Chủ Nhật, 16/06/2013, 09:24 (GMT+7)
.

Tranh cãi về cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria

Đổ nát bên trong TP Aleppo, Syria. Ảnh: Washington Post
Đổ nát bên trong TP. Aleppo, Syria. Ảnh: Washington Post

Sau khi Nhà Trắng công bố kết luận của các cơ quan tình báo Mỹ khẳng định quân đội Chính phủ Syria đã nhiều lần sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này, ngày 14-6, giới chức Syria đã lên tiếng bác bỏ, khẳng định rằng cáo buộc trên của Washington là "dối trá" và dựa trên "các nguồn tin bịa đặt".

Đại sứ Syria tại Nga, ông Riyad Haddad nhấn mạnh chính các nhóm nổi dậy ở Syria đã sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc xung đột, và Chính phủ Syria hồi tháng 3 vừa qua đã đề nghị Liên hợp quốc (LHQ) tiến hành điều tra việc sử dụng vũ khí hóa học của lực lượng nổi dậy trong cuộc tấn công tại TP Aleppo.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, quan điểm của Bắc Kinh về vấn đề vũ khí hóa học là rõ ràng và nhất quán. Trung Quốc cực lực phản đối bất cứ bên nào sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc xung đột tại Syria, đồng thời hy vọng phái bộ của LHQ sẽ tiến hành điều tra phù hợp với luật pháp quốc tế và các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ. Trung Quốc cũng nhấn mạnh một thỏa thuận chính trị là giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng tại Syria, và hy vọng các bên liên quan sẽ nắm bắt mọi cơ hội để thúc đẩy tiến trình này.

Tại Moscow, cố vấn hàng đầu về chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga, ông Yury Ushakov cho rằng những thông tin và sự kiện mà Mỹ đưa ra trong cáo buộc chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học là "không thuyết phục". Ông Usacốp cũng cảnh báo rằng quyết định của Oasinhtơn viện trợ quân sự cho phe đối lập Syria sẽ làm tổn hại sáng kiến hòa bình mới cho cuộc khủng hoảng ở Syria do Mỹ và Nga đề xuất.

Liên minh châu Âu (EU) cùng ngày bày tỏ đặc biệt quan ngại về kết luận của Mỹ rằng quân đội Syria đã sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc chiến với lực lượng đối lập, đồng thời nhấn mạnh phải triển khai một phái bộ điều tra của LHQ tới Syria để làm rõ việc này cũng như thúc đẩy tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Syria.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh William Hague cho biết Anh hoàn toàn đồng tình với kết luận của Nhà Trắng và kêu gọi cộng đồng quốc tế phối hợp hành động mạnh mẽ và kiên quyết về vấn đề này.

Việc Mỹ công bố kết luận của các cơ quan tình báo nước này khẳng định các lực lượng của Tổng thống Syria Basa An Axát đã nhiều lần sử dụng vũ khí hóa học được nhìn nhận là một động thái có thể dẫn tới sự can thiệp trực tiếp của Mỹ vào cuộc khủng hoảng tại Syria, trong đó có thiết lập một vùng cấm bay giới hạn quanh các trại huấn luyện của lực lượng nổi dậy, trải dài khoảng 40km vào sâu lãnh thổ Syria.

Tuy nhiên, Pháp cho rằng khó có thể thực hiện vùng cấm bay giới hạn tại Syria vào thời điểm này vì sẽ vấp phải sự phản đối của một số thành viên trong Hội đồng Bảo an LHQ.

Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức cho biết nước này "tôn trọng" cam kết của Mỹ về viện trợ quân sự cho phe đối lập Syria, nhưng nêu rõ lập trường của Đức là "không chuyển vũ khí tới một khu vực nội chiến là vì các lý do pháp lý", và lập trường này sẽ không thay đổi ngay cả trong trường hợp các lực lượng của Tổng thống Syria bị phát hiện sử dụng vũ khí hóa học như cáo buộc của Mỹ".

Dự kiến, Tổng thống Mỹ Obama sẽ trao đổi cụ thể về vấn đề vũ khí hóa học tại Syria với người đồng cấp Nga Vladimir Putin bên lề Hội nghị Thượng đỉnh 8 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G-8) diễn ra trong tuần tới ở Bắc Ireland. Tuy nhiên, với những khác biệt cơ bản như trên có thể thấy hai bên sẽ khó đạt được sự đồng thuận trong giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.