Hy vọng về một nhà nước Palestine độc lập trong năm 2013
* Palestine dự kiến thông qua hiến pháp mới vào năm 2013
Phong trào Fatah của Palestine ngày 1-1 tổ chức kỷ niệm 48 năm thành lập (1-1-1965 - 1-1-2013). Tuy nhiên khác với mọi năm, ngày kỷ niệm năm nay mang nhiều ý nghĩa, nhất là khi Palestine vừa được nâng cấp quy chế tại Liên hợp quốc và cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2007, phong trào này được phép tổ chức lễ kỷ niệm tại dải Gaza, hiện do phong trào vũ trang Hamas đối lập kiểm soát.
Phát biểu tại khu Bờ Tây, vùng lãnh thổ của Palestine, ngày 1-1, Tổng thống Palestine Mahmud Abbas cam kết sẽ xây dựng một nhà nước Palestine độc lập trong năm 2013. “Năm mới này sẽ chứng kiến sự ra đời của Nhà nước Palestine độc lập. Kể từ khi được thành lập cách đây 48 năm, chúng tôi vẫn tiếp tục cuộc cách mạng nhằm xây dựng một nhà nước Palestine độc lập với thủ đô là Jerusalem”, ông Abbas nói.
Người dân Palestine vẫy cờ của phong trào Fatah tại lễ kỷ niệm 48 năm ngày thành lập của phong trào Fatah ở thị trấn Bờ Tây. Ảnh: Reuters |
Đối với người dân Palestine, năm vừa qua chứng kiến nhiều sự thay đổi, nhất là việc nước này được LHQ nâng cấp quy chế lên thành Nhà nước quan sát viên phi thành viên, cũng như những cải thiện trong quan hệ với phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas đối lập.
Bằng chứng rõ nét nhất là việc lần đầu tiên Phong trào Fatah tổ chức lễ kỷ niệm thành lập tại Dải Gaza kể từ khi Hamas nắm quyền kiểm soát khu vực này vào năm 2007 sau cuộc xung đột giữa hai phái. Nhân dịp này, hai bên cam kết thúc đẩy tiến trình hòa giải Palestine, mở ra hy vọng về một nhà nước Palestine thống nhất.
Một người dân tại dải Gaza cho biết: “Chúng tôi tập trung ở đây để phát đi một thông điệp tới toàn thế giới rằng, Palestine là một thể thống nhất. Chúng tôi sẽ tiếp tục noi gương lãnh tụ Yasser Arafat, người đã dành phần lớn cuộc đời mình đấu tranh đòi quyền tự quyết cho người dân Palestine”.
Dẫu vậy, phía trước vẫn còn nhiều thách thức đối với người Palestine. Dù nhận được sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế, song Palestine vẫn phải đối mặt với sự chiếm đóng của người Israel, khiến hoạt động trao đổi hàng hóa cũng như đi lại của người dân Palestine gặp nhiều khó khăn.
Các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Palestine và Israel được nối lại vào tháng 9-2010, song đã bị gián đoạn chỉ vài tuần sau đó do Israel tiếp tục cho xây nhà định cư. Những nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm đưa hai bên quay trở lại bàn đàm phán cho đến nay không đạt được bước tiến đáng kể nào.
Ở động thái liên quan, ngày 30-12-2012, văn phòng Trưởng đoàn đàm phán Palestine Saeb Erakat cho biết, Chính quyền Dân tộc Palestine (PNA) dự kiến thông qua bản hiến pháp mới vào năm 2013. Chính quyền Dân tộc Palestine cũng sẽ nỗ lực tham gia một số thỏa ước quốc tế và các tổ chức của LHQ.
Mục tiêu thống nhất dân tộc Palestine là một ưu tiên chính đối với chính quyền Dân tộc Palestine. Bên cạnh đó, việc đạt được ngừng bắn giữa Israel và các nhóm du kích ở Dải Gaza cũng là một mục tiêu quan trọng của nhân dân Palestine.
Chính quyền Dân tộc Palestine cũng kêu gọi phác thảo một kế hoạch làm việc để nối lại các cuộc hòa đàm với Israel dựa trên các cam kết hòa bình giữa hai bên, yêu cầu Israel ngừng các hoạt động tái định cư ở Bờ Tây, Đông Jerusalem và trả tự do cho các tù nhân Palestine.
Bên cạnh đó, dù Hamas và Fatah đã đạt được một thỏa thuận hòa giải từ giữa năm ngoái, song đến nay vẫn chưa được thực thi. Theo Tổng thống Abbas cả hai bên cần tuân thủ thỏa thuận đã ký. Bởi “sự đồng thuậń của toàn dân” về đoàn kết Palestine là yếu tố cần thiết để Palestine xây dựng nhà nước độc lập với sự công nhận của quốc tế.
Theo các nhà phân tích, năm mới 2013 mang theo nhiều hy vọng hơn đối với người Palestine. Ngay vào thời điểm chuyển giao giữa năm cũ với năm mới, Tổng thống Israel Shimon Peres cũng bày tỏ tin tưởng vào viễn cảnh tiến trình hòa bình giữa nhà nước Do Thái và Palestine.
HOÀNG LONG
(Tổng hợp)