Thế giới tuần qua
Nhiều sự kiện tuần qua thu hút sự quan tâm của thế giới như khai mạc Đại hội lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, bầu cử Tổng thống Mỹ, Hội nghị cấp cao Á-Âu lần thứ 9…
* Tổng thống Barack Obama tái đắc cử Tổng thống Mỹ
![]() |
Ông Barack Obama và vợ ăn mừng chiến thắng. Ảnh: Twitter của ông Obama |
Trong cuộc bầu cử được đánh giá là kịch tính nhất tại Mỹ, ứng cử viên của Đảng Dân chủ, Tổng thống đương nhiệm của Mỹ Barack Obama đã giành thắng lợi thuyết phục trước ứng cử viên của Đảng Cộng hòa, ông Mitt Romney với tỷ lệ 303/206 phiếu Đại cử tri.
Thắng lợi của ông Obama có nhiều nguyên nhân, ngoài những lợi thế của người đương quyền, còn có tâm lý của các cử tri. Đại đa số cử tri Mỹ cho rằng nước Mỹ vẫn đang gặp nhiều khó khăn do chưa vượt thoát được cơn suy thoái kéo dài từ những năm cuối của người tiền nhiệm của ông Obama: thâm hụt ngân sách lớn, kinh tế trì trệ, thất nghiệp cao...
Trong ba bốn thập niên vừa qua, hầu hết các Tổng thống được liên nhiệm trong hai nhiệm kỳ. Vì người Mỹ cho rằng, trong 4 năm của nhiệm kỳ đầu, nhà lãnh đạo mất rất nhiều thời gian nắm bắt tình hình và thăm dò các khả năng. Do vậy, việc liên nhiệm sẽ tạo điều kiện cho nhà lãnh đạo thể hiện khả năng của mình. Đây cũng là một lợi thế để chiến thắng của ông Obama.
* Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chính thức khai mạc tại thủ đô Bắc Kinh vào ngày 8-11.
![]() |
Toàn cảnh lễ khai mạc đại hội. Ảnh: THX |
Đảng Cộng sản Trung Quốc, chính đảng lớn nhất thế giới với hơn 82 triệu đảng viên, tiến hành Đại hội lần thứ 18 mà trọng tâm là thế hệ lãnh đạo thứ năm của Đảng này lên thay thế hệ thứ tư.
Trong 10 năm do thế hệ thứ tư với hạt nhân là các ông Hồ Cẩm Đào – Ôn Gia Bảo lãnh đạo, Trung Quốc đã có sự phát triển ngoạn mục, vươn từ vị trí thứ sáu trong danh sách các nền kinh tế lớn nhất thế giới, lên vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng, chỉ đứng sau Mỹ.
Tuy nhiên, trong nền kinh tế và xã hội Trung Quốc cũng xuất hiện nhiều bất cập, buộc Đảng Cộng sản Trung Quốc phải có sự đánh giá, xem xét và thúc đẩy các cải cách để đưa đất nước vượt qua khó khăn, tiến lên phía trước.
Sự thay đổi ban lãnh đạo của đất nước hơn 1,4 tỷ dân và của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, không còn là việc riêng của nước này, mà nó còn tác động sâu rộng đến cả thế giới. Chính vì thế, Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc thu hút sự chú ý của dư luận toàn cầu.
* Nga kỷ niệm lần thứ 95 cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga.
![]() |
Ảnh: AFP |
Ngày 7-11, nhân dân Nga và những người Cộng sản trên toàn thế giới kỷ niệm lần thứ 95 cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga.
Trong lịch sử loài người, chưa từng có cuộc cách mạng nào mà ý nghĩa và tầm vóc lịch sử của nó lại to lớn đến như vậy. Đó là bước nhảy vọt trong lịch sử phát triển nhân loại, đánh dấu sự ra đời và phát triển của các nước xã hội chủ nghĩa, biến chủ nghĩa xã hội từ lý tưởng trở thành hiện thực.
Nhân loại dù có trải qua những bước thăng trầm với không ít khúc quanh lịch sử, nhưng giá trị của Cách mạng Tháng Mười và sức sống của nó vẫn trường tồn cùng với thời gian, cổ vũ các dân tộc trên con đường phát triển.
