Liên hợp quốc đã thông qua nâng cấp quy chế cho Palestine
![]() |
Tổng thống Palestin Mahmoud Abbas. Ảnh: AP |
Ngày 30-11, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết nâng cấp quy chế cho Palestine từ thực thể quan sát viên lên nhà nước quan sát viên.
Tổng số có 138 quốc gia bỏ phiếu thuận, 41 quốc gia bỏ phiếu trắng, 9 quốc gia bỏ phiếu chống. Trong số chín nước bỏ phiếu chống có Mỹ, Israel và Canada.
Trước đó, ngày 26-11, Palestin đã công bố một dự thảo nghị quyết đề nghị Đại hội đồng LHQ chấp thuận Palestin là một nhà nước quan sát viên tại LHQ, thành lập một Nhà nước Palestin với các đường biên giới năm 1967 và thủ đô là Đông Jerusalem.
Dự thảo này đồng thời kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ "cân nhắc một cách thiện ý" yêu cầu trở thành thành viên đầy đủ mà Palestin đưa ra một năm trước, nhấn mạnh sự cấp thiết nối lại các cuộc hòa đàm bị đình trệ từ tháng 9-2010 sau khi Israel từ chối đề nghị của Palestin gia hạn lệnh tạm ngừng mở rộng các khu định cư Do Thái trên các vùng lãnh thổ chiếm đóng.
Ngay sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, đại diện nhiều nước tại Đại hội đồng LHQ đã tới bắt tay chúc mừng Tổng thống Palestin Mahmoud Abbas.
Phát biểu trước cuộc bỏ phiếu, ông Abbas đã kêu gọi Đại hội đồng LHQ “cấp một giấy khai sinh thực sự cho Nhà nước Palestin”.
Tại Palestin, trong đó có Bờ Tây và Dải Gaza, hàng nghìn người dân đã đổ ra đường ăn mừng sự kiện lịch sử này. Còn tại thành phố Bethlehem, người dân đã bắn pháo hoa và rung chuông nhà thờ để chào mừng chiến thắng.
Nhiều quốc gia cũng đồng loạt lên tiếng hoan nghênh kết quả bỏ phiếu. Phát biểu trước Đại hội đồng LHQ, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho rằng việc nâng cấp quy chế cho Palestin tại LHQ sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình đàm phán hòa bình giữa Palestin và Israel.
Sáng 30-11, phong trào Hồi giáo Hamas đã hoan nghênh quyết định trên, thậm chí cho rằng "Palestine xứng đáng nhiều hơn thế."
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp "vô điều kiện và càng sớm càng tốt" giữa Israel và Palestine.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu thì cho biết quyết định của LHQ là một "cú hích" cho tiến trình hòa bình giữa hai bên.
Trong khi đó, bất chấp sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế, Mỹ và Israel vẫn lên tiếng chỉ trích kết quả bỏ phiếu tại Đại hội đồng LHQ.
Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Susan Rice cho rằng nghị quyết của LHQ là “không thích hợp và phản tác dụng, ngăn cản con đường đi tới hòa bình”.
HOÀNG LONG
(Tổng hợp)