Thứ Sáu, 14/12/2012, 07:10 (GMT+7)
.

Hàn Quốc trục vớt mảnh vỡ tên lửa của Triều Tiên

* Nhật muốn áp đặt trừng phạt mạnh chống Triều Tiên

Người dân Hàn Quốc theo dõi sát sao vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: AFP
Người dân Hàn Quốc theo dõi sát sao vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: AFP

Các quan chức quân đội Hàn Quốc ngày 13-12 cho biết, hải quân Hàn Quốc đã tiến hành chiến dịch tìm kiếm trên Hoàng Hải để trục vớt các mảnh vỡ từ vụ phóng tên lửa tầm xa của CHDCND Triều Tiên.
 
Tầng thứ nhất của tên lửa Unha-3 được phóng đi ngày 12-12 đã rơi ở vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên, trong khi phần rời thứ hai rơi xuống Đông Philippines.

“Hải quân đã phát hiện ra vật thể có thể là một phần trong tầng thứ nhất tên lửa của Triều Tiên ở Hoàng Hải vào chiều thứ Tư,” một người phát ngôn Bộ quốc phòng Hàn Quốc nói với AFP.
 
Mảnh vỡ của tên lửa được tìm thấy dưới đáy biển, cách thành phố cảng Gunsan khoảng 100 km về phía tây, theo hãng tin Yonhap, ở độ sâu khoảng 80 mét. Trước khi phóng tên lửa hồi tháng 4, Triều Tiên đã cảnh báo Nhật Bản và Hàn Quốc rằng những nỗ lực tìm cách trục vớt tên lửa của họ sẽ bị coi là “một hành động chiến tranh.” Cảnh báo này không lặp lại trong vụ phóng mới đây.
 
Bình Nhưỡng nói vụ phóng mới nhất của họ hoàn toàn vì mục đích khoa học nhằm đưa một vệ tinh lên quỹ đạo trái đất.

Ở động thái liên quan, Đại sứ Nhật Bản tại Liên hợp quốc Nishimura ngày 12-12, đã thể hiện mong muốn tìm kiếm các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn chống lại CHDCND Triều Tiên thông qua Hội đồng Bảo an LHQ.
 
Động thái diễn ra sau khi Triều Tiên phóng vệ tinh, một hành động mà Nhật Bản coi là vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm xa trá hình.
 
Ông Nishimura nói: “Do hành động được thực hiện hoàn toàn bác bỏ bức thông điệp mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế hồi tháng Tư, việc cân nhắc các biện pháp, trong đó có các lệnh trừng phạt, là thích hợp.”
 
Về hành động mà Hội đồng Bảo an cần thực hiện, ông Nishimura cho rằng “cần tiến tới với một thông điệp không kém hơn tuyên bố của chủ tịch hồi tháng Giêng.”
 
Đại sứ Nishimura đã tránh xác định cụ thể liệu đó sẽ là một nghị quyết của Hội đồng Bảo an hay một tuyên bố của chủ tịch, chỉ nói rằng hành động cần được thực hiện “một cách phù hợp.”
 
Theo ông, do không phải là thành viên Hội đồng Bảo an, nên Nhật Bản sẽ phối hợp chặt chẽ với các thành viên Hội đồng Bảo an như Mỹ, Trung Quốc và với Hàn Quốc, nước sẽ tham gia hội đồng này vào tháng tới với tư cách ủy viên không thường trực.
 
Sau khi Triều Tiên phóng vệ tinh, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda, Chánh Văn phòng nội các Osamu Fujimura và Ngoại trưởng Koichiro Gemba đã lên án mạnh mẽ, nói rằng hành động này là “không thể chấp nhận được” và Nhật Bản sẽ phối hợp chặt chẽ với các nước hữu quan để tìm kiếm các biện pháp trừng phạt bổ sung chống Triều Tiên.

Trong khi đó, theo AFP, trả lời phóng viên tại Bắc Kinh vào ngày 13-12, Người phát ngôn Bộ ngoại giao Hồng Lỗi cho rằng bất kỳ phản ứng nào của LHQ đối với vụ CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa "cũng phải nên thận trọng, phù hợp và có lợi cho hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên và tránh cho tình hình căng thẳng leo thang."
 
Ông Hồng Lỗi cũng nhắc lại lập trường của Bắc Kinh về vụ phóng tên lửa ngày 12-12: "Chúng tôi rất lấy làm tiếc về việc CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa, bất chấp những phản ứng rộng rãi của cộng đồng quốc tế."

HOÀNG LONG

(Tổng hợp)

.
.
.