Thứ Tư, 13/03/2013, 07:16 (GMT+7)
.

Vatican tiến hành bầu Giáo hoàng thứ 266

Từ ngày 12-3 (giờ Vatican), các hồng y thực hiện một truyền thống có bề dày 700 năm, trong vòng bí mật, nhằm bầu ra các lãnh đạo Công giáo nối tiếp nhau từ thời Chúa Jesus.
 
Mật nghị bầu Giáo hoàng (2013) sau khi Giáo hoàng Benedict XVI thoái vị (vào tháng 2 vừa rồi), bắt đầu vào ngày 12-3 và kéo dài trong khoảng 3-5 ngày, với nguyên tắc “nội bất xuất ngoại bất nhập” để bầu ra Giáo hoàng thứ 266 - người kế vị thứ 265 của Thánh Peter, tông đồ trưởng của Chúa Jesus.

Các hồng y tiến tới Nhà nguyện Sistine dịp mật nghị ngày 18-4-2005. Ảnh: AFP
Các hồng y tiến tới Nhà nguyện Sistine dịp mật nghị ngày 18-4-2005. Ảnh: AFP

Hồng y đoàn sẽ được khóa kín ở một nơi và tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài nhằm tránh tác động của các thế lực bên ngoài trong quá trình bầu chọn. Ngày nay Vatican cho triển khai các thiết bị phá sóng để tránh hiện tượng nghe trộm.
 
Thể thức mật nghị hiện nay có từ năm 1274 sau hàng thế kỷ bầu giáo hoàng qua nhiều phương thức khác nhau:
 
* Mời Đấng Tạo hóa đến chứng giám
 
Từ nơi tá túc ở Domus Sanctae Marthae, 115 hồng y cử tri sẽ di chuyển sang Nhà nguyện Pauline ở Thánh Điện vào lúc 3 giờ 45 (giờ Vatican, tức 9 giờ 45 phút, giờ Việt Nam).
 
Vào lúc 4 giờ 30 phút (10 giờ 30 phút giờ Việt Nam), các hồng y diễu hành sang Nhà nguyện Sistine, địa điểm chính thức tổ chức Mật nghị, chiếu theo “Đoàn chiên phổ quát của Chúa”, tức Tông hiến của Giáo hội Công giáo La Mã do Giáo hoàng John Paul II ban hành năm 1996.
 
Các hồng y sẽ vừa đi vừa hô “Veni, Creator Spiritus” để kêu gọi sự tham gia của thánh thần trong việc lựa chọn vị giáo hoàng kế vị.
 
* Thề bí mật, nếu không sẽ bị…
 
Các cử tri hồng y sẽ tuyên thệ giữ bí mật, mà nếu không giữ được thì sẽ bị rút phép thông công (tức khai trừ khỏi Giáo hội).
 
Trưởng Hồng y đoàn, là Hồng y Angelo Sodano, sẽ đọc to lời tuyên thệ.
 
Sau lời thề chung, mỗi hồng y đặt tay lên cuốn Phúc âm và tiếp tục thề cá nhân.
 
* “Mọi người ra ngoài!”
 
Một khi cử tri cuối cùng đã tuyên thệ, người chủ trì nghi lễ sẽ hô to “Extra omnes!” tức là “mọi người ra ngoài”.
 
Từ giờ phút này, Nhà nguyện Sistine sẽ bị khóa kín.
 
Chỉ có người chủ trì các nghi lễ và một hồng y khác, được chọn để thuyết pháp với các hồng y cử tri, là có thể ở lại.
 
* Thiền định về "nhiệm vụ nặng nề"
 
Các hồng y sẽ lắng nghe về nhiệm vụ nặng nề dành cho họ và sự cần thiết phải hành động một cách đúng đắn vì Giáo hội toàn cầu, theo Đoàn chiên phổ quát của Chúa (Tông hiến của Giáo hội Công giáo La Mã).
 
Nghi thức này do Hồng y Malta là Prosper Grech đảm nhiệm. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Prosper Grech sẽ rời khỏi Nhà nguyện Sistine cùng với người chủ trì nghi lễ chung.
 
Các hồng y sau đó cầu kinh và thực hiện một số thủ tục nhất định, trước khi bước sang công đoạn quan trọng nhất là bỏ phiếu bầu.
 
* Phiếu kín
 
Quá trình bỏ phiếu gồm ba bước. Trong bước thứ 1 (có tên tiền kiểm phiếu), các cử tri được nhận 3 lá phiếu hình chữ nhật, trên đó ghi “Eligo in Summum Pontificem” (“Tôi bầu … làm Giáo hoàng Tối cao)
 
Các cử tri sẽ thông qua rút thăm để chọn ra 3 người kiểm phiếu, 3 người hỗ trợ những người ốm yếu trong tiến trình bầu cử, và 3 người kiểm tra.
 
Mỗi hồng y sẽ bí mật điền vào phiếu của mình.
 
Theo sắc lệnh của John Paul, hồng y cử tri “sẽ phải ghi một cách hợp lệ tên người được bầu, chữ viết phải cố gắng để không bị nhận diện, cố gắng không ghi tên cả của người khác, vì như thế sẽ làm cho lá phiếu không có giá trị”.
 
Sau đó ông ta sẽ gấp lá phiếu 2 lần.
 
* "Hòm phiếu" bầu Giáo hoàng
 
Mỗi cử tri hồng y, sau khi gập phiếu của mình, “sẽ giơ lá phiếu lên cho mọi người thấy rồi mang nó đến bệ thờ”.
 
Khi đến bệ thờ, mỗi cử tri đọc rõ lời thề, đặt phiếu lên 1 cái đĩa rồi dùng đĩa đó để thả phiếu vào bình đựng phiếu. Sau đó ông sẽ cúi người trước bệ thờ và quay về chỗ ngồi của mình.
 
* Kiểm phiếu chặt chẽ, khách quan
 
Sau khi các hồng y đã bỏ phiếu xong, người kiểm phiếu thứ 1 sẽ lắc bình chứa vài lần và người kiểm phiếu cuối cùng sẽ kiểm phiếu trước sự chứng kiến đầy đủ của các hồng y cử tri, rồi đưa các lá phiếu sang bình đựng thứ 2.
 
Sau đó cả 3 người kiểm phiếu sẽ ngồi ở bàn phía trước bệ thờ và tiến hành các công đoạn sau:

Người kiểm phiếu thứ 1 lấy 1 lá phiếu, gập lại, và ghi chú tên người được chọn. Người thứ 2 nhận lá phiếu từ người thứ 1 và cũng ghi chú tên người được chọn. Người thứ 3 nhận lại lá phiếu từ người thứ 2, và “đọc to và rõ sự bầu chọn đó, để tất cả các cử tri có mặt có thể ghi phiếu này lên 1 tờ giấy chuẩn bị sẵn”. Người thứ 3 này cũng ghi tên người được chọn lên lá phiếu.
 
Trong giai đoạn hậu kiểm phiếu, những người kiểm phiếu sẽ cộng tất cả các phiếu chọn mà mỗi cá nhân nhận được rồi ghi kết quả lên một tờ giấy riêng.
 
Người kiểm phiếu cuối cùng, khi đọc to nội dung các lá phiếu, “sẽ đục thủng mỗi lá phiếu bằng 1 chiếc kim ở chỗ có ghi từ Eligo (tiếng Latin có nghĩa là lựa chọn) và xâu lại bằng một sợi chỉ để đảm bảo các lá phiếu được giữ an toàn”. Xâu phiếu này được thắt nút và đặt trong 1 bình chứa hoặc trên cạnh bàn.
 
Một khi những người kiểm phiếu hoàn thành nhiệm vụ, 3 người kiểm tra sẽ kiểm tra các lá phiếu và các ghi chú của người soát phiếu lúc đầu, “nhằm đảm bảo những người kiểm phiếu đã thực thi nhiệm vụ một cách chính xác và trung thực”.
 
* Đốt phiếu
 
Ngay sau khi những người kiểm tra đã kiểm lại phiếu, những người đếm phiếu sẽ đốt tất cả các lá phiếu cũng như các ghi chú của các cử tri. Việc đốt sẽ tiến hành ngay trước mặt các hồng y.
 
Có hai chiếc lò dùng cho việc này.
 
Được đúc năm 1938, cái lò thứ 1 sẽ dùng để đốt phiếu. Bên trên có khắc ngày tháng của 5 mật nghị đã sử dụng lò này – từ mật nghị bầu ra Pius XII năm 1939 đến mật nghị năm 2005 bầu ra Benedict XVI.
 
Chiếc lò thứ 2 là loại hiện đại. Được trang bị thiết bị điện tử, nó sẽ cho thêm chất hóa học vào khói để tạo ra khói trắng hoặc đen.
 
Khói sẽ bay ra ngoài qua ống khói bằng đồng trên mái Nhà nguyện Sistine, để thông báo cho công chúng biết về tình hình bầu chọn giáo hoàng.
 
Khói đen nghĩa là chưa bầu được giáo hoàng, và các hồng y sẽ phải lặp lại toàn bộ quá trình (4 lượt/ngày) cho đến khi nào một ứng viên nhận được 2/3 số phiếu bầu (cụ thể là phải nhận được 77 phiếu trên tổng số 115).
 
Khói trắng sẽ có nghĩa rằng đã bầu được tân lãnh đạo cho cộng đồng 1,2 tỷ giáo dân.

H.LONG

(Theo VOV)

.
.
.