Cách mạng Tháng Mười là cột mốc mở đầu thời đại ngày nay. Con đường Cách mạng Tháng Mười Nga đã đưa nhân loại sang một trang sử mới, ở đó giấc mơ về một cuộc sống không còn bóc lột, áp bức, bất công đã trở thành hiện thực sinh động cho hàng tỷ người trên một không gian thật sự rộng lớn của địa cầu.
* Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 9 diễn ra trong 2 ngày 5 và ngày 6-11 tại Lào
![]() |
Ảnh: AP |
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEM đã trao đổi về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội văn hóa và thông qua hai văn kiện quan trọng là Tuyên bố Vientiane về tăng cường Đối tác vì hòa bình và phát triển và Tuyên bố của Chủ tịch ASEM 9.
Các lãnh đạo ASEM cho rằng sự phát triển kinh tế mạnh mẽ và bền vững của các đối tác ASEM sẽ góp phần vào sự phát triển mạnh mẽ, cân đối và bền vững của nền kinh tế thế giới đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác kinh tế và tài chính giữa châu Á và châu Âu.
Các nhà lãnh đạo ASEM cũng trao đổi về các vấn đề khu vực cùng quan tâm, đặc biệt là những tiến bộ trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN và những diễn biến ở châu Á, châu Âu, Trung Đông, châu Phi…; trao đổi về hợp tác và phát triển văn hóa-xã hội, khuyến khích du lịch và quan hệ rộng mở giữa nhân dân nhằm tăng cường tình hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai châu lục.
Việc kết nạp 3 thành viên mới là Bangladesh, Na Uy và Thụy Sĩ tại hội nghị lần này đã khẳng định tầm quan trọng của ASEM với tư cách là một diễn đàn chiến lược để trao đổi quan điểm giữa hai châu lục Á-Âu.
* Hội đồng Bảo an LHQ đã tập trung thảo luận bản báo cáo về tình hình Syria
![]() |
Ảnh: TTXVN |
Ngày 6-11, Hội đồng Bảo an LHQ đã tập trung thảo luận bản báo cáo về tình hình Syria và bày tỏ lo ngại sâu sắc trước tình trạng bạo lực đẫm máu ở đất nước Trung Đông này trong hai tuần qua.
Báo cáo cho rằng tình hình Syria đang xấu đi từng ngày và đang có nguy cơ cao vượt ra ngoài biên giới nước này, lan sang các nước láng giềng trong một khu vực vốn đã không yên bình. Báo cáo cho biết hiện ở Syria có tới 2,5 triệu người cần được trợ giúp nhân đạo, song họ không dễ tiếp nhận được hàng viện trợ trong tình cảnh bạo lực tiếp diễn.
Nguy cơ cuộc khủng hoảng Syria lan rộng trong khu vực đang ngày càng hiện hữu sau những động thái như quân đội Israel đặt trong tình trạng báo động cao khi phát hiện xe tăng Syria tiến vào khu phi quân sự (DMZ) ở cao nguyên Golan đang do Israel kiểm soát. Ngày 6-11, Israel đã đề nghị HĐBA cần có hành động trước tình trạng "leo thang nguy hiểm" của Syria.
* Interpol có nữ chủ tịch đầu tiên
![]() |
Bà Balestrazzi. Ảnh: Reuters |
Tổ chức cảnh sát quốc tế Interpol hôm 8-11 đã bầu một quan chức cảnh sát nổi tiếng chống lại các tội phạm có tổ chức ở Pháp làm nữ chủ tịch đầu tiên của tổ chức này.
Việc bầu chọn trên diễn ra tại kỳ họp Đại hội đồng Interpol ở thủ đô Rome (Ý), kéo dài từ ngày 5 đến 8-11, theo hãng tin AFP.
Bà Balestrazzi đã trở thành nữ chủ tịch đầu tiên của Interpol.
“Mireille Balestrazzi của Pháp đã trở thành phụ nữ đầu tiên được bầu làm chủ tịch Interpol”, thông báo của tổ chức này trên mạng xã hội Twitter.
Bà Balestrazzi, 58 tuổi, nổi tiếng trong thời gian bà làm giám đốc cảnh sát tư pháp tại đảo Corsica (Pháp) trong những năm 1990.
HOÀNG LONG
(Tổng hợp)