Thứ Ba, 01/01/2013, 07:42 (GMT+7)
.

Thế giới chào đón năm mới 2013

Đón Năm Mới ở Paris. Ảnh: AFP
Đón năm mới ở Paris. Ảnh: AFP

Khi đồng hồ chỉ vào số 12 trong ngày 31-12, hàng triệu người đã bật nút chai sâm panh và đốt pháo hoa trong khi những người khác thưởng thức kỳ nghỉ năm mới một cách khác lạ như nấu chảy chì, nhảy khỏi ghế hoặc nhai ngấu nghiến nho.
 
Là một trong những truyền thống cổ xưa nhất, lễ đón năm mới có rất nhiều hình thức khác nhau, nhưng hầu như các nền văn hóa đều có một điểm chung: nghỉ ngơi sau một năm dài vất vả.
 
Đối với nhiều nơi trên thế giới, điều này liên quan đến việc nhấm nháp ly champagne với bạn bè cho đến khi mặt trời mọc, nhìn lại năm cũ bằng cách đốt lửa và pháo sáng, hát lạc nhịp ca khúc Auld Lang Syne.
 
Nhưng nhiều quốc gia khác có những thói quen rất đáng chú ý và thường mang đậm tính chất mê tín.

Tại Phần Lan, những hướng dẫn viên du lịch cho biết mọi người thường đổ chì nóng chảy vào nước lạnh để xác định xem năm tới sẽ như thế nào tùy thuộc vào hình dạng của chì. Nếu nó mang hình dáng một con tàu thì đó sẽ là tiên đoán cho một chuyến đi, còn mang hình cầu thì sẽ là điều may mắn.
 
Tại Đan Mạch, mọi người đứng trên ghế và cùng đồng loạt nhảy xuống khi đồng hồ chỉ vào nửa đêm, tượng trưng cho việc nhảy vào một năm mới.

Những người Đan Mạch cũng ném đĩa vào nhà bạn bè của mình vào ban đêm - càng tìm thấy nhiều mảnh vỡ ngoài cửa nhà mình vào sáng hôm sau bạn sẽ càng trở nên nổi tiếng.
 
Người Hà Lan đốt những đống lửa lớn với cây Giáng sinh và ăn bánh vòng ngọt - đây là một trong rất nhiều nền văn hóa tin rằng việc ăn những thức ăn hình tròn của năm mới sẽ tượng trưng cho một tương lai tốt lành.
 
Người Tây Ban Nha lại ăn 12 quả nho trước khi chuông đồng hồ đổ nửa đêm, mỗi quả tượng trưng cho một tháng, để biết tháng đó sẽ ngọt hay chua.

Người Tây Ban Nha sẽ ăn 12 trái nho biểu trưng cho 12 tháng. Ảnh: AFP
Người Tây Ban Nha ăn 12 trái nho biểu trưng cho 12 tháng. Ảnh: AFP

Tại Philippines, những người tham dự tiệc mặc những chiếc áo chấm bi để gặp may mắn, trong khi tại một số đất nước Nam Mỹ mọi người mặc đồ lót màu sắc rực rỡ để thu hút may mắn - màu đỏ cho tình yêu và màu vàng cho thành công về tiền bạc.
 
Trừ một số khác biệt về tôn giáo và văn hóa, hầu hết các ngày hội năm mới là cơ hội để xả hơi trước khi một vòng quay mới lại bắt đầu.
 
"Đây là một ngày lễ để thư giãn và để mặc mọi thứ trôi qua," - Amitai Etzioni, nhà xã hội học của đại học George Washington giải thích.
 
Người La Mã cổ đại, những người tạo ra dương lịch, kỷ niệm theo cách gần giống như chúng ta.
 
"Đó là một ngày lễ của cộng đồng. Mọi người dành trọn ngày để vui chơi, ăn uống,"- nhà sử học người  Pháp John Scheid của College de France cho biết.

Người Trung Quốc đón Năm Mới theo Âm lịch. Ảnh: AFP
Người Trung Quốc đón năm mới theo Âm lịch. Ảnh: AFP

Ngày 1-1 trở thành ngày kỷ niệm năm mới chỉ bắt đầu từ năm 46 sau Công nguyên, khi hoàng đế Julius Caesar giới thiệu một bộ lịch mới. Trước đó ngày 1-3 được coi là ngày đầu tiên của năm.
 
Châu Âu thời Trung cổ, dầu vậy, tiếp tục kỷ niệm năm mới theo phong tục tôn giáo, trong đó bao gồm cả Giáng sinh.
 
Hầu hết các đất nước Thiên chúa đều ngay lập tức chấp nhận lịch mới này với ngày đầu tiên là ngày 1-1, nhưng những quốc gia theo đạo Tin lành thì phải mất thời gian để từ từ chấp nhận.
 
Anh và các quốc gia sau thuộc địa của mình, bao gồm cả Mỹ, nằm trong số những nước cuối cùng sử dụng bộ lịch mới, kể từ năm 1752.
 
Trong khi phần lớn thế giới giờ đây chấp nhận ngày 1-1 là ngày đầu tiên chính thức của năm mới, một số đất nước vẫn tổ chức các lễ hội theo ngày riêng của mình.

                                                                                                                                                 HOÀNG LONG

(Tổng hợp)

.
.
.