Công ước về luật biển thúc đẩy hợp tác đa phương
Ngư dân Gò Công vá lưới chuẩn bị ra khơi đánh bắt hải sản. Ảnh: N.Hữu |
Theo hãng tin Kyodo, Công ước về Luật biển Liên Hợp quốc đã tạo ra một cơ cấu khung chủ yếu cho các luật biển quốc tế sau khi được thông qua cách đây 30 năm.
Giáo sư danh dự trường Đại học Keio của Nhật Bản Tadao Kuribayashi là một trong những người tham gia soạn thảo công ước, một trong những cơ sở để sinh ra ý tưởng về “vùng đặc quyền kinh tế” (EEZ), tạo cho các nước quyền khai thác tài nguyên ở vùng biển rộng 200 hải lý tính từ đường bờ biển bên ngoài lãnh hải.
Trong chuyến thăm New York gần đây để tham gia lễ kỷ niệm do LHQ và các tổ chức khác tài trợ, giáo sư Kuribayashi đã lưu ý rằng công ước đã tạo ra động lực cho sự hợp tác về biển giữa các nước. Theo ông, công ước đã được thể hiện để nâng cao tiếng nói và hình ảnh của các nước đang phát triển trong cộng đồng quốc tế.
EEZ là một ví dụ về sự đáp ứng lời kêu gọi của các nước đang phát triển. Nó có vai trò hạn chế tàu cá của các nước phát triển đánh bắt với số lượng lớn ở vùng biển ngoài khơi của các nước đang phát triển.
Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, ông Kuribayashi đã trích dẫn những nỗ lực nhằm đảm bảo an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường quanh eo biển Malacca. Các nước ven biển ở khu vực và các nước có tàu đi qua eo biển đã hợp tác theo công ước LHQ.
Indonesia, Singapore, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước Trung Đông đã tham gia “Cơ cấu hợp tác cho eo biển Malacca và Singapore” nhằm duy trì các tháp hải đăng và chống ô nhiễm.
Ông Kuribayashi nói: “Để biến vùng biển hẹp này thành vùng biển hòa bình và thịnh vượng, không chỉ các nước ven biển mà cả những nước hưởng lợi từ eo biển đã đề nghị hợp tác. Đó là một điểm tốt của công ước về Luật biển LHQ."
Theo ông, một thành quả nữa của công ước là tăng cường cơ chế giải quyết tranh chấp biển giữa các nước thông qua thành lập Tòa án quốc tế về luật biển.
Ban đầu, tòa án quốc tế tiến hành nhiều phiên tòa giải quyết nhu cầu của các bên muốn tìm cách sớm thả các tàu cá bị bắt khi đang hoạt động bất hợp pháp và sau đó tiến tới giải quyết vấn đề hoạch định đường ranh giới biển giữa các nước. Đây là điều tốt vì tòa án này cung cấp thêm các lựa chọn để giải quyết tranh chấp cùng với Tòa án Công lý quốc tế.
Tuy nhiên, ông Kuribayashi cho rằng tranh chấp biển đảo giữa Nhật Bản và Trung Quốc hay giữa Nhật Bản và Hàn Quốc không thể giải quyết qua cơ cấu Công ước LHQ về Luật biển. Đây là vấn đề các nước này muốn xác định lãnh thổ của họ như thế nào.
Do vấn đề chủ quyền bao gồm cả chủ nghĩa dân tộc và tình cảm dân tộc, ông Kuribayashi cho rằng việc giải quyết vấn đề tranh chấp biển đảo rất khó khăn và đây không phải là vấn đề trong phạm vi của các luật biển.
HOÀNG LONG
(Theo Kyodo, TTXVN)