Thứ Hai, 05/11/2012, 07:24 (GMT+7)
.

Philippines cứng rắn về vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông

Tổng thống Philippines Benigno Aquino. Ảnh: thetimes.co.uk
Tổng thống Philippines Benigno Aquino. Ảnh: thetimes.co.uk

Theo AFP, ngày 4-11, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho biết ông sẽ nêu vấn đề tuyên bố chủ quyền quốc gia đối với vùng chồng lấn ở Biển Đông tại Hội nghị cấp cao Á - Âu (ASEM) diễn ra trong hai ngày tại Lào, khai mạc vào 5-11.
 
Theo Tổng thống Aquino, ông dự kiến sẽ có các cuộc gặp song phương với các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU), Ba Lan, Thụy Sĩ, Na Uy và Italy tại hội nghị tới.
 
Ông chỉ rõ Philippines sẽ tìm kiếm "đề xuất về các phương cách nhằm đạt được một thỏa thuận công bằng và hòa bình về Biển Tây Philippines (Biển Đông)."
 
Trước đó, vào ngày 2-10, Chính phủ Philippines đã kêu gọi Liên hợp quốc thúc đẩy phương pháp tiến cận dựa trên luật pháp trong việc giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp hàng hải hiện nay giữa Trung Quốc và các nước láng giềng ở Biển Đông.
 
Trong bài phát biểu tại phiên họp thứ 67 của Đại hội đồng LHQ, Ngoại trưởng Del Rosario đã nói rằng, việc tất cả các nước thành viên của LHQ ủng hộ và thúc đẩy giải quyết hòa bình các cuộc tranh chấp thông qua luật pháp và Công ước LHQ về Luật Biển là điều vô cùng cần thiết.

Bãi cạn Scarborough - nơi khiến căng thăng leo thang giữa Philippines và Trung Quốc. Ảnh: AFP
Bãi cạn Scarborough - nơi khiến căng thăng leo thang giữa Philippines và Trung Quốc. Ảnh: AFP

“Tất cả các quốc gia cần phải tôn trọng nghĩa vụ của mình trong việc giải quyết các tranh chấp hàng hải bằng những biện pháp hòa bình mà không sử dụng vũ lực hay những lời đe dọa đồng thời phải tuân theo Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS)”, ông Del Rosario nói.
 
Theo Ngoại trưởng Philippines, “một phương pháp tiếp cận dựa trên UNCLOS có thể giúp giải quyết hòa bình các tranh chấp biển đảo ở châu Á hiện nay”.
 
Mặc dù không đề cập trực tiếp đến các cuộc tranh chấp đang diễn ra giữa Philippines với Trung Quốc ở Biển Đông nhưng ông Del Rosario cho biết, Manila đang đối mặt với “thách thức nghiêm trọng nhất về an ninh hàng hải, sự toàn vẹn lãnh thổ cũng như sự bảo vệ hiệu quả đối với môi trường hàng hải”.

Vào ngày 5-9, công văn số 29 về đổi tên vùng biển tranh chấp giữa Philippines với Trung Quốc, đã chính thức có hiệu lực. Tổng thống Philippines Benigno Aquino tuyên bố: "Theo quyền hạn của mình được quy định trong Hiến pháp và pháp luật, tôi tuyên bố từ nay trở đi các vùng biển ở phía tây bán đảo Philippines sẽ được đặt tên là biển Tây Philippines",

Ông Aquino cũng kêu gọi cơ quan lập bản đồ của quốc gia (NAMRIA) sử dụng tên gọi mới để đánh dấu các vùng biển phía tây bán đảo nước này, bao gồm bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc gọi là Hoàng Nham.
 
Trong một cuộc phỏng vấn tại thành phố Quezon, ông Aquino nói rằng sắc lệnh của ông mang ý nghĩa khẳng định các vùng lãnh hải mà Trung Quốc tranh chấp với Philippines là một phần lãnh thổ không phải bàn cãi của nước này.
 
Tổng thống Aquino tái khẳng định, bãi cạn Scarborough của Philippines mà Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền và gọi là Hoàng Nham rõ ràng thuộc chủ quyền và vùng kinh tế đặc quyền của Philippines. Philippines có bằng chứng lịch sử để chứng minh điều này.
 
Bộ Ngoại giao Philippines dự kiến sẽ trình bản sao của sắc lệnh trên và bản đồ chính thức mới của Philippines lên Tổng Thư ký LHQ - ông Ban Ki-moon, đồng thời thông báo cho các tổ chức quốc tế như Tổ chức Thủy văn học quốc tế, Cơ quan Chuẩn hóa địa danh của LHQ về sự thay đổi trên.
 
Ngoài ra, tất cả các cơ quan, ban ngành của Chính phủ Philippines đều được chỉ thị sử dụng bản đồ chính thức mới của Philippines do NAMRIA trình bày và công bố theo sắc lệnh trên.
 
Chỉ lệnh trên của Tổng thống Aquino đã vấp phải những phản ứng từ Trung Quốc.
 
Căng thẳng giữa hai nước bùng phát từ tháng 4 vừa qua, sau khi một tàu hải quân Philippines định bắt giữ các ngư dân Trung Quốc xâm phạm bãi cạn Scarborough mà nước này tuyên bố chủ quyền.
 
Từ nhiều tháng nay, Biển Đông cũng đã trở thành một trong những vùng biển "nóng" nhất trong khu vực với các tuyên bố chủ quyền chồng chéo giữa Trung Quốc đại lục, Philippines, Malaysia, Brunei và lãnh thổ Đài Loan.

Trong số này, Trung Quốc thể hiện rõ nhất tham vọng khi tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết diện tích Biển Đông, bất chấp những bằng chứng pháp lý và lịch sử của một số nước khác, trong đó có Việt Nam, về chủ quyền đối với vùng biển giàu tài nguyên và có vị trí địa chiến lược quan trọng này.

HOÀNG LONG

.
.
.