ xưa và rằng Nhật Bản đã "đánh cắp" quần đảo trên từ Trung Quốc vào năm 1895, thời điểm kết thúc cuộc chiến tranh Trung-Nhật.
Bản đồ về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Ảnh: Japan Times |
Trong một động thái liên quan, hãng tin Kyodo đưa tin về buổi trả lời phỏng vấn kênh thời sự "Bloomberg News" ngày 10-10, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda nhận định rằng quan hệ kinh tế nguội lạnh giữa Nhật Bản và Trung Quốc xuất phát từ những căng thẳng về quần đảo tranh chấp, sẽ gây phương hại cho cả hai nước.
Bình luận trên của ông Noda được đưa ra trong bối cảnh ngày càng nhiều người lo ngại rằng mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc xấu đi sẽ tác động xấu đến nền kinh tế hai nước cũng như đến hoạt động thương mại giữa hai nước này với thế giới.
Theo Thủ tướng Noda, để tránh những ảnh hưởng bất lợi trên, hai nước có nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới này cần tổ chức các cuộc tham vấn.
Ông cũng khẳng định Chính phủ Nhật Bản sẽ có hành động quyết liệt nếu đồng yen bị ảnh hưởng và vượt mức kiểm soát.
Trung Quốc đã quyết định không cử các quan chức tài chính hàng đầu tới dự Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản.
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngày 10-10 đã kêu gọi Nhật Bản trở lại đàm phán với Trung Quốc về vấn đề quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku.
Trong khi đó, Hãng tin Kyodo cho biết Nhật Bản đang xem xét các cách thức nhằm giảm bớt căng thẳng giữa hai nước; đồng thời tiếp tục khẳng định quan điểm của Tokyo là không có tranh chấp chính thức về lãnh thổ đối với quần đảo này.
HOÀNG LONG
(Theo Kyodo, TTX)