Thế giới tuần qua
Xả súng kinh hoàng tại trường học Mỹ, 28 người thiệt mạng; Nhật triệu Quyền Đại sứ Trung Quốc phản đối vụ xâm phạm; Triều Tiên diễu hành mừng phóng vệ tinh thành công... là những sự kiện thế giới nổi bật tuần qua.
* Xả súng kinh hoàng tại trường học Mỹ, 28 người thiệt mạng
Gia đình nạn nhân bàng hoàng khi biết tin về vụ xả súng. Ảnh: Fox News |
Ít nhất 28 người đã thiệt mạng, trong đó có 20 trẻ em, khi ngày 14-12 một kẻ đã xả súng tại trường tiểu học Sandy Hook ở thành phố Newtown, tiểu bang Connecticut của Mỹ. Trường tiểu học này có các lớp từ mẫu giáo đến lớp 4 cho học sinh từ 5 đến 10 tuổi. Đây là vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Các kênh truyền hình CBS News và ABC News dẫn thông tin từ cảnh sát Mỹ cho biết vụ xả súng xảy sáng ngày 14-12. Sau vụ xả súng toàn bộ các trường công lập của thành phố Newtown đã đóng cửa.
Các hình ảnh trên truyền hình Mỹ cho thấy cảnh sát và xe cứu thương được triển khai tại hiện trường, trong khi các phụ huynh đang đổ xô về phía ngôi trường để tìm con. Theo kênh truyền hình CNN, Hiệu trưởng và bác sĩ tâm lý của trường tiểu học Sandy Hook nằm trong danh sách những nạn nhân thiệt mạng. Các thông tin cũng cho biết ít nhất một giáo viên bị thương, trong khi một số trẻ em được đưa ra khỏi ngôi trường với những vết thương nặng.
Theo CBS News, sát thủ trong vụ xả súng tại trường tiểu học Sandy Hook là phụ huynh của một học sinh. Đài phát thanh WABC của Mỹ cũng cho biết, kẻ thực hiện vụ xả súng đã chết. Tên này khoảng 24 tuổi và có mặc áo chống đạn. Hiện cũng chưa có thông tin xác nhận về kẻ thứ 2 tham gia vụ xả súng, tuy nhiên, một số kênh truyền hình địa phương cho biết, cảnh sát đã bắt giữ một kẻ tình khi tại khu rừng gần trường tiểu học Sandy Hook.
Vụ tấn công trường tiểu học Sandy Hook là vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ. Trong năm nay, Mỹ đã chứng kiến nhiều vụ xả súng nghiêm trọng, trong đó, có vụ tấn công tại rạp chiếu phim ở Colorado hồi tháng 7, làm 12 người chết và 58 người khác bị thương. Không đầy 3 tuần sau đó, tiếp tục có thêm 7 người thiệt mạng trong vụ xả súng kinh hoàng tại một đền thờ đạo Sikh tại thành phố Milwaukee thuộc bang miền Bắc Wisconsin.
Liên tiếp trong tháng 10 người vừa qua, người dân Mỹ đã phải bàng hoàng với các thông tin về các vụ bắn giết bừa bãi tại bang Wisconsin, Louisiana, California và Georgia. Những vụ việc này đã đổ thêm dầu cho cuộc tranh luận về việc Mỹ có cần những bộ luật kiểm soát súng chặt chẽ hơn.
* Nhật triệu quyền Đại sứ Trung Quốc phản đối vụ xâm phạm
Tàu hải giám Trung Quốc. Ảnh: AFP |
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Thứ trưởng Ngoại giao Chikao Kawai vừa triệu Quyền Đại sứ Trung Quốc Han Zhiqiang tới bộ này để phản đổi mạnh mẽ vụ máy bay Trung Quốc xâm phạm không phận Nhật Bản ngày 13-12 và bốn tàu hải giám Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Nhật Bản sáng cùng ngày.
Thứ trưởng Kawai đã nêu quan điểm cơ bản của Nhật Bản về quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), nhấn mạnh ông không thể chấp nhận đòi hỏi chủ quyền của phía Trung Quốc đối với quần đảo này.
Ông Kawai yêu cầu Chính phủ Trung Quốc có biện pháp ngăn chặn các vụ việc tương tự tái phát và rút ngay các tàu hải giám khỏi vùng biển Nhật Bản.
Đáp lại, ông Han Zhiqiang đã nêu quan điểm của Chính phủ Trung Quốc khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và nói rằng ông không thể chấp nhận kháng nghị của phía Nhật Bản, nhưng sẽ báo cáo động thái này với Chính phủ Trung Quốc.
Ông này cũng nói rằng Trung Quốc không thay đổi chính sách giải quyết vấn đề một cách hòa bình thông qua đối thoại với Nhật Bản.
* Triều Tiên diễu hành mừng phóng vệ tinh thành công
Ảnh: THX |
Hàng trăm nghìn người Triều Tiên đã xuống đường diễu hành ngày 14-12 trong thời tiết giá lạnh để ăn mừng vụ phóng tên lửa mang vệ tinh lên quỹ đạo thành công.
Cuộc tuần hành ở trung tâm Bình Nhưỡng, được chiếu lại trên truyền hình, diễn ra hai ngày sau vụ phóng tên lửa ba tầng và ngay trước kỷ niệm giỗ đầu của cố lãnh đạo Kim Jong-Il vào thứ Hai tới.
Truyền thông Triều Tiên trong khi đó nói ông Kim đã đích thân ra lệnh phóng tên lửa và tuyên bố chính quyền của ông “không lay chuyển” về việc chương trình tên lửa và vệ tinh sẽ tiếp tục.
Ông Kim nhấn mạnh yêu cầu “phóng thêm các vệ tinh trong tương lai... để phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế của quốc gia,” theo hãng tin Triều Tiên KCNA. “Thống chế kính yêu” đã tới thăm khu điều khiển tên lửa một giờ trước khi tên lửa rời bệ phóng vào sáng thứ Tư và ca ngợi “lòng trung thành và yêu nước vô hạn” của đội ngũ kỹ thuật, KCNA cho biết ngày thứ Sáu.
Các nhà phân tích nói vụ phóng mang tính biểu tượng giúp ông Kim củng cố hình ảnh lãnh tụ của mình. “Vụ phóng có nghĩa là hoàn thành di nguyện cuối cùng của Kim Jong-Il,” Yoo Ho Yeol, một giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Seoul, Hàn Quốc, phân tích.
“Nó cũng giúp Jong Un nắm quyền lực chắc hơn và củng cố sự kiểm soát của ông với những nhân vật cấp cao trong quân đội, đảm bảo lòng trung thành và đoàn kết của họ dưới sự lãnh đạo của ông”
* Sức khỏe của tổng thống Hugo Chavez dần hồi phục
Tổng thống Hugo Chavez. Ảnh: Reuters |
Ngày 13-12, Bộ trưởng Truyền thông Venezuela Ernesto Villegas cho biết hai ngày sau ca phẫu thuật phức tạp kéo dài 6 giờ đồng hồ, sức khỏe của Tổng thống Hugo Chavez tiếp tục hồi phục cho dù sau ca mổ đã xuất hiện những biến chứng nhưng các bác sĩ đã xử lý kịp thời.
Trong thông cáo mới nhất về tình hình sức khỏe của Tổng thống Chavez, Bộ trưởng Villegas cho biết các chỉ số cơ thể của bệnh nhân đang hồi phục thuận lợi nhưng vẫn cần phải có thêm thời gian theo dõi bởi ca phẫu thuật vừa qua là hết sức phức tạp.
Ngoài ra, sau ca phẫu thuật đã xuất hiện tình trạng xuất huyết nhưng ngay lập tức đã được các bác sĩ can thiệp.
Dự kiến nếu quá trình hồi phục tiếp tục thuận lợi thì các bác sĩ sẽ áp dụng thêm một số biện pháp điều trị bổ sung để kích thích quá trình phục hồi sức khỏe của Tổng thống Chavez.
Đây là ca phẫu thuật thứ 4 mà Tổng thống Chavez phải trải qua sau khi bị phát hiện mắc bệnh ung thư hồi giữa năm 2011. Tuy nhiên, lần phẫu thuật này được đánh giá là phức tạp và khó khăn nhất.
Chính vì vậy, trước khi sang Cuba phẫu thuật, đích thân Tổng thống Chavez đã thông báo tình hình cho nhân dân Venezuela và đề cử Phó Tổng thống Nicolas Maduro làm người kế nhiệm trong trường hợp ông không thể tiếp tục điều hành đất nước.
* Nga quyết không thay đổi lập trường đối với Syria
Quang cảnh đổ nát sau cuộc giao tranh giữa quân nổi dậy và binh lính chính phủ. Ảnh: AP |
Reuters ngày 14-12 đưa tin, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định sẽ không thay đổi chính sách đối với Syria, quan điểm hoàn toàn trái ngược với lời bình luận trước đó của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov rằng phe đối lập có thể lật đổ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Phát biểu trước báo giới tại Mátxcơva, phái viên của Điện Kremlin về vấn đề Trung Đông nêu rõ sau 21 tháng giao tranh với các lực lượng chống đối, chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad đang dần mất quyền kiểm soát đất nước.
Tuy nhiên, ông Bogdanov cũng đồng thời cảnh báo xung đột chính trị tại quốc gia Trung Đông này có nguy cơ sẽ kéo dài thêm nhiều tháng.
Trước đó, người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đã hoan nghênh quan điểm của ông Bogdanov, cho rằng Nga "cuối cùng cũng đã nhận ra thực tế."
Tuy nhiên Bộ ngoại giao Nga cho rằng ông Bogdanov đơn thuần chỉ nhắc lại lập trường của nước này về vấn đề Syria rằng Mátxcơva muốn có một thỏa thuận trên cơ sở những gì đã đạt được tại một hội nghị quốc tế ở Geneva hồi đầu năm nay
* Bà Clinton tái khẳng định không tranh cử tổng thống
Ảnh: telegraph.co.uk |
Theo AFP, ngày 12-12, Ngoại trưởng Mỹ sắp mãn nhiệm Hillary Clinton tuyên bố một lần nữa rằng bà "không cố gắng thêm lần thứ hai để có thể trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ."
Trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài ABC News, bà Hillary Clinton nói bóng gió về cuộc tranh cử vào Nhà Trắng năm 2008 và bị thất bại trước đối thủ Barack Obama khi đó là thượng nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ: "Tôi từng nói thực sự không tin rằng sẽ tiếp tục điều đó một lần nữa. Tôi cũng rất thấy thú vị vì trước đây đã được trải nghiệm điều đó..."
Ngoại trưởng Clinton đã nhiều lần bày tỏ ý định từ chức để nghỉ ngơi và dành thời gian cho cuộc sống riêng.
Bà Clinton có kế hoạch từ chức Ngoại trưởng Mỹ vào cuối nhiệm kỳ kéo dài 4 năm của bà vào tháng 1-2013 tới.
Hiện nay, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Susan Rice là một trong số cái tên có khả năng kế nhiệm bà Clinton, song danh tiếng của bà Rice có thể đã bị ảnh hưởng liên quan vụ tấn công vào lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi, miền Đông Lybia.
Một ứng cử viên khác có thể vào vị trí ngoại trưởng Mỹ là Thượng nghị sỹ John Kerry - người hiện là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và từng là ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ
* Ai Cập: Bạo lực gia tăng trước thềm trưng cầu dân ý
Hiện trường sau đụng độ. Ảnh: Getty Images |
Ngày 14-12, đụng độ đã nổ ra giữa những người ủng hộ Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi và những người biểu tình thuộc phe đối lập tại thành phố Alexandria, cách thủ đô Cairo khoảng 250 km về phía Bắc, làm 19 người bị thương, 3 ôtô bị đốt cháy.
Cảnh sát đã dùng hơi cay để giải tán những người biểu tình. Vụ việc xảy ra trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về bản dự thảo Hiến pháp mới dự kiến vào ngày 15-12.
Các cuộc biểu tình tương tự cũng diễn ra tại thủ đô Cairo trong ngày 14-12. Khoảng 2.000 người ủng hộ Tổng thống Morsi đã tham gia cuộc biểu tình nhằm bày tỏ sự ủng hộ đối với bản dự thảo Hiến pháp, trong khi hàng trăm người phản đối tụ tập bên ngoài dinh thự của ông Morsi.
Cuộc trưng cầu dân ý về dự thảo Hiến pháp mới sẽ được tiến hành tại Cairô, Alếchxanđria và 8 tỉnh khác của Ai Cập trong ngày 15-12, trong khi một nửa số địa phương còn lại sẽ tiến hành vào ngày 22-12.
Sở dĩ cuộc trưng cầu dân ý được chia làm hai đợt do Ai Cập thiếu lực lượng thẩm phán cần thiết để tham gia giám sát quá trình bỏ phiếu.
Các điểm bỏ phiếu sẽ được mở cửa vào lúc 8 giờ sáng giờ địa phương (13 giờ theo giờ Hà Nội) và đóng cửa vào lúc 7 giờ tối cùng ngày (24 giờ theo giờ Hà Nội). Bộ Phát triển Hành chính Ai Cập cho biết số cử tri đăng ký tham gia bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý đã vượt qua con số 51 triệu người.
Tổng thống Morsi đã ra lệnh cho quân đội hỗ trợ lực lượng cảnh sát nhằm đảm bảo an ninh cho đến khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý được công bố. Bộ Nội vụ Ai Cập cho biết khoảng 130.000 cảnh sát và 120.000 binh sĩ quân đội sẽ được triển khai để thực hiện nhiệm vụ trên.
Theo các nhà phân tích, mặc dù tổ chức "Anh em Hồi giáo" có thể thu hút được cử tri, song điều đó chưa thể đảm bảo khả năng dự thảo Hiến pháp sẽ được thông qua. Trước đó, ngày 12-12, Mặt trận cứu quốc (NSF), lực lượng đối lập chính ở Ai Cập, tuyên bố sẽ tham gia cuộc trưng cầu dân ý, song nói "không" với dự thảo Hiến pháp.
HOÀNG LONG
(Tổng hợp